Hai “ông già Don Quixote” Việt

15/07/2012 07:11
Hai “ông già” làng văn vừa rủ nhau cưỡi mô tô đi xuyên ĐBSCL cho thỏa “mong ước thời trai trẻ”, không giản đơn chỉ tận hưởng mây trời sông nước mà còn là một hành trình đầy ý nghĩa khi đến với các mảnh đời bất hạnh

Lần đầu tiên chinh phục ĐBSCL bằng xe máy, điểm đến lại là những xã xa xôi nhất, nhà văn Đoàn Thạch Biền cho biết có rất nhiều điều thú vị mà ông gom nhặt được, học hỏi rất nhiều lối sống, văn hóa của người dân miền sông nước. “Ngôn ngữ người miền Tây phong phú thật, nhiều khái niệm ban đầu nghe chẳng hiểu gì cả. Chẳng hạn, phải đợi người dân địa phương giải thích, tôi mới biết “chằn rây” là từ để chỉ những người hay nóng nảy, gây gổ” - ông kể.

Niềm vui góp nhặt, dấu lặng thao thức

Đã nhiều lần về miền Tây giao lưu văn chương với các hội văn học nghệ thuật và những cây bút trẻ nhưng lần nào cũng “lên ô tô chạy vèo đến nơi” nên 2 “ông già” làng văn đâu thấm thía được “nỗi khổ đường dài”. Thích đi xuyên Việt bằng mô tô nhưng nhà văn Đoàn Thạch Biền không dám… chạy xe máy, “Don Quixote” Nguyễn Đông Thức phải một mình đối mặt với gió bụi đường trường, cứ theo “chiến lược” mát đi nắng nghỉ, khỏe đi mệt nghỉ, mỗi ngày chạy không quá 200 km để dưỡng sức. Ấy vậy mà 2 ông cũng đến được tận đất Mũi Cà Mau rồi vòng trở về TPHCM.

Biết được hành trình ý nghĩa này của 2 ông bạn già, nhà thơ Lâm Xuân Thi, Giám đốc Công ty Xe đạp và Thời trang Martin 107 - người rất nhiệt tình trong các chương trình gây quỹ cho văn chương, trao tặng học bổng, tính hỗ trợ một chiếc xe hơi. Tuy nhiên, nhà văn Đoàn Thạch Biền nói mỗi suất học bổng không nhiều (1 triệu đồng), nếu đi trao bằng xe hơi rầm rầm rộ rộ xem ra cũng không được.
Ngồi xe hơi thì một phần ý nghĩa chuyến đi cũng không còn. “Hồi năm 18 tuổi, xem một bộ phim thấy 2 nhân vật trẻ cưỡi mô tô đi khắp nước Mỹ, tôi đã mê rồi, mê tới giờ mới thực hiện được chuyến đi trên đất nước mình. Tôi mua mô tô cũng là để chuẩn bị cho những chuyến đi đó” - nhà văn Nguyễn Đông Thức thổ lộ.

Từ TPHCM, 2 nhà văn quy ước sẽ không quan tâm chặng đường dài bao nhiêu mà sẽ lập kỷ lục bằng việc xem mình sẽ vượt qua bao nhiêu cây cầu. “Nhưng đếm được hơn 100 cây cầu thì chúng tôi bỏ cuộc. Miền Tây nhiều cầu kinh khủng!” - nhà văn Đoàn Thạch Biền cho biết.

Đi nhiều, mệt, đến đâu là “ngủ lăn quay” đến đó nhưng món quà tinh thần hấp dẫn cho mỗi sớm mai thức giấc của họ là những cung đường mới mẻ, khám phá cảnh đẹp và những điều bất ngờ từ miền sông nước.
Có lúc chạy trên những cung đường phượng đỏ rực, để hai tâm hồn “văn thơ lai láng” nhớ về câu hát Đường phượng bay mù không lối vào của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn; có lúc đèo nhau trong nắng trưa đi tìm thị trấn Thứ Nhất, thị trấn Thứ Hai ở Kiên Giang mà không biết rằng thị trấn Thứ Ba - “cái tên gì mà như trong truyện trinh thám” - được đặt theo dòng kênh thứ 3 của người dân xã Phú Hữu, huyện An Phú.
Hai “ông già Don Quixote” Việt ảnh 1
Nhà văn Nguyễn Đông Thức (trước) và nhà văn Đoàn Thạch Biền trên hành trình xuyên ĐBSCL

Hành trình không chỉ có niềm vui góp nhặt trên đường trường mà còn để lại những dấu lặng trong thao thức của người cầm bút. “Không có khái niệm béo phì, cận thị với trẻ em miền sông nước. Đói ăn, đói chữ, cuộc sống cơ cực hằn lên khuôn mặt, đôi mắt các em. Tất nhiên, không đi cũng biết cuộc sống người dân kham khổ nhưng chứng kiến rồi thì mới thấy thương họ nhiều hơn. Có nơi chỉ thấy những phụ nữ đưa con, cháu đi nhận học bổng, hỏi thăm thì mới biết đàn ông đã dần bỏ đi hết vì gia cảnh nghèo, đi tìm cơ hội làm ăn nhưng có những cuộc ra đi không bao giờ trở lại” - nhà văn Đoàn Thạch Biền ưu tư.

Ở nhiều trường học, thầy cô nhắn nhủ trên TP có công ty, đơn vị nào không sử dụng máy tính cũ, nhờ chuyển về trường sửa sang lại cho các em học tập, “có cơ hội hiểu biết công nghệ với người ta”. Thậm chí, có những nơi bày tỏ nhu cầu rất thiết thực: “Nếu được thì giúp cho các cây nước (giếng khoan - PV) để người dân có đủ nước sinh hoạt hằng ngày”. Dân miền Tây chân chất, hiền lành, có người không biết TP là như thế nào, cho nên khi có “người TP” mang quà về cho con em, họ vui và cũng thật tình bày tỏ những mong muốn của mình.

Đi để sống và viết

Cả cuộc đời viết văn với hàng loạt tác phẩm từng làm say mê độc giả một thời: Tình nhỏ làm sao quên, Ví dụ ta yêu nhau, Tôi thương mà em đâu có hay, Mây bay trong đầu…, viết cả kịch Đêm của cỏ hay truyện dài Những ngày tươi đẹp, gầy dựng tên tuổi cho biết bao cây bút trẻ, vậy mà đến ngoài 60 tuổi, có dịp đi xuyên miền Tây vào sâu trong dân tiếp xúc với những người địa phương, nhà văn Đoàn Thạch Biền mới phát hiện thêm những “ngôn ngữ mới” cho văn chương.

Nhà văn Nguyễn Đông Thức cho rằng mỗi người viết đều cần có một không gian để đắm mình trong đó. Nhà văn càng cần phải đi nhiều. Nhà văn mà sướng quá thì không viết được, phải đi, phải đau, phải trải nghiệm thì mới có thể viết được những vấn đề của xã hội. Chuyến đi này, dù không còn trẻ để nói rằng đó là hành trình trải nghiệm, tìm kiếm hay gầy dựng vốn sống nhưng cũng đã cho 2 tên tuổi của làng văn góp nhặt thêm cho mình những giá trị vẫn hằn chứa trong năm tháng, là những miền trầm tích về đất và người của miền sông nước.
“Có những mong ước vẫn chưa thực hiện được, như đến trao quà cho hộ nghèo nhất của huyện nghèo nhất, xa nhất trong tỉnh nghèo nhất và ngồi nghe người già kể chuyện xưa, từ ngày khai hoang lập làng cho đến giờ. Chúng tôi đã không đủ thời gian làm điều đó” - nhà văn Nguyễn Đông Thức tiếc nuối.

Trở về sau chuyến đi, dù không ai muốn nói ra thật cụ thể nhưng 2 “ông già Don Quixote” Việt đều nói sẽ bắt tay vào viết “cái gì đó”, có thể liên quan đến miền Tây sông nước. “Cái gì đó” sẽ cần thêm thời gian chăm chút. “Cái gì đó” cho một sự trở lại không hời hợt hay vội vã mà sẽ được vắt từ tâm huyết của những người đã từng mang đến cho làng văn những tác phẩm không dễ lãng quên.

Hai “ông già Don Quixote” Việt ảnh 2
Nhà văn Đoàn Thạch Biền trao học bổng cho học sinh nghèo tại xã Phú Hữu, huyện An Phú - An Giang (Ảnh do nhân vật cung cấp)

“Văn chương không phải lúc nào cũng cứ phải đao to búa lớn, đòi hỏi khai thác vấn đề thời sự, tư tưởng thời đại mà quan trọng là người viết biết cách chắt lọc, khai thác như thế nào từ những điều có thể vô cùng nhỏ nhặt trong đời sống. Đề tài không quan trọng bằng chất giọng riêng của ngòi bút. Không hiểu sao người trẻ bây giờ cứ viết buồn quá, trong khi niềm vui không thiếu” - nhà văn Đoàn Thạch Biền nhìn nhận.

Dí dỏm nhưng không phải là cố tình chọc cười, vui nhưng không có nghĩa thiếu vấn đề thời sự hay tính tư tưởng như trong các tác phẩm của tác giả Như núi như mây, Trăm sông về biển… với Nguyễn Đông Thức, có thể không gian sống ông viết trong tác phẩm đã lùi xa so với thời đại này nhưng nhà văn vẫn tìm thấy trong mỗi tác phẩm sức nặng của tư tưởng, số phận nhân vật trong những niềm tin lạc quan, luôn là cánh cửa mở cho những hành trình, từ thời Ngọc trong đá, Vĩnh biệt mùa hè… đến giờ.

“Hồi xưa, muốn đăng truyện đâu có dễ như bây giờ, báo không in thì cũng có thể phổ biến trên mạng, diễn đàn. Nhưng chất lượng cũng vì thế mà trôi nổi, người trẻ viết vô tội vạ và không phải cây bút nào cũng có ý định theo đuổi văn chương bền vững. Tôi không trách tuổi trẻ bây giờ sống vội, có phần hưởng thụ nhiều. Cũng không phải họ hoàn toàn tách ra khỏi thời đại mình đang sống nhưng nhà văn tốt nhất là phải đi. Chỉ có sự dấn thân đúng nghĩa, khao khát cống hiến đúng nghĩa mới có thể làm nên những tác phẩm xứng tầm cho văn chương” - nhà văn Nguyễn Đông Thức trăn trở.
Có lẽ lời răn dạy “đi để sống và viết, dấn thân để cống hiến” mãi luôn là bài học cần thiết cho những người cầm bút.

Lên kế hoạch “chặng 2”

Trở về sau chuyến đi xuyên 4 tỉnh, TP miền Tây: An Giang, Kiên Giang, Cà Mau và Cần Thơ với 80 suất học bổng đã trao, 2 nhà văn cho biết đã lên kế hoạch cho “chặng 2” tiếp tục về các tỉnh Bạc Liêu, Sóc Trăng, Hậu Giang và Vĩnh Long. “Danh sách các trường, xã nghèo nhất tại các huyện của những tỉnh này cũng đã có, chúng tôi đã định lên đường nhưng địa phương cho biết học sinh đang nghỉ hè nên sẽ khó tập trung các em về trường nhận học bổng. Có lẽ chúng tôi sẽ lên đường vào tháng 9 tới” - nhà văn Nguyễn Đông Thức tiết lộ.

Không dừng lại ở ĐBSCL, 2 nhà văn còn dự định “làm tour” các tỉnh miền Đông Nam Bộ. “Tỉnh nào cũng có người nghèo, mà có đi mới phát hiện những điều thú vị” - nhà văn Đoàn Thạch Biền bày tỏ. Về dự định lần lượt chinh phục hết các tỉnh Tây Nguyên, miền Trung rồi “tới luôn” thủ đô Hà Nội, nhà văn Nguyễn Đông Thức cho biết: “Thật ra ngay từ đầu, chúng tôi đã có ý định đi xuyên Việt nhưng còn phải tùy thuộc vào sức khỏe của 2 ông già coi sao đã”.


Tiểu Quyên/Người lao động