Thầy thuốc nhân dân, AHLĐ Nguyễn Thiện Thành với sự nghiệp giáo dục

09/10/2013 07:32
Bùi Xuân Dũng
(GDVN) - Giáo sư Nguyễn Thiện Thành sinh ngày 30/09/1919. Ông quê ở xã Phương Thạnh, huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh. Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình ông có nhiều bí danh như: Nguyễn Minh Nhân, Nguyễn Trà Vinh. Tuy nhiên, mọi người thường hay gọi ông bằng cái tên thân mật: Ba Nhân.
Sau khi học xong ở trường tỉnh Trà Vinh, ông Nguyễn Thiện Thành tiếp tục học ở trường Collège de Mỹ Tho, nay là trường trung học Nguyễn Đình Chiểu, sau đó ông học tiếp phần tú tài ở Trường Lycée Pestrus Ký, Sài Gòn, nay là trường trung học phổ thông chuyên Lê Hồng Phong.

Sau khi tốt nghiệp, ông được cơ quan điều hành ngành giáo dục ở Đông Dương, Direction de L’Instruction Publique en Indochin “DIRIP” đề nghị sang Pháp học với chế độ học bổng đặc biệt, nhưng với điều kiện là phải học những ngành mà do thực dân Pháp yêu cầu là: quân sự, chính trị, ngân hàng.

Giáo sư, Thầy thuốc nhân dân, AHLĐ Nguyễn Thiện Thành và vợ Bác sĩ Dương Thị Minh
Giáo sư, Thầy thuốc nhân dân, AHLĐ Nguyễn Thiện Thành và vợ Bác sĩ Dương Thị Minh


Mặc dù lúc này ông chưa gia nhập vào hàng ngũ cách mạng, nhưng chàng trai trẻ Nguyễn Thiện Thành vẫn từ chối thẳng thừng những đặc ân của Thực dân Pháp dành cho mình. Bởi Ông nghĩ: những ngành đó là “thất đức” vì học xong để làm tay sai cho giặc, để tàn sát nhân dân lao động cực khổ. Vì vậy ông một mực từ chối những yêu cầu mà Thực dân pháp dành cho mình.

Từ người bác sĩ, ông trở thành người chiến sĩ 

Ông quyết định đi học ngành y khoa, để có thể cứu giúp được nhiều người bị ốm đau, bị bệnh tật đã cướp đi sinh mạng. Nghĩ là làm, ông quyết định theo học ngành y khoa đại học của Pháp ở Đông Dương tại Hà Nội. Ông theo học trường này rồi tiếp tục học ngoại trú, nội trú.

Đến năm 1944 thì nhận công tác tại bệnh viện Bạch Mai. Trong thời gian này, ông được bầu vào hội đồng nhân dân bệnh viện Bạch Mai. Nhưng, khi cuộc kháng chiến Nam Bộ bắt đầu thì với tư cách là một người con của Miền Nam, ông hăng hái xung phong để được trở về Miền Nam kháng chiến. Lúc này, người Bác sĩ trẻ, trở thành người lính Bộ đội cụ Hồ. Người chiến sĩ trẻ ấy, trên mặt trận mới, với chuyên môn được đào tạo của mình, ông được giao nhiệm vụ phụ trách quân y.

Với sự hăng hái nhiệt tình của mình ông, ông hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Đến đầu năm 1950 ông bị địch bắt ngay tại quê hương bắt và chuyển từ nhà giam Cần Thơ lên Sài Gòn, giam tại nhà giam Virgile. Trong thời gian bị bắt. Ông lấy được cảm tình của một tên lính canh vốn là sinh viên y khoa bị động viên vào quân viễn chinh của Pháp sang đánh nhau với “Việt Minh”.

Với tình cảm của mình đối với tù nhân Nguyễn Thiện Thành, người lính đã mượn cho ông những sách, báo, tạp chí về y khoa để ông nghiên cứu. Từ đó, Ông được tiếp cận với phương pháp chữa bệnh của bác sĩ Filatov. Về lý thuyết Filatov (philatop) là phương pháp chữa bệnh do giáo sư N. P. Filatov  (người Anh, sống tại thành phố Odessa – Nga) tiến hành nghiên cứu và phát minh.

Phương pháp này được áp dụng trên nguyên lý biện chứng: có nghĩa là khi các tế bào bị cắt lìa khỏi cơ thể và đem đặt vào một môi trường kìm hãm sự sống như bỏ vào tủ lạnh từ 0 đến 4 độ C, tế bào này phải đấu tranh với nghịch cảnh để tồn tại. Trong khi đấu tranh để sống còn, tế bào ấy tiết ra một chất gọi là biostimuline giúp cơ thể chống lại bệnh tật.

Bác sĩ Thành đọc được bài báo của H.Vachon đề cập tính hiệu quả khi áp dụng thực tế phương pháp Filatov. Tuy nhiên H.Vachon rất thận trọng khi cho rằng phương pháp này chỉ là một giả thuyết cần kiểm chứng. Không lâu sau, bác sĩ Thành được phóng thích sau khi phía cách mạng thả đại tá bác sĩ quân y Pháp tên Duris bị bắt trong chiến dịch Biên Giới 1950.

Bác sĩ Thành bắt đầu áp dụng phương pháp Filatov trong thực tế điều trị. Ông tiến hành nghiên cứu và nhận thấy: đây là một thành tựu mới của y học nhiều triển vọng khi áp dụng vào điều kiện thực tiễn của chiến trường miền Nam. 

Phương pháp Filatov được ông tìm ra để chữa bệnh cho các chiến sĩ lại được sáng tạo trong hoàn cảnh của ngành y tế đang khó khăn, thiếu thốn trăm bề. Việc trị liệu filatov và đường thủy phân bào chế ngay tại chỗ, đã cung cấp cho cơ thể người bệnh cả Glucose và Fructose.

Vào ngày 07-11-1951, phương pháp Filatov chính thức được sử dụng và điều trị tại chiến trường miền Tây Nam bộ đem lại những kết quả hết sức khả quan làm cho người bệnh phấn khởi, thầy thuốc vui mừng, nhân dân tin tưởng. 

Năm 1952, ông sáng chế thành công kỹ thuật sản xuất huyết thanh Bogonolota, áp dụng có kết quả tốt trong nhiều bệnh, làm lành các vết thương gây sốt.

Năm 1954, bác sĩ Nguyễn Thiện Thành tập kết ra Bắc. Sau đó, được Chính phủ Việt Nam cử đi nghiên cứu sinh về đề tài học thuyết Pavlov tại Viện hoạt động thần kinh cao cấp của Liên Xô. Năm 1960, bác sĩ Nguyễn Thiện Thành bảo vệ thành công luận án Phó Tiến sĩ Y khoa được đánh giá cao và tiếp tục ở lại Liên Xô nghiên cứu thêm về lâm sàng hoạt động thần kinh cao cấp.

Khi được đề nghị tiếp tục làm luận án Tiến sĩ, bác sĩ Thành đã từ chối và xin về nước để hoàn thành luận án lớn hơn, đó là sức khỏe của thương bệnh bịnh, đồng bào, đồng chí ở miền Nam ruột thịt còn chìm trong khối lửa chiến tranh.

Năm 1964, Khi tham gia vào chiến trường B2 chống Mỹ. lúc này ông tìm hiểu về bệnh sốt rét. Trong thời gian tìm hiểu để tìm ta thuốc đặc trị bệnh sốt rét, ông chấp nhận lấy thân mình làm thí nghiệm, kết quả là chính ông cũng bị sốt rét. Nhưng khi có thông báo mời Giáo sư Thành đi cấp cứu cho một đồng chí lãnh đạo gấp, mặc dù bị sốt cao nhưng ông vẫn cố ngồi dậy. Lúc ấy, bà vợ ông có hỏi: “Ông ốm thế liệu có đi được không?” thì ông quả quyết: “Chỉ cần bỏ chân xuống đất là đi”. Thế là ông cùng mọi người băng rừng vào khu căn cứ. Sau khi làm xong nhiệm vụ, ông bị ngất và được các bác sĩ ở đó cấp cứu. 

Với những nghiên cứu của mình, kết quả của phương pháp điều trị dinh dưỡng do sốt rét đã được áp dụng bằng việc dùng Insulin liều dinh dưỡng trể thể địa non trẻ của anh em tân binh. Đến năm 1968 ông tiếp tục phát triển nghiên cứu để đưa ra được phương pháp điều trị sốt rét ác tính thể đái ra huyết sắc tố được áp dụng trên các bệnh nhân ở bệnh viện K71 đã thu được nhiều kết quả khả quan khi đã giảm được 50% tỷ lệ tử vong so với các nơi khác.

Những năm 1970 – 1971, ông được giao nhiệm vụ giữ gìn, chăm sóc sức khỏe cho các đồng chí cán bộ lãnh đạo. Với yêu cầu mới, nhiệm vụ mới ông đã tìm hiểu và đưa ra được nhiều phương pháp điều trị đối với bệnh nhân lớn tuổi.

Người Bác sĩ với sự nghiệp Giáo dục

Năm 1986 khi ông được giao thêm nhiệm vụ Chủ nhiệm bộ môn Tích tuổi học (Lão khoa) của Trường đại học y dược Tp. HCM. Có thể nói ông là một trong những nhà giáo, nhà khoa học tiên phong trong việc nghiên cứu về lão khoa ở Việt Nam. Hiện bộ môn lão khoa của Đại học y dược Tp. Hồ Chí Minh là một bộ môn mạnh, được đầu tư, nghiên cứu chuyên sâu về bệnh lão học. Hiện nay, việc điều trị cho người già là một trong những quan tâm hàng đầu của xã hội hiện nay thì đã được giáo sư Nguyễn Thiện Thành đi trước nghiên cứu.

Thời kỳ này ông tìm hiểu và viết sách với mục đích giáo dục cho bác sĩ cũng như nhân dân về những căn bệnh và biện pháp phòng bệnh của người cao tuổi. Những sách nổi tiếng của ông như: cấp cứu ở đối tượng nhiều tuổi; khỏe mạnh, sáng tạo khi tuổi đã cao, tai biến mạch não; Điều trị phục hồi ở người có tuổi; những bệnh thường gặp ở người có tuổi; những thức ăn nên thuốc đối với người có tuổi….

Cho đến khi về hưu, mặc dù tuổi cao (hơn 80 tuổi), sức yếu nhưng ông vẫn tham gia giảng dạy, và truyền đạt lại kiến thức của mình cho thế hệ trẻ. 

Khi cảm thấy không còn minh mẫn nữa ông mới chịu nghị ngơi, nhưng với tinh thần cách mạng cao, ông vẫn tham gia thành lập quỹ học bổng cấp cho học sinh nghèo hiếu học trên địa bàn tỉnh Trà Vinh. Ông trích tiền lương của mình để xây cầu tại cà mau để bà con đi lại dễ dàng. 

Ông là Đại biểu quốc hội khóa VI và VII của nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Với những cống hiến của mình, ông được nhà nước phong tặng nhiều huân huy chương như:  Được tặng hai lần danh hiệu chiến sĩ thi đua toàn quốc. Được tặng 17 huân chương, được tuyên dương anh hùng lao động xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1985, được tuyên dương thầy thuốc nhân dân.

Giáo sư Nguyễn Thiện Thành là người đã đóng góp nhiều công lao cho quân đội nhân dân Việt Nam, ngành y tế Việt Nam và nền giáo dục nước nhà.

Suốt cuộc đời và sự nghiệp của mình, bằng trí tuệ và tình yêu thương con người của mình, bằng tấm gương của mình đã đưa biết bao thế hệ vượt những khó khăn, ở cương vị là một nhà giáo, bác sĩ, chiến sĩ, nhiệm vụ nào ông cũng hoàn thành tốt công việc được giao. 

Lúc 4 giờ 15 phút, ngày 8-10 – 2013 vì tuổi cao, sức yếu Giáo sư, Anh hùng Lao động, Thầy thuốc Nhân dân Nguyễn Thiện Thành - trái tim nhiệt tình cách mạng đã đã trút hơi thở cuối cùng tại nhà riêng ở cư xá Bắc Hải, Quận 10, TP. Hồ Chí Minh, ông hưởng thọ 95 tuổi. 

Lễ viếng Giáo sư, Anh hùng Lao động, Thầy thuốc Nhân dân Nguyễn Thiện Thành được tổ chức từ 9 giờ ngày 11/10 đến 12 giờ ngày 12/10 tại Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng, số  5 Phạm Ngũ Lão, phường 3, quận Gò Vấp, TP. HCM. Lễ truy điệu và đưa tang GS. Nguyễn Thiện Thành tổ chức vào hồi 13 giờ ngày 12/10; an táng tại Nghĩa trang TP. HCM, quận Thủ Đức, TP. HCM.

Bùi Xuân Dũng