GV vùng cao không có khái niệm "thưởng tết", hỗ trợ 300 nghìn là cố lắm rồi!

27/12/2022 06:29
Mạnh Đoàn
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nhiều giáo viên vùng cao cho hay, họ không có khái niệm về "thưởng tết", hay lương tháng thứ 13, họ được trợ cấp vài trăm nghìn đồng từ nguồn chi thường xuyên.

Chỉ còn khoảng gần một tháng nữa là đến Tết nguyên đán, câu chuyện về thưởng tết được những người lao động đặc biệt quan tâm. Đối với ngành giáo dục, việc thưởng tết cho các giáo viên cũng là điều thầy cô cả nước quan tâm.

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Phan Trường Giang, Hiệu trưởng trường phổ thông dân tộc nội trú trung học cơ sở huyện Lâm Bình (Tuyên Quang) cho hay, các thầy cô không có khái niệm về việc thưởng tết hay lương tháng 13, vào dịp tết, giáo viên được trợ cấp vài trăm nghìn đồng từ nguồn chi thường xuyên.

“Nguồn chi thường xuyên được quy định theo đầu giáo viên, ví dụ trong năm một giáo viên được chi 10 triệu đồng cho hoạt động tập huấn, sách vở…nếu chi còn dư từ hoạt động này thì giáo viên mới có thưởng, chứ không có nguồn riêng chi cho việc thưởng tết. Đồng thời hiện nay việc thu chi thắt chặt nên không có khái niệm thưởng tết”, thầy Giang chia sẻ.

Ảnh minh họa (Ảnh: BK)

Ảnh minh họa (Ảnh: BK)

Theo thầy Giang, nguồn chi thường xuyên của nhà trường phụ thuộc vào đơn vị quản lý là Ủy ban nhân dân huyện hoặc Sở giáo dục.

Tại trường cũ thầy Giang từng công tác, vào dịp tết năm ngoái, các giáo viên trong trường được trích từ nguồn chi thường xuyên khoảng 300-500 nghìn đồng/giáo viên, tết dương lịch các giáo viên được động viên khoảng 200-300 nghìn đồng/giáo viên.

“Những năm học trước nghỉ dịch do Covid-19, còn năm học này giáo viên trong đơn vị phải đi tập huấn thường xuyên như các đơn vị khác, nên cũng khó khăn trong công tác phí", thầy Giang cho biết.

Cô Nguyễn Thị Chung, Hiệu trưởng trường Trường phổ thông dân tộc bán trú - trung học cơ sở Tân Lập (Bắc Quang, Hà Giang) cho hay, dịp tết năm ngoái, các thầy cô được khuyến khích 200 nghìn đồng/giáo viên, trong đó 100 nghìn đồng được trích từ công đoàn và số tiền còn lại là từ nhà trường.

“Chúng tôi không có khái niệm thưởng tết đâu”, cô Chung nói.

Theo Hiệu trưởng nhà trường, do nguồn ngân sách còn hạn hẹp, tập trung chi phí cho hoạt động chung của nhà trường và đảm bảo chi công tác phí đầy đủ cho cán bộ, giáo viên, nhân viên nên đơn vị sẽ không có nguồn chi tiền thưởng tết cho họ.

Chia sẻ về điều kiện giảng dạy, cô Chung cho biết, các giáo viên trong trường đi lại đến trường rất khó khăn, bởi địa hình đường đồi núi quanh co. Đối với mức lương của các thầy cô mới ra trường khoảng 6 - 7 triệu đồng/tháng. Giáo viên trong trường đều là người ở ngoài địa phương, có người nhà riêng ở thành phố Hà Giang, nếu về nhà họ phải mất đến vài tiếng đồng hồ.

Mỗi dịp tết đến xuân về, cô Chung cho biết, đơn vị là trường bán trú nên có nuôi được đôi lợn, trước khi học sinh về nhà nghỉ Tết, các giáo viên trong trường sẽ thịt lợn, tổ chức gói bánh chưng cho học sinh.

Các học sinh trong trường gói bánh chưng trước khi về nghỉ tết. (Ảnh: NVCC)

Các học sinh trong trường gói bánh chưng trước khi về nghỉ tết. (Ảnh: NVCC)

Các học sinh trông nồi luộc bánh chưng. (Ảnh: NVCC)

Các học sinh trông nồi luộc bánh chưng. (Ảnh: NVCC)

“Thầy cô quyên góp gạo, lá bánh để gói bánh cho học sinh ăn bánh chưng, nếu còn thừa bánh sẽ cho các em mang về. Đối với những em có hoàn cảnh khó khăn, nhà trường cũng sẽ cho các em bánh, kẹo để mang về”, cô Chung chia sẻ.

Cô Bùi Thị Thuận, giáo viên trung học phổ thông Kim Bôi (Hòa Bình) cho hay, đến dịp tết, giáo viên trong trường thường được "thưởng" khoảng 200 nghìn đồng và quà. Điều này cũng khiến các giáo viên có chút nghẹn lòng nhưng đây cũng là tình hình chung của nhiều trường.

“Việc thưởng tết được nhà trường trích ra từ nguồn chi thường xuyên, hoặc là trích từ quỹ hội phụ huynh 100 nghìn đồng/giáo viên. Có năm, giáo viên trong trường được nhiều nhất khoảng 300 nghìn đồng/giáo viên, còn ít là 200 nghìn đồng”, cô Thuận chia sẻ.

Làm công tác ôn luyện học sinh giỏi, cô Thuận cho biết, vừa qua nhà trường có thành tích cao trong kì thi, giáo viên được thưởng 200 nghìn đồng, đó là số tiền ngang với mức thưởng tết của nhà trường, cũng là sự động viên với giáo viên.

Chồng cô Thuận làm công việc lao động tự do nên việc thưởng tết không có, để sắm sửa cho cái tết đầy đủ cho gia đình, vợ chồng cô cũng phải tiết kiệm các khoản chi. Nhiều lúc, cô phải ứng trước tiền lương để trang trải cho sinh hoạt gia đình.

“Dịp tết gia đình tôi gói ghém trong khoảng 10 triệu đồng cho dịp tết”, cô Thuận chia sẻ và cho hay việc tăng lương chưa thực hiện được nên việc thưởng tết là điều gì đó vẫn còn xa vời.

Thầy Hà Anh Tuấn - Hiệu trưởng trường phổ thông dân tộc nội trú trung học cơ sở - trung học phổ thông Hàm Yên (Tuyên Quang) cho hay, đời sống cán bộ giáo viên tại đơn vị cũng như các trường vùng núi khác còn rất nhiều khó khăn, không thể trông chờ vào việc thưởng tết.

“Có giáo viên nhận lương tháng xong là cũng chi trả vào sinh hoạt gia đình cũng không để ra được đồng nào”, thầy Tuấn chia sẻ.

Thầy Tuấn cho hay, với dịp 20/11 cũng như dịp tết, các giáo viên được hỗ trợ khoảng 500 nghìn đồng/người. Mặc dù việc hỗ trợ các giáo viên không nhiều nhưng đơn vị cũng không thể huy động xã hội hóa cho các thầy cô.

Đối với các em học sinh, nhà trường cũng vận động các nhà hảo tâm quyên góp quần áo cho các em, đối với các em học sinh học nội trú các em đi về được tặng bánh kẹo trị giá 100 nghìn đồng/học sinh, tiền mừng tuổi cho các em khoảng 200-250 nghìn đồng/em, còn tiền ăn của các em nếu các em không ăn sẽ được nhà trường trả cho các em.

Chia sẻ về hoàn cảnh các giáo viên, thầy Tuấn cho biết, trong trường còn có rất nhiều hoàn cảnh gia đình giáo viên khó khăn, có cô giáo đi mổ tuyến giáp, con đi học, cuộc sống cũng chỉ trông đợi vào tiền lương.

“Các thầy cô cũng không có thời gian để làm thêm ở ngoài kiếm thêm thu nhập”, thầy Tuấn cho hay.

Mạnh Đoàn