Chiều qua (16/6), tại buổi giao ban báo chí do Ban tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức, ông Võ Nguyên Phong – Phó Giám đốc Sở Xây dựng đã báo cáo chi tiết những vấn đề liên quan đến vụ giông lốc xảy ra chập tối ngày 13/6 khiến hơn một nghìn cây xanh gãy, đổ, khiến 2 người thiệt mạng, 7 người bị thương.
Theo ông Phong, trận giông này có gió giật từ cấp 8 đến cấp 9, gây thiệt hại nặng cho hệ thống cây xanh và lưới điện trên toàn thành phố, gây thiệt hại cả về tính mạng và tài sản của người dân.
Tính đến chiều 16/6, các đơn vị chức năng phối hợp đã giải quyết cơ bản toàn bộ số cây gãy, đổ ở các địa bàn khác nhau.
Giải thích việc khắc phục hậu quả chậm hơn dự kiến, ông Võ Nguyên Phong cho biết, vì dự kiến ban đầu chỉ có khoảng 300 cây, nhưng thực tế sau trận giông quá mạnh thì có tới 1.300 cây bị gãy, đổ.
Ông Võ Nguyên Phong - Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội thông tin về vụ giông lốc chiều ngày 13/6. ảnh: Ngọc Quang. |
Việc trồng thay thế cây đổ cũng sẽ được thực hiện và phải đảm bảo sống và sinh trưởng tốt. Riêng trên phố Nguyễn Chí Thanh, thành phố Hà Nội đang tổ chức xin ý kiến các nhà khoa học, và lấy ý kiến nhân dân để lựa chọn loại cây phù hợp, thay thế cho cây mỡ.
Đáng chú ý, sau trận giông lớn, nhiều cây trồng mới bị bật gốc đã lộ ra gốc cây còn bọc nilon. Việc bọc nilon như vậy có ảnh hưởng gì đến chất lượng và quá trình sinh trưởng hay không? Có đảm bảo thực hiện đúng quy trình, kỹ thuật trồng cây hay không?
Ông Phong cho biết, sau khi nhận được chỉ đạo từ thành phố, Sở Xây dựng đã giao cho các đơn vị kiểm tra, nếu phát hiện vi phạm về quy trình trồng cây sẽ xử lý nghiêm theo quy định. Đồng thời, Sở Xây dựng cũng đang tiến hành rà soát, kiểm tra cụ thể doanh nghiệp nào trồng các loại cây để nguyên bọc nilon và sẽ thông tin rộng rãi đến các cơ quan báo chí.
“Chúng tôi không biết sự việc từ đầu mà biết qua phản ánh của báo chí”, ông Phong cho hay.
Theo đại diện Sở Xây dựng thì những đơn vị trồng cây đều phải tuân thủ cam kết, nếu cây trồng sống thì mới được thanh toán tiền, nếu cây chết thì phải trồng bù, cho tới khi nào cây ở vị trí đó sống được.
Ngoài ra, dư luận cũng băn khoăn vì hàng năm đơn vị chức năng đều có kinh phí tổ chức kiểm tra cây, cắt tỉa cành hoặc chặt hạ những cây nguy hiểm, sâu mục. Vậy thì việc kiểm tra ấy phải tiến hành thế nào để vừa khách quan lại nhận biết được cây bị sâu bệnh, cần phải loại bỏ?
Ông Võ Nguyên Phong Phong cho biết: “Việc kiểm tra các loại cây sâu mục hiện nay đang được tiến hành bằng mắt thường. Đối với những cây sâu mục có biểu hiện ra ngoài thì dễ phát hiện, còn cây sâu bên trong tương đối khó và vẫn phải thực hiện theo trực quan của chuyên gia”.
Tháng 7 tới đây, Sở Xây dựng sẽ phân loại xong và báo cáo thành phố những loại cây nguy hiểm không nên trồng tại đô thị.
Cũng tại buổi giao ban báo chí chiều nay, đại diện Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội cho biết, UBND thành phố Hà Nội đang tổ chức tiến hành kiểm điểm nghiêm túc cá nhân và tổ chức liên quan tới vụ chặt hạ, thay thế hàng loạt cây xanh thời gian vừa qua.