GS, Thầy thuốc Nhân dân Lê Ngọc Thành và những trăn trở với nghề y, nghề giáo

27/02/2024 07:08
Kim Minh Châu
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Với Giáo sư Lê Ngọc Thành, thành công nhất là có thể truyền tải được cho học trò cách thăm khám, chẩn đoán bệnh một cách chính xác, an toàn.

Trong xã hội, nghề y được đánh giá là một nghề đặc biệt và cao quý; còn nghề giáo được ghi nhận là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý. Vì vậy, với một nhà giáo trường y (vừa là thầy thuốc, vừa là thầy giáo), thì nghề nghiệp của họ lại càng được mọi người tôn trọng và kính nể hơn.

Nhân ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có buổi trò chuyện với Giáo sư, Tiến sĩ, Thầy thuốc Nhân dân Lê Ngọc Thành – Chủ tịch hội Phẫu thuật Tim mạch lồng ngực Việt Nam; Hiệu trưởng Trường Đại học Y Dược, Đại học Quốc gia Hà Nội; nguyên Giám đốc Bệnh viện E – người đã có nhiều cống hiến trong công tác y tế và giáo dục, để hiểu hơn về quá trình làm nghề của thầy.

Ca ghép phổi kỳ tích vào đêm 30 Tết với mong muốn mở ra một năm mới thành công

Vừa qua, vào ngày 30 Tết Giáp Thìn 2024, Giáo sư Lê Ngọc Thành đã thực hiện một ca ghép phổi kéo dài 12 tiếng. Ca ghép phổi này được đánh giá là thành công ở mức cao nhất theo tiêu chuẩn của UCSF (Trung tâm y học uy tín lớn nhất miền Tây, Hoa Kỳ).

Chia sẻ về ca phẫu thuật này, Giáo sư, Tiến sĩ, Thầy thuốc Nhân dân Lê Ngọc Thành cho biết, đây là ca phẫu thuật phổi cho một nữ bệnh nhân 21 tuổi là người dân tộc thiểu số ở tỉnh Bắc Kạn. Khi đang là sinh viên của một trường đại học, bệnh nhân phải bỏ học giữa chừng vì không may mắc bệnh phổi giai đoạn cuối.

Bệnh lý của bệnh nhân là u cơ trơn bạch huyết ở phổi (LAM), hay còn gọi là bệnh phổi đục lỗ. Đây là một bệnh hiếm gặp, khiến tình trạng người bệnh rất nặng, có khả năng tử vong nếu không được ghép phổi sớm.

11-1708135371835.jpeg
Ca ghép phổi kéo dài 12 tiếng ngày 30 Tết của Giáo sư, Tiến sĩ, Thầy thuốc Nhân dân Lê Ngọc Thành cùng ekip. Ảnh: Báo điện tử Đại biểu Nhân dân

“Mặc dù thời điểm này đã là 29, 30 Tết, nhưng trước mắt tôi là một bệnh nhân với tuổi đời còn quá trẻ. Với chúng ta, đây là dịp cận Tết để sum vầy, để đoàn viên, nhưng với bệnh nhân, đây lại là cơ hội hiếm hoi để giữ được mạng sống.

Ở Việt Nam, việc ghép tạng mặc dù đã được thực hiện rất nhiều, nhưng những ca ghép phổi trước đây có mức độ thành công chưa được như ý.

Bản thân tôi cũng đã có nhiều năm gắn bó, đóng góp cho sự phát triển trong phẫu thuật phổi ở Bệnh viện Phổi Trung ương, nên tôi thấu hiểu được sự kỳ vọng, mong mỏi rất lớn của đơn vị với sự kiện này.

Một phần cũng vì những tâm huyết cá nhân, nên tôi đã quyết tâm thực hiện hoàn chỉnh ca phẫu thuật này từ đầu đến cuối. Vì trong ngoại khoa, nhiều khi có những tình huống phát sinh khi phẫu thuật, nếu bác sĩ không giữ được tâm lý vững, rất dễ sẽ chùn bước, huống hồ đây lại là một ca khó.

Khi đó tôi nghĩ rằng, nay đã là ngày 30 Tết, mong sao mọi việc được làm thật cẩn thận, chỉn chu, đạt thành công ở mức cao nhất; tránh những vấn đề sơ sẩy sẽ gây khó cho các bạn trẻ, các học trò. Tôi mong sao ngày cuối năm chuẩn bị bước sang năm mới này, mọi người đều được đón nhận tin vui, đón nhận thành công mới” – Giáo sư Lê Ngọc Thành bày tỏ tâm tư.

Chia sẻ thêm về ca phẫu thuật này, Giáo sư Thành cho biết, thầy thực sự rất vui mừng cho bệnh nhân khi nhận được thông tin có người hiến tạng vào đêm 29 Tết đến từ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.

Vì vậy, ngay trong đêm đó, Bệnh viện Phổi Trung ương đã kích hoạt khẩn cấp Chương trình ghép phổi và tổ chức hội chẩn lựa chọn người bệnh được nhận tạng ngay. Khoảng 80 nhân lực của bệnh viện đã trực tiếp tham gia hội chẩn, đồng thời có sự phối hợp và hỗ trợ từ Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia, Bệnh viện E, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Bệnh viện Hữu nghị, và Bệnh viện Tim Hà Nội…

Sau khi hội chẩn với Giáo sư Jasleen - Giám đốc trung tâm ghép phổi UCSF (là Trung tâm y học uy tín lớn nhất miền Tây, Hoa Kỳ), toàn bộ ekip đã quyết định khởi động khẩn cấp ca ghép phổi này.

Ngày 09/2/2024 (tức 30 Tết Giáp Thìn 2024), ca phẫu thuật được thực hiện, kéo dài 12 tiếng (từ 10 giờ sáng tới 22 giờ đêm).

z5194338675955_1d7544426f18f5476433fc0355aaa58e.jpg
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan chúc mừng Giáo sư Lê Ngọc Thành và Bệnh viện phổi Trung ương, cùng ekip thực hiện thành công ca phẫu thuật. Ảnh: VNU

Theo Giáo sư Thành: “Tôi cảm thấy rất vui và may mắn vì quá trình thực hiện rất chuẩn chỉnh, hầu như không phải bổ sung, sửa chữa công đoạn nào. Đây cũng là lần đầu tiên tôi làm ghép phổi tại Bệnh viện Phổi Trung ương, lại thực hiện một ca khó nhưng độ thành công tốt đẹp cao.

Cho đến nay đã được 2 tuần, bệnh nhân đang phục hồi khá tốt. Trung tâm ghép phổi UCSF cũng đánh giá đây là một sự phục hồi cao theo tiêu chuẩn của Hoa Kỳ.

Và thực sự, sự hồi phục của bệnh nhân là một kỳ tích”.

Thầy thuốc và thầy giáo, tuy hai mà một

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống nghề y, Giáo sư Lê Ngọc Thành cũng được nuôi dưỡng đam mê và bén duyên với nghề từ rất sớm.

Bên cạnh đó, với niềm say mê nghiên cứu khoa học, ngay từ những năm 1980, từ khi còn làm tại Bệnh viện Việt Đức, giáo sư đã có nhiều bài báo nghiên cứu về y khoa được đăng tải. Đồng thời, giai đoạn này thầy cũng đã tham gia hỗ trợ, giảng dạy sinh viên.

“May mắn trong thời điểm đó, tôi được sự dìu dắt, hỗ trợ của các thầy như Giáo sư Tôn Thất Bách, Giáo sư Nguyễn Xuân Ty, Giáo sư Đặng Hanh Đệ,… Đây đều là những người thầy lớn, giúp tôi và cùng tôi tham gia vào việc xây dựng, phát triển, đào tạo của hầu hết các cơ sở mổ tim ở nước ta từ Đà Nẵng ra phía Bắc.

Trong quá trình làm nghề, tôi có cơ hội được giúp đỡ nhiều người, tạo thành các lứa học trò sau này. Chính vì vậy, mà cơ duyên gắn bó với nghề giáo cũng cứ thế mà bắt đầu” – Giáo sư Thành cho hay.

Blue Simple Modern Health Care Instagram Post.png
Giáo sư, Tiến sĩ, Thầy thuốc Nhân dân Lê Ngọc Thành. Ảnh: VNU

Cho tới khi làm Giám đốc bệnh viện E Hà Nội, một trong những mục tiêu lớn của Bác sĩ Thành là đưa Bệnh viện E trở thành cơ sở thực hành chính của Trường Đại học Y Hà Nội. Đồng thời, thầy cũng động viên tất cả các bác sĩ của bệnh viện đi học thêm để nâng cao kiến thức, trình độ.

“Vì theo quan điểm của tôi, học là một nhu cầu chính đáng, chỉ sợ người ta không học. Học cho giỏi, đảm bảo kiến thức chuyên môn của mình thì mới có thể trở thành một bác sĩ giỏi.

Riêng với ngành y, nếu người học thực sự yêu nghề, học hành bài bản và phát triển tốt thành những bác sĩ giỏi thì không ai nghèo từ thu nhập chính đáng cả. Bởi đây là một ngành nghề mà xã hội rất cần và tôn trọng, cơ hội việc làm còn lớn.

Mà khi đã trở thành một bác sĩ giỏi, thì thường sẽ gắn với công tác giảng dạy để “truyền nghề” cho các thế hệ học trò kế cận. Không chỉ ở Việt Nam mà trên thế giới cũng vậy, nghề y và nghề giáo luôn có sự gắn liền với nhau, tuy hai mà một.

Người vừa làm thầy giáo, vừa làm thầy thuốc, bên cạnh việc có học trò bình thường, còn có cả bệnh nhân” – Giáo sư Lê Ngọc Thành chia sẻ tâm tư.

Chính vì lẽ đó, mà cơ duyên cống hiến trong ngày giáo dục của Thầy thuốc Nhân dân Lê Ngọc Thành cũng đến rất tự nhiên. Năm 2018, khi Đại học Quốc gia Hà Nội có lời mời gửi đến Thầy về làm chủ nhiệm Khoa Y Dược, Đại học Quốc gia Hà Nội, thầy đã kiêm nhiệm và có nhiều hơn cơ hội gắn bó với cả hai nghề.

Cũng vì đam mê công tác giáo dục, mong muốn tạo ra nhiều thế hệ bác sĩ giỏi, thầy Thành luôn tạo điều kiện tối đa để người học được học, và các thầy/cô, bác sĩ có trình độ cao được cống hiến, truyền đạt kinh nghiệm.

Với thầy Thành, tiêu chí đầu tiên để đánh giá một người học trò là tính trung thực và chịu khó. Đây là hai tiêu chí mà nghe qua rất bình thường, nhưng sẽ là hai tiêu chí theo người bác sĩ suốt cả đời người. Đặc biệt khi đối tượng của các bác sĩ là con người, một sai sót nhỏ cũng có thể ảnh hưởng đến tính mạng con người.

Cũng theo quan điểm của Giáo sư Lê Ngọc Thành, khi làm bác sĩ sẽ có 5 dấu mốc đánh dấu trình độ.

Thứ nhất, là phải có sự trau chuốt trong làm nghề, giỏi chuyên môn, giỏi thực hành. Tuy nhiên, đây mới chỉ là mức rất bình thường;

Tiếp đến là, bác sĩ cần tham gia vào giảng dạy, đào tạo;

Thứ ba, bác sĩ cũng phải tham gia vào nghiên cứu khoa học;

Thứ tư, là cần chuyển giao được công nghệ cho các đơn vị, địa phương;

Và cuối cùng, mức năm – là mức chỉ có 1 số ít người thực hiện được, đó là có đầu óc cầu thị, cởi mở và phát triển trong bước điều hành và cải tạo.

“Với tôi không có khoảng cách giữa lãnh đạo và nhân viên, không nề hà gì việc giúp đỡ các bạn trẻ. Nhân viên, y bác sĩ hay giảng viên bình thường hoàn toàn vẫn có thể làm việc cùng tôi.

Chỉ hy vọng sau những năm tháng thực hành, cống hiến cho khám chữa bệnh, giờ chuyển sang môi trường giáo dục đại học, tôi cũng sẽ cố gắng làm tốt nhất để có thể kết hợp được giữa viện và trường, giữa cơ sở giáo dục và cơ sở thực hành; tránh lãng phí chất xám, nguồn nhân lực chất lượng cao; và động viên được nhiều bác sĩ trẻ đi học, nâng cao trình độ” – Hiệu trưởng Trường Đại học Y Dược, Đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ thêm.

Nỗi trăn trở làm sao để giữ chân được các bác sĩ chuyên ngành y khoa đặc thù

Bày tỏ niềm vui khi gắn bó với cả hai nghề, Giáo sư Lê Ngọc Thành cho biết với ông, thành công nhất là có thể truyền tải được cho học trò cách thăm khám, chuẩn đoán bệnh một cách chính xác, an toàn.

Bên cạnh đó, thầy Thành bày tỏ: “Một trong những yếu tố để Bệnh viện E và Trường đại học Y Dược, Đại học Quốc gia Hà Nội phát triển đến ngày hôm nay là vì những đơn vị này có tính đoàn kết rất cao. Người đứng đầu – cụ thể là tôi – luôn tâm niệm không được theo chủ nghĩa cá nhân, dám chịu trách nhiệm, dám chia sẻ, lên tiếng và sẵn sàng chia sẻ quyền lợi cho cấp dưới.

Tôi cũng cảm động ở chỗ, sau một quá trình làm nghề, đến nay, đã có nhiều bác sĩ ở các bệnh viện lớn của Hà Nội đã về tham gia nghiên cứu, giảng dạy, và giữ các trọng trách quan trọng tại cơ sở giáo dục nơi tôi đang làm hiệu trưởng, giúp Trường đại học Y Dược, Đại học Quốc gia Hà Nội có một đội ngũ cán bộ, giảng viên rất mạnh chuyên môn”.

Tuy nhiên, thầy Thành cũng có những nỗi băn khoăn riêng khi làm nghề. Đối với nghề giáo, đây là một nghề có sức ảnh hưởng lớn, nên phải làm sao để tuân thủ quy tắc nghề nghiệp, tránh sai sót sẽ làm hỏng cả một thế hệ, và làm hỏng sự nghiệp của cả một con người.

Còn đối với nghề y, thầy Thành mong muốn ở Việt Nam sẽ sớm có được những cơ sở khám chữa bệnh “tinh” – tức là phải đảm bảo những điều kiện lý tưởng nhất trong khám chữa bệnh cả về trình độ chuyên môn của các y bác sĩ và chất lượng dịch vụ, ngang tầm chất lượng thế giới.

Điều này sẽ giúp người bệnh được khám chữa bệnh trong một môi trường chuyên nghiệp, tiện nghi nhất; đỡ tốn kém khi phải ra nước ngoài chữa bệnh; và hạn chế tình trạng "chảy máu Đô - la" sang nước ngoài.

z5194338684209_fd40eaf6163aa2eb85569a658ff27e2a.jpg
Giáo sư, Tiến sĩ, Thầy thuốc Nhân dân Lê Ngọc Thành luôn trăn trở về việc nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Ảnh: VNU

Đặc biệt, Thầy thuốc Nhân dân Lê Ngọc Thành cũng có nhiều trăn trở về chế độ chính sách cho các bác sĩ.

“Hiện nay, tùy từng trình độ mà đội ngũ y bác sĩ sẽ phải học tập trong khoảng thời gian khác nhau và đây là quá trình lâu dài. Nhưng nếu không có chế độ chính sách để đãi ngộ, thúc đẩy người học thì rất khó để họ theo đuổi, gắn bó lâu dài (ví dụ như để trở thành một bác sĩ về tim mạch phải học mất từ 12 – 15 năm, hay học bác sĩ nội trú phải mất đến 9 năm, nhưng khi ra trường chính sách cũng giống hệt như với những người học 4 năm ở các trường khác).

Bên cạnh đó, thu nhập của bác sĩ ở các chuyên ngành cũng có sự khác nhau. Ví dụ như khi làm ở bệnh viện với vai trò bác sĩ lâm sàng, bác sĩ có thu nhập có thể đến từ nhiều nguồn như lương, chế độ, khám bệnh,…

Còn những bác sĩ ở những chuyên ngành như tâm thần, lao, phòng dịch,… là những ngành đặc thù hơn, thì cũng sẽ không có thu nhập nhiều bằng. Trong khi đó, thời gian học của họ có thể cũng bằng nhau, công việc vất vả như nhau.

Thực tế cũng có nhiều trường hợp như vậy, vẫn rất thích những chuyên ngành đặc thù, muốn nghiên cứu chuyên sâu nhưng vì chế độ chính sách chưa ổn thỏa, khiến họ còn nhiều khó khăn và buộc phải chuyển hướng.

Tôi nói rất thật như vậy, để chúng ta nhìn nhận rõ vấn đề, rằng chế độ đãi ngộ của y bác sĩ hiện nay và cả của giáo viên cũng chưa thỏa đáng. Từ đó dẫn đến việc thiếu giáo viên và thiếu đội ngũ y bác sĩ ở một số chuyên ngành đặc thù trong nhiều năm nay” – thầy Thành thẳng thắn chia sẻ.

Theo thầy Thành, nếu chính sách đãi ngộ còn nhiều bất cập, sẽ dẫn đến tình trạng chảy máu chất xám, mất đi đội ngũ nhân tài trong y khoa, đặc biệt là những người nghiên cứu chuyên sâu về các bệnh trong y học như tâm thần, lao, truyền nhiễm, hồi sức cấp cứu… trong khi đây đều là thế mạnh trong nghiên cứu y học của nước ta, có thể sánh ngang quốc tế.

“Vì vậy, theo tôi, Chính phủ cần chỉ đạo Bộ Nội vụ cùng các Bộ ngành liên quan phải có chính sách thật chi tiết, cụ thể về chế độ tiền lương cho từng chuyên ngành, vùng miền.. , đặc biệt với các ngành đặc thù, các địa bàn còn nhiều khó khăn,… Làm được như vậy chắc chắn sẽ cải thiện được tình trạng thiếu các bác sĩ chuyên khoa, cũng như giáo viên vùng sâu, vùng xa” – Giáo sư Lê Ngọc Thành đề xuất.

Giáo sư , Tiến sĩ Lê Ngọc Thành tốt nghiệp đại học ngành Bác sĩ đa khoa Ngoại Sản năm 1984; tốt nghiệp Thạc sĩ, Bác sĩ Nội trú Ngoại năm 1987; Tiến sĩ năm 2001 tại Trường Đại học Y Hà Nội.

Giáo sư Lê Ngọc Thành cũng từng trải qua nhiều chức vụ lãnh đạo, quản lý quan trọng như: Trưởng khoa Phẫu thuật Tim mạch và Lồng ngực, Bệnh viện Việt Đức; Giám đốc Trung tâm Tim mạch Bệnh viện E; Giám đốc Bệnh viện E;

Hiện nay, ông là Chủ tịch Hội Phẫu thuật Tim mạch và Lồng ngực Việt Nam; Ủy viên Ban chấp hành Hội Phẫu thuật viên Tim mạch Lồng ngực châu Á; Tổng biên tập Tạp chí Phẫu thuật Tim mạch và Lồng ngực Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Khoa học Sức khỏe Đại học Quốc gia Hà Nội, Hiệu trưởng Trường Đại học Y Dược, Đại học Quốc gia Hà Nội.

Trong sự nghiệp làm nghề, ông được trao tặng nhiều phần thưởng cao quý như: Nhân tài đất Việt, Huân chương Lao động hạng Nhất năm 2021, được bổ nhiệm chức danh Giáo sư Y học năm 2015, phong tặng danh hiệu Thầy thuốc Nhân dân năm 2017.

Kim Minh Châu