GVMN vùng cao mừng rơi nước mắt khi nghe đề xuất tăng phụ cấp lên 70%

03/11/2022 06:48
Trần Phương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nếu đề xuất của Bộ trưởng thành hiện thực, các trường ở vùng sâu, vùng xa bớt đi nỗi lo về đội ngũ giáo viên. Đời sống giáo viên sẽ ngày càng được đảm bảo hơn.

Tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết, theo thống kê, số giáo viên bỏ việc nhiều nhất là ở cấp mầm non, chiếm 40%. Do đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo kiến nghị và hết sức mong muốn Quốc hội, Chính phủ xem xét tăng phụ cấp ưu đãi cho giáo viên mầm non từ 35% lên 70% hoặc tương đương phụ cấp của cán bộ y tế cơ sở.

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, nhiều giáo viên mầm non công tác tại vùng đặc biệt khó khăn bày tỏ sự vui mừng, phấn khởi. Các cô đều hi vọng, đề xuất của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm được các cấp, các ngành đưa vào hiện thực.

Cô giáo Bùi Thị Sáu – Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường Mầm non Huổi Lếch (Mường Nhé – Điện Biên) cho biết:

“Đội ngũ giáo viên mầm non, đặc biệt là giáo viên mầm non vùng đặc biệt khó khăn như ở Huổi Lếch nghe tin này thật sự biết ơn Bộ trưởng đã quan tâm đến đời sống của chúng tôi.

Nghề giáo viên mầm non ở đâu cũng vất vả nhưng giáo mầm non ở vùng khó khăn vất vả gấp nhiều lần. Đa phần các cô giáo đều yêu nghề, mến trẻ, vượt rất nhiều gian khó mới có thể trụ lại với nghề.

Nói ra thì nhiều người bảo kể lể, nhưng thực sự nhiều năm trở lại đây, nghề giáo mầm non của chúng tôi còn gập ghềnh hơn gấp bội. Tại Trường Mầm non Huổi Lếch, năm học này, trường tiếp nhận thêm điểm trường Pa Tết từ bản Nậm Ngà chuyển sang. Việc cử giáo viên vào trong điểm bản công tác gặp rất nhiều khó khăn. Bởi điểm bản này xa trung tâm đến 80km, lớp vẫn còn là nhà học tạm, điều kiện thực hiện nhiệm vụ giáo dục còn thiếu thốn, bên cạnh đó điều kiện sống cũng khó khăn khi chưa có đủ những cơ sở vật chất tối thiểu phục vụ đời sống giáo viên.

Học trò mầm non ở điểm bản Pa Tết (xã Huổi Lếch - Mường Nhé) trước giờ đi ngủ trưa. Ảnh: LC

Học trò mầm non ở điểm bản Pa Tết (xã Huổi Lếch - Mường Nhé) trước giờ đi ngủ trưa. Ảnh: LC

Chính vì vậy, nhà trường cũng phải rất cố gắng mới thuyết phục được giáo viên an tâm công tác tại điểm bản này. Đó là chưa nói việc, giáo viên mầm non đa phần là lực lượng lao động nữ, việc đảm bảo an toàn cho các cô cũng là câu chuyện nhiều trăn trở với những người quản lý như chúng tôi.

Hiện nay, giáo viên trẻ có nhiều sự lựa chọn hơn ở vùng thuận lợi, nhiều trường tư thục cũng có thu nhập tốt, do vậy, thu hút giáo viên về với vùng sâu, xa, biên giới gặp nhiều khó khăn.

Trường Mầm non Huổi Lếch ở vùng đặc biệt khó khăn nhưng không phải là xã biên giới nên không có phụ cấp khu vực biên giới, thu nhập bình quân của giáo viên mầm non ở đây khoảng 7 – 8 triệu đồng/tháng. Ở vùng kinh tế khó khăn, địa hình hiểm trở, đi lại phức tạp, cuộc sống của các cô rất vất vả”.

Điều kiện sống của giáo viên và học trò vùng cao còn thiếu thốn, sơ sài. Ảnh: LC

Điều kiện sống của giáo viên và học trò vùng cao còn thiếu thốn, sơ sài. Ảnh: LC

Cô giáo Nguyễn Thị Lan Hương – Hiệu trưởng Trường Mầm non Tà Tổng (xã Tà Tổng – Mường Tè – Lai Châu) cho rằng:

“Các cô đã chọn nghề giáo, đặc biệt là nhà giáo vùng cao, ngoài tình yêu với nghề cũng mong muốn được đãi ngộ, đáp ứng đủ mức sống bình quân so với xã hội.

Nhiều lúc, các cô giáo cũng chỉ biết nuốt nước mắt vào trong vì kinh tế thiếu trước, hụt sau. Nhìn qua thì tại một số vùng cao các cô ngoài lương có phụ cấp, nhưng phụ cấp còn tùy thuộc hệ số lương, thâm niên. Giáo viên trẻ mới ra trường thì hệ số lương thấp, phụ cấp thâm niên nghề không có. Chưa kể, thu nhập ấy với mức sống thực tế còn thiếu thốn đủ thứ tại khu vực công tác thì rất vất vả".

Điểm trường Cây Sặt của Trường Mầm non Huổi Lếch mơ một ngày có trường kiên cố. Ảnh: LC
Điểm trường Cây Sặt của Trường Mầm non Huổi Lếch mơ một ngày có trường kiên cố. Ảnh: LC

Khi nghe tin về đề xuất của Bộ trưởng, đội ngũ giáo viên ở Trường Mầm non Tà Tổng rất mừng và hi vọng đề xuất này sớm được thực hiện.

Nếu đề xuất này được đưa vào cuộc sống, những vùng khó như Tà Tổng sẽ đảm bảo được đội ngũ, thu hút nhiều giáo viên hơn.

Tà Tổng là xã nằm trong vùng nội địa, điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn nhưng lại không được hưởng chế độ phụ cấp biên giới nên thu nhập của các thầy cô giáo còn thấp.

Nhiều giáo viên phải công tác ở những địa điểm xa như Nậm Dính, Nậm Ngà... mỗi lần về quê, cũng phải cân nhắc nhiều thứ bởi đường vừa xa, di chuyển nhiều và rất tốn kém.

Từ nhiều năm nay, đội ngũ giáo viên của Tà Tổng năm nào cũng phải luân chuyển và thiếu hụt.

Với nhiều cô giáo mầm non ở vùng khó, việc có một cái bếp gas để nấu ăn cho học sinh thôi cũng là hạnh phúc lắm rồi. Trong ảnh là cô giáo Chu Sìn Pứ - giáo viên Trường Mần non Huổi Lếch (điểm trường Cây Sặt) đang nhóm lửa chuẩn bị nấu cơm cho học sinh. Ảnh: LC

Với nhiều cô giáo mầm non ở vùng khó, việc có một cái bếp gas để nấu ăn cho học sinh thôi cũng là hạnh phúc lắm rồi. Trong ảnh là cô giáo Chu Sìn Pứ - giáo viên Trường Mần non Huổi Lếch (điểm trường Cây Sặt) đang nhóm lửa chuẩn bị nấu cơm cho học sinh. Ảnh: LC

"Các thầy, cô giáo mầm non cũng rất nhiệt tình cống hiến cho vùng khó khăn nhưng không thể giữ người ta ở mãi vùng khó khi mà điều kiện sống còn vô vàn vất vả được”, cô Nguyễn Thị Lan Hương nói.

Cũng trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, bà Nguyễn Thị Xuân, chuyên viên của Phòng Giáo dục tiểu học- Giáo dục mầm non (Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Trị) cho rằng:

“Đặc thù của giáo viên mầm non là vừa chăm sóc vừa nuôi dưỡng trẻ tại trường, vừa phải thực hiện nhiệm vụ giáo dục trẻ. So với các cấp học khác, giáo viên mầm non có những áp lực riêng. Thời gian làm việc dài, công việc nhiều, đặc biệt giáo viên mầm non ở vùng cao, vùng khó khăn lại có những việc không tên khác nữa.

Do vậy, cá nhân tôi cho rằng đề xuất của Bộ trưởng vô cùng thiết thực. Và nếu có thể, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng nên xem xét, xây dựng cơ chế tính thêm giờ cho giáo viên mầm non. Có như vậy sẽ đảm bảo cho đời sống giáo viên, để họ vững tin với nghề".

Trần Phương