Trong đơn gửi đến Báo Giáo dục Việt Nam, ông Thản phản ánh, từ những năm 1960, mẹ ông là bà Lê Thị Bảo có mảnh đất rộng hơn 317m2 và có con ngõ chung của 03 hộ gia đình là bà Bảo, ông Nguyễn Văn Đào và ông Nguyễn Văn Tư. Năm 2001, trước khi mất, mẹ ông Thản để lại di chúc mảnh đất trên cho ông Thản. Ngay sau đó, ông Đào đã bất ngờ yêu cầu ông Thản phải viết đơn xin đi “nhờ” ngõ đi chung. Thấy sự việc vô lý, ông Thản đã gửi đơn kiến nghị lên các cơ quan chức năng yêu cầu giải quyết vụ việc.
Ngõ đi chung bị gia đình ông Nguyễn Văn Đào bịt kín. |
Ngay sau đó, UBND xã Đại Cường đã tổ chức nhiều lần hòa giải nhưng không thành. Ngày 12/5/2008, UBND xã Đại Cường đã có văn bản số 05/BC-UBND do ông Tạ Duy Lượng, Phó chủ tịch UBND ký báo cáo UBND huyện Ứng Hòa với nội dung: Ngõ đang tranh chấp, giữ nguyên hiện trạng là ngõ đi chung của 03 hộ. Yêu cầu 3 hộ có trách nhiệm bảo vệ, tu sửa và giữ vệ sinh sạch sẽ. Nghiêm cấm việc lấn, chiếm xây dựng hoặc sử dụng ngõ không đúng mục đích.
Tiếp đó, ngày 28/4/2011, UBND huyện Ứng Hòa đã có Công văn số 52/UBND-VP gửi Phòng Tài nguyên và Môi trường về việc giải quyết đơn thư của ông Thản. Đồng thời, UBND huyện Ứng Hòa yêu cầu Phòng Tài nguyên và Môi trường xem xét, xác minh và trả lời đơn kiến nghị của ông Thản trước ngày 01/6/2011. Song không hiểu vì sao, cho tới bây giờ, Phòng Tài nguyên và Môi trường vẫn “lờ” chỉ đạo của UBND huyện và không trả lời đơn kiến nghị của ông Thản. Sau hơn 12 năm bị hộ ông Đào chiếm ngõ đi chung hiện nay hộ ông Nguyễn Văn Thản không có đường đi vào nhà.
Vì thế, UBND TP. Hà Nội có Công văn số 35/BTCD-TH đề nghị UBND huyện Ứng Hoà khẩn trương xem xét, giải quyết theo thẩm quyền, quy định của pháp luật, báo cáo UBND Thành phố trước tháng 3/2013. Mặc dù đã có thông báo như vậy nhưng UBND huyện Ứng Hòa đã không thực hiện đúng chỉ đạo của UBND TP. Hà Nội mà mãi tới ngày 03/4/2013, dựa trên báo cáo số 69/BCXM-TNMT ngày 2/4/2013 của phòng Tài nguyên và Môi trường, UBND huyện Ứng Hòa mới có Công văn số 207/QĐ-UBND do ông Lê Hồng Hà, Phó chủ tịch thường trực UBND huyện ký Quyết định về việc giải quyết tranh chấp lối đi giữa gia đình ông Nguyễn Văn Thản với gia đình ông Nguyễn Văn Đào. Đồng thời, UBND huyện Ứng Hòa đã công nhận ngõ đi này là ngõ đi riêng của hộ ông Đào và khiến hộ ông Thản không còn lối đi vào nhà.
Ông Đỗ Mạnh Hà, Chuyên viên Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Ứng Hòa cho biết, nếu căn cứ vào bản đồ năm 1986 và thể hiện ở bản đồ năm 2002 thì ngõ đi này là ngõ đi của hai hộ ông Đào, ông Thản. |
Còn ông Đỗ Mạnh Hà, Chuyên viên Phòng Tài nguyên và Môi trường và là người trực tiếp được giao giải quyết vụ lại cho rằng: Quyết định 207 này là căn cứ theo bản đồ gốc năm 1966 và tu chỉnh lại năm 1975, theo bản đồ này, thì ngõ đi này là ngõ đi riêng của gia đình ông Đào, hiện nay ông Thản muốn đi thì phải thỏa thuận với ông Đào. Tranh chấp ngõ đi này phải dựa theo căn cứ là bản đồ năm 1966 và tu chỉnh năm 1975 mới chính xác, chứ không thể áp dụng theo bản đồ năm 1986 và năm 2002 được.
Tuy nhiên, ông Đỗ Mạnh Hà cũng khẳng định nếu căn cứ vào bản đồ năm 1986 và thể hiện ở bản đồ năm 2002 thì ngõ đi này là ngõ đi của hai hộ ông Đào, ông Thản. Cách lý giải này của ông Đỗ Mạnh Hà là không thuyết phục bởi, theo quy định của luật đất đai thì căn cứ để giải quyết ngõ đi này phải dựa vào hiện trạng sử dụng hiện tại của các hộ và các căn cứ pháp lý mới nhất của pháp luật. Việc chỉ căn cứ vào bản đồ năm 1966 và tu chỉnh lại năm 1975 để công nhận ngõ đi cho ông Đào là trái với các quy định của luật đất đai hiện hành.
Khi phóng viên đề nghị ông Đỗ Mạnh Hà, ông Lê Hồng Hà, Phó chủ tịch UBND huyện Ứng Hòa, cung cấp hồ sơ và báo cáo số 69/BCXM-TNMT ngày 02/4/2013 của Phòng Tài nguyên và Môi trường để làm căn cứ trả lời đơn thư bạn đọc. Tuy nhiên, ông Lê Hồng Hà, và Đỗ Mạnh Hà đã từ chối cung cấp hồ sơ.
Sau đó, ông Thản đã gửi đơn lên UBND TP. Hà Nội để kiến nghị về vụ việc trên, ngày 25/6/2013, UBND TP. Hà Nội đã Công văn số 4508/UBND-BTCD do ông Vũ Hồng Khanh, Phó chủ tịch UBND TP. Hà Nội ký gửi Sở Tài nguyên và Môi trường về việc xem xét, kết luận đơn của ông Nguyễn Văn Thản. Theo đó, UBND TP. Hà Nội đã giao cho Sở Tài nguyên và Môi trường xem xét, kết luận và báo cáo UBND TP. Hà Nội theo quy định tại Điều 136, Luật đất đai năm 2003.
Tuy nhiên, cho đến nay sau gần một năm trôi qua mà Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội vẫn chưa có kết luận và báo cáo trả lời cho UBND TP. Hà Nội và người dân được biết. Đề nghị UBND TP. Hà Nội chỉ đạo xác minh làm rõ vụ việc.
Báo Giáo dục Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.
Mọi đơn, thư, hồ sơ khiếu nại, tố giác của bạn đọc xin gửi về hộp thư: duyphong@giaoduc.net.vn. Hoặc địa chỉ: Ban Bạn đọc, Báo Giáo dục Việt Nam-Tầng 6, Tòa nhà 25T1, Khu N05, đường Hoàng Đạo Thúy, Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội.