Hà Nội đóng cửa di tích, quán ăn đường phố, trà đá từ 0 giờ 16/2

15/02/2021 22:13
Theo TTXVN
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Phó Chủ tịch Thành phố Hà Nội yêu cầu đóng cửa quán ăn đường phố, trà đá, cà phê từ 0h ngày 16/2; tạm thời đóng cửa các di tích để ngăn chặn Covid-19.

Chiều 15/2, Ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 thành phố Hà Nội tiếp tục họp trực tuyến với các quận huyện, xã phường để tiếp tục triển khai các biện pháp phòng dịch.

Tại cuộc họp, ông Chu Ngọc Anh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố, đặc biệt nhấn mạnh trong vài ngày tới là giai đoạn quan trọng trong công tác phòng chống dịch, do vậy ông yêu cầu các đơn vị chức năng tính toán cụ thể phương án vừa không để ùn tắc; gắn trách nhiệm với chủ phương tiện vận tải để nắm chắc thông tin y tế từng người về Thủ đô.

Cuộc họp của Ban Chỉ đạo COVID-19 thành phố Hà Nội. (Ảnh: Xuân Quảng/Vietnam+)

Cuộc họp của Ban Chỉ đạo COVID-19 thành phố Hà Nội. (Ảnh: Xuân Quảng/Vietnam+)

Đảm bảo an toàn khi người dân trở về thành phố sau Tết

Theo Chủ tịch thành phố, suốt chặng đường vừa qua, cả hệ thống chính trị đã kịp thời, khẩn trương, quyết liệt trong tất cả các khâu từ chỉ đạo đến tổ chức thực hiện, có giải pháp cụ thể.

Ghi nhận và biểu dương lực lượng cơ sở đã thầm lặng ngày đêm góp công lớn trong thành quả chống dịch của thành phố, ông Chu Ngọc Anh nêu rõ: “Muốn làm tốt thì mọi thứ phải bắt đầu từ cơ sở. Hơn 10.000 tổ giám sát cộng đồng cùng lực lượng công an cơ sở, các đoàn thể đã đi từng ngõ, gõ từng nhà một cách khẩn trương. Thành phố trân trọng cám ơn các lực lượng đã nỗ lực đảm bảo nhân dân ăn tết an toàn, yên vui”.

Liên quan đến bệnh nhân Nhật Bản, Chủ tịch thành phố cho biết, Bộ Y tế đang xác minh nguyên nhân cụ thể. Ông cũng khẳng định, thành phố đã vào cuộc kịp thời lấy mẫu, truy vết, khoanh vùng, lấy mẫu. Cùng đó là chủ động, kiểm soát được tình hình.

“Từ trường hợp bệnh nhân người Nhật Bản đặt ra yêu cầu các đơn vị phải tầm soát, khống chế dịch bệnh nhanh hơn nữa,” ông Chu Ngọc Anh nêu rõ và đề nghị người đứng đầu các xã, phường, thị trấn phải chịu trách nhiệm toàn bộ về công tác chống dịch ở địa bàn.

Nhắc nhở việc từ ngày mai, bà con nhân dân các tỉnh sẽ trở về thành phố làm việc trong đó sẽ có người về từ vùng dịch, do đó, Chủ tịch Hà Nội lưu ý cần tăng cường hơn việc khai báo y tế. Từ xã phường, thị trấn cần triển khai ngay lực lượng, phối hợp các tổ giám sát cộng đồng với lực lượng công an, các đoàn thể để nắm rõ toàn bộ di biến động trên địa bàn.

Bên cạnh đó, ông đề nghị kiểm soát chặt chẽ từ các nhà trọ sinh viên, công nhân, khu cụm công nghiệp. Đặc biệt là các quận, huyện chỉ đạo các xã, phường đảm bảo điều kiện phòng hộ y tế cho lực lượng cơ sở.

Ngoài ra, theo Chủ tịch Hà Nội, thành phố đã yêu cầu nhà máy, xí nghiệp phải có kịch bản chống dịch đảm bảo mới được tổ chức sản xuất nên các đơn vị phải tăng cường kiểm tra.

“Các đơn vị phải làm tốt nhất mọi nhiệm vụ để kiểm soát tốt tình hình, đón bà con trở lại thành phố sau Tết đảm bảo an toàn. Đây là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong những ngày tới”, ông Chu Ngọc Anh nhấn mạnh.

Xem xét lẫy mẫu các trường hợp có nguy cơ

Tại phiên họp, Phó Giám đốc Sở Y tế Hoàng Đức Hạnh, cho biết chiều 15/2, Hà Nội ghi nhận 1 bệnh nhân COVID-19 mới (chưa được Bộ Y tế công bố). Bệnh nhân là nam, 43 tuổi, quốc tịch Nhật Bản, địa chỉ phòng 1.507 khách sạn Somerset (số 2, Quảng An, Tây Hồ) là nhân viên văn phòng: Chi nhánh Công ty Trách nhiệm hữu hạn Mitsui Việt Nam tại Hà Nội (Tầng 9 tòa nhà Sun Red River, 23 Phan Chu Trinh, Hoàn Kiếm.)

Bệnh nhân là F1 của BN2234 và BN2229 (họp cùng ngày 2/2/2021), kết quả xét nghiệm ngày 15/2 dương tính.

Ông Hạnh cho biết hiện các đơn vị đang tiếp tục điều tra các trường hợp liên quan. Cùng đó là triển khai điều tra, khoanh vùng xử lý dịch, phun khử trùng tại tất cả các địa điểm có liên quan tới ca bệnh.

Liên quan đến các bệnh nhân này, quận Tây Hồ cho biết quận đã lấy mẫu xét nghiệm khách và nhân viên khách sạn tại đây và đều cho kết quả âm tính.

Trong khi đó, đại diện Ủy ban Nhân dân quận Hoàn Kiếm thông tin thêm, cơ quan chức năng của quận đã thực hiện phun khử khuẩn toà nhà 23 Phan Chu Trinh có liên quan đến bệnh nhân người Nhật Bản; lấy mẫu xét nghiệm 105 người.

Cũng liên quan đến bệnh nhân này, Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Khắc Hiền cho biết hiện cơ quan chức năng đang xác định nguyên nhân lây nhiễm; trong đó có nhiều giả thuyết như lây bệnh từ nước ngoài hoặc tại Việt Nam.

Tuy nhiên, ông Hiền cũng cho rằng nếu bệnh nhân người Nhật bị nhiễm ở Hà Nội thì nguy cơ của Thủ đô rất cao.

Lãnh đạo Sở y tế Hà Nội đặc biệt lưu ý người cách ly 14 ngày sau vẫn phải tiếp tục giám sát chặt chẽ sức khỏe trong 14 ngày nữa nếu không sẽ khó ứng phó với các tình huống bất thường; các trường hợp cách ly tại nhà phải tuân thủ nghiêm ngặt, đặc biệt là đối tượng chuyên gia.

“Các quận huyện rà soát các chuyên gia trên địa bàn, các quán ăn của người Nhật cũng phải rà soát kỹ, xem xét lấy mẫu xét nghiệm với các trường hợp có nguy cơ,” đại diện Sở Y tế lưu ý thêm.

Tại cuộc họp, ông Nguyễn Khắc Hiền nhấn mạnh ở phố Hàng Khay, Tràng Tiền thuộc quận Hoàn Kiếm, vẫn còn tình trạng nhiều người không đeo khẩu trang khi đến các quán, do đó ông đề nghị quận phải xử lý nghiêm, bởi không có biện pháp mạnh sẽ khó có thể kiểm soát được tốt dịch bệnh.

“Các quận huyện báo cáo thì rất đầy đủ nhưng thực tế chưa quyết liệt xử phạt. Nhiều nơi vẫn tụ tập đông người, không đeo khẩu trang là rất nguy hiểm,” ông Hiền nêu ý kiến.

Cho biết một số quận huyện đã có quyết định đóng cửa các di tích, bà Trần Thị Vân Anh, Phó Giám đốc Sở Du lịch, cho rằng đây là quyết định đúng đắn trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay và đề xuất thành phố xem xét việc dừng hoạt động toàn bộ các di tích trên địa bàn Thủ đô.

Đồng ý với đề xuất này, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố - ông Chử Xuân Dũng cũng yêu cầu phải đóng cửa quán ăn đường phố, trà đá, cà phê từ 0h ngày 16/2; tạm thời đóng cửa các di tích để ngăn chặn sớm dịch bệnh, do nhiều hàng quán, đình chùa hiện nay người dân đến rất đông.

Phó Chủ tịch thành phố lưu ý Hà Nội đã có những bệnh nhân COVID-19 mới nhưng chưa rõ nguồn gốc lây lan, có lịch trình di chuyển phức tạp, truy vết khó khăn vì vậy thành phố đã tổ chức họp sớm hơn 1 ngày để có những giải pháp kịp thời.

“Theo CDC Hà Nội, nguy cơ bệnh nhân người Nhật có thể phát bệnh từ ngày 2/2 nên nguy cơ với cộng đồng rất cao. Các sở ngành phải quán triệt nghiêm các chỉ đạo của Trung ương và Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố,” ông Chử Xuân Dũng nói.

Phó Chủ tịch thành phố cũng đề nghị các quận huyện thị xã, lực lượng y tế phải tập trung cao độ, thần tốc truy vết, khoanh vùng, cách ly, lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp F1, F2, F3 liên quan đến các ca bệnh mới phải theo dõi y tế chặt chẽ.

Ông Dũng giao CDC Hà Nội lên phương án xét nghiệm mẫu ngẫu nhiên ở các khu công nghiệp (nhất là các điểm có người đi từ 12 tỉnh thành có dịch trở về, những nơi có chuyên gia nước ngoài làm việc” để có sàng lọc sớm, tránh rủi ro.

Ngoài ra, Phó Chủ tịch thành phố yêu cầu các đơn vị nâng cao hơn nữa mức an toàn ở các bệnh viện, phòng khám, khách sạn nơi có người cách ly; xử phạt nghiêm các trường hợp không đeo khẩu trang.

Ông đề nghị các địa phương thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, khẩn trương với các trường hợp người dân về từ vùng dịch, lấy mẫu xét nghiệm người về từ Cẩm Giàng (Hải Dương) cũng như khuyến cáo các trường hợp này hạn chế đi ra ngoài nếu không cần thiết, theo dõi sức khỏe thường xuyên.

“Các địa phương sẵn sàng theo phương châm “4 tại chỗ” với mọi kịch bản, tình huống bởi dự kiến trong những ngày tới Hà Nội sẽ có thể có thêm những trường hợp F0; Sở Giao thông vận tải chú ý các phương án đảm bảo an toàn trong vận chuyển hành khách,” ông Chử Xuân Dũng lưu ý thêm.

Theo TTXVN