Giáo viên mầm non nghỉ việc vì lương không đủ sống

23/09/2022 06:37
Ngân Chi
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Gắn bó với môi trường giáo dục được vài năm, trải qua sóng gió của dịch Covid-19, cô giáo mầm non không còn trụ được với nghề, nên phải tìm kiếm một công việc mới.

Đi làm mấy năm, không phụ giúp được gì cho gia đình

Đó là câu chuyện của chị Nguyễn Thị Huyền (26 tuổi), từng là giáo viên mầm non tại một trường tư thục trên địa bàn Hà Nội.

Huyền nhớ lại: “Sau khi tốt nghiệp, tôi tham gia thi tuyển vào một trường mầm non công lập nhưng không đỗ, nên đã nộp hồ sơ vào một trường tư thục. Lúc ấy, trong bụng vẫn còn thầm nghĩ, âu cũng là một cái duyên, và hài lòng vì cho rằng, lương của giáo viên trường tư thục sẽ “nhỉnh” hơn, sẽ dễ sống hơn.

Thế nhưng, thực tế, lương cũng chẳng khá hơn nhiều, mỗi tháng tôi chỉ nhận về trên dưới 5 triệu đồng. Tháng nào chẳng may bị ốm thì tiền lương còn thấp nữa.

Số tiền đó có thể là tạm đủ với mức sống ở quê, còn giữa đất Thủ đô biết bao chi phí đắt đỏ, từ tiền nhà trọ, tiền ăn uống, tiền xăng xe đi lại, tiền điện thoại... tất cả trông vào thì đồng lương ấy trở nên eo hẹp vô cùng”.

Cô giáo mầm non Nguyễn Thị Huyền khi còn đứng lớp, tại một trường mầm non tư thục trên địa bàn Hà Nội. (Ảnh: NVCC).

Cô giáo mầm non Nguyễn Thị Huyền khi còn đứng lớp, tại một trường mầm non tư thục trên địa bàn Hà Nội. (Ảnh: NVCC).

Mặc dù thuê được căn phòng trọ giá rẻ, lại gặp chủ nhà tốt bụng, suốt gần chục năm qua (gồm cả thời gian học cao đẳng lẫn khi đi làm) không tăng tiền nhà, song, tháng nào làm được đến đâu, cô giáo trẻ cũng tiêu hết đến đó. Thậm chí, có những tháng, chưa đến ngày lĩnh lương, tiền tháng trước đã cạn, mà lại được mời dự một vài đám cưới, Huyền lại phải tính đến phương án tạm ứng lương để trang trải. Rồi thậm chí, có nhiều khi “bí” quá, Huyền phải vay thêm từ bạn bè, đồng nghiệp.

Cứ như vậy, có khi, đến ngày lĩnh lương, cô chỉ nhận được khoảng 2/3 số lương và thậm chí, tiền chưa cầm ấm tay, đã phải mang trả nợ.

Ra trường và đi làm đã mấy năm, nhưng cô gái quê Nam Định dường như chưa thể gửi tiền về phụ giúp bố mẹ. Một số tài sản giá trị nhất của cô, như xe máy, điện thoại, máy tính xách tay,... tất cả đều là sự hỗ trợ từ gia đình.

Vì đồng lương không dư dả, Huyền cũng ít khi về thăm quê. Mặc dù chỉ cách Hà Nội hơn trăm cây số, tiền vé xe cũng chỉ hơn 100.000 đồng/lượt, nhưng phải mấy tháng, cô mới về quê một lần.

“Dịp Tết đến, giáo viên thường được thưởng khoảng 4 triệu đồng, còn tôi là giáo viên trẻ, chỉ được hưởng 75%, nên cũng chẳng được bao nhiêu. Xoay xở trong khoản lương thưởng nho nhỏ ấy, tôi cũng không biết phải sắm sửa gì nên chỉ trích ra một chút để biếu bố mẹ, còn lại để dành mừng tuổi cho các cháu và lo cuộc sống sau khi trở lại Hà Nội”, cô giáo trẻ trải lòng.

Huyền tâm sự: “Đã có lúc, mẹ tôi thủ thỉ, ở Hà Nội khó khăn quá, thì về quê, xin vào một trường học gần nhà... Nhưng tôi trộm nghĩ, để thi được vào một trường ở quê cũng không phải dễ dàng gì, mà lương cũng chỉ quanh quẩn 2-3 triệu đồng, thì cũng chẳng có tích lũy được cho tương lai, nhất là sau này khi có gia đình riêng, lại càng khó cân đối được tài chính. Thế là, tôi lại quyết định ở lại...”.

Không trụ được qua làn sóng dịch Covid-19

Năm 2020, dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống kinh tế - xã hội, đặc biệt, ảnh hưởng trực tiếp đến công việc của các cô giáo mầm non, như Huyền.

Huyền kể: “Trước khi có dịch Covid-19, cuộc sống cũng đã khó khăn, nhưng vì công việc được gắn bó với trẻ mầm non là một công việc rất ý nghĩa, tôi cảm thấy mình rất vui vẻ mỗi khi được dạy các con, nên tôi vẫn luôn tự nhủ, mình sẽ vượt qua được. Mỗi ngày đến trường, gặp các con khiến tôi như được tiếp thêm một nguồn năng lượng đầy tích cực.

Thế nhưng, khi dịch bùng phát, diễn biến phức tạp, trẻ em phải tạm dừng đến trường, giáo viên chúng tôi rơi vào trạng thái thất nghiệp. Nghỉ ở nhà vừa buồn vì không được đến trường vừa khó khăn về kinh tế.

Huyền phải lựa chọn một nghề khác sau Covid-19. (Ảnh: NVCC).

Huyền phải lựa chọn một nghề khác sau Covid-19. (Ảnh: NVCC).

Những ngày đầu, phía trường học còn ít nhiều có khoản hỗ trợ đối với giáo viên, nhân viên. Sau đó, do dịch kéo dài, nhà trường cũng không đủ sức “gồng gánh” nữa, khoản hỗ trợ không còn, chúng tôi thậm chí không biết bấu víu vào đâu. Trong khi, trước đó, lương không dư dả nên tôi cũng không có tích lũy. Vậy nên, khi phải nghỉ dịch thì cũng là lúc tôi kiệt quệ...”.

“Lúc này, tôi được người quen giới thiệu cho công việc khác, tôi thấy thu nhập khá hơn, mà lại có thể chủ động thời gian, vì chủ yếu làm online, nên đã quyết định xin nghỉ việc ở trường để tìm kiếm cơ hội mới.

Trước đây, khi còn là giáo viên, tôi dường như không có thời gian rảnh. Sáng 7 giờ kém đã có mặt ở trường, chiều có nhiều hôm phụ huynh đón con muộn là ở lại đến tận 7 giờ, 8 giờ tối. Trong khi đó, ngày nghỉ cũng được tận dụng để làm công tác chuẩn bị cho nhiều cuộc thi ở trường, ở quận, ở thành phố... Chưa kể, mỗi tháng, mỗi tuần đều có những sự kiện do nhà trường tổ chức, giáo viên lại lo từ khâu trang trí đến chuẩn bị... Có nhiều lúc, không phải soạn giáo án, mà các cô cũng gần như ăn, ngủ lại trường. Vất vả là thế, mà đồng lương đổi lại cũng không dư dả gì...

Vậy nên, tôi đành phải dừng bước, tìm đến một nghề khác để lo được cuộc sống cho bản thân, phụ giúp được gia đình”, Huyền bộc bạch.

Không chỉ vấn đề lương thấp mới khiến giáo viên khó yên tâm gắn bó với nghề, anh Lê Xuân T. (từng là giáo viên tại một huyện ngoại thành Hà Nội) chia sẻ: “Tôi tốt nghiệp và đi dạy từ năm 1998, cũng mong muốn được gắn bó với nghề, dù đồng lương thời điểm đó không mấy dư dả. Vì tôi biết, nếu làm giáo viên mà xác định chỉ sống bằng lương, thì có lẽ, cố lắm cũng chỉ đảm bảo được cuộc sống tối thiểu.

Yêu nghề lắm, nhưng có một vấn đề thế này: Sau khi thi tuyển viên chức, chúng tôi được phân bổ về cơ sở, phòng Nội vụ huyện phân công công tác, ở khá xa nhà. Sau hơn chục năm cống hiến, tôi muốn xin về gần nhà hơn, nhưng thủ tục lại “vướng” do nhiều yếu tố, không được tạo điều kiện. Cùng với một số lý do khác, tôi cảm thấy không thể gắn bó với nghề nữa, nên đã quyết định xin nghỉ việc”.

Ngân Chi