Gần một năm sau ngày xảy ra vụ cháy xưởng may giày da ở thôn Đại Hoàng- Tân Dân – An Lão – Hải Phòng, những người sống sót vẫn nguyên vẹn nỗi kinh hoàng. Họ phải gồng mình để vượt qua nỗi đau về tinh thần, vật chất, bởi nhiều người trong số họ đang canh canh lỗi lo mình sẽ bị tàn phế suốt đời…
“Suýt mất hai con trong vụ cháy”
Một nạn nhân ngày mới rời viện |
Các nạn nhân mới hôm nào đang là lao động chính trong gia đình, thì sau vụ hỏa hoạn, họ phải ngồi một chỗ không thể tự chủ được các sinh hoạt cá nhân. Các vết thương không còn có thể đe dọa tính mạng của họ nhưng chúng mãi không thể liền sẹo, vẫn nhức nhối, hiển hiện trong cuộc sống của họ từng ngày.
Hoàng Thị Kim Thu (SN 1983, ở thôn Lai Hạ, Tân Dân) là nạn nhân bị bỏng nặng nhất trong vụ cháy. Ngày trở về từ Bệnh viện, bác sỹ bảo Thu phải điều trị tiếp nhưng vợ chồng quyết định dắt nhau về, một phần vì không còn tiền, phần vì lo 2 con nhỏ không có người chăm sóc. Nhớ lại những ngày tháng kinh hoàng đã qua, anh Vỹ - chồng Thu - bảo, nhìn cảnh vợ nằm bất động, toàn thân cuốn băng, mình thương lắm nhưng không biết làm thế nào, chỉ biết động viên cô ấy cố gắng sống để trở về với chồng và 2 con nhỏ.
Thu đau đớn kể: Chồng tôi là bộ đội công tác xa, một nách 2 con gái nhỏ sinh đôi, nên kinh tế quá eo hẹp. Sẵn có tay nghề may nên khi được Hiên (chủ xưởng) đến nhờ sang làm, lương 2,5 triệu đồng/tháng, Thu nhận lời ngay. Vừa vào làm được 3 ngày thì gặp nạn. “Lúc đó gần 16h ngày 29/7, tôi làm phía trong cùng của xưởng, 2 con gái Nguyễn Thị Thanh Hà và Nguyễn Thị Thu Hà đi học về chạy vào ngồi cạnh mẹ. Tôi nhận được điện anh Vỹ từ đơn vị về nên bảo 2 con ra cạnh đường đón bố. Khi 2 con ra ngoài được 5 phút thì xảy ra cháy lớn, mọi người hô hoán, tôi hoảng loạn chạy vào phía cuối của xưởng thì biết không có cửa thoát, tôi liều mình vượt lửa lao ra ngoài tìm con và bị bỏng nặng. Nếu không có cuộc điện thoại của chồng có lẽ tôi đã mất 2 con trong vụ cháy…”.
Khi được chuyển lên cấp cứu tại BV Kiến An, anh bộ đội không biết bám vào đâu để bế Thu vào phòng cấp cứu bởi cổ, tay, chân đều cháy đen. Rồi Thu nhanh chóng được chuyển lên Viện bỏng quốc gia để điều trị, với diện tích bỏng 40% cơ thể; bỏng độ 4 chiếm 30%, độ 3 chiếm 10%; bỏng phổi đội 8. 20 ngày đầu nằm bất động, với tiên lượng xấu, Thu tưởng mình sẽ chết vì vết thương hành hạ đến tột cùng đau đớn. Lúc nhấc được 2 chân lên, Thu thấy vết bỏng sâu vào tận xương nên cũng không thiết sống. Cô được tái sinh một lần nữa nhờ tình yêu thương của chồng con, gia đình và cộng đồng.
Trong số những nạn nhân sống sót sau vụ cháy, có cả những cô gái tuổi đời chỉ mới mười tám, cái tuổi đẹp đẽ nhất cuộc đời. Hoàng Thị Hải Quỳnh, (SN 1993, ở Đại Hoàng 2) là một trong số đó. Khi ấy, ới tứ chi bị bỏng nặng, khuôn mặt biến dạng vì cháy, tấm thân gày yếu chưa đầy 38kg của Quỳnh thỉnh thoảng lại run lên vì quá đau nhức. Do kinh tế gia đình em trông vào 2 sào ruộng, mẹ phải đi lao động xa, thương bố sớm hôm vất vả nên vừa tốt nghiệp THPT, chờ kết quả thi đại học, Quỳnh xin vào xưởng may mũi giày, mong có thu nhập giúp bố, lo cho em ăn học. Mới vào làm được 3 tuần, chưa kịp nhận tháng lương đầu thì Quỳnh bị nạn.
Với diện tích bỏng 49% cơ thể, độ 3,4 chiếm đến 90% và bỏng hô hấp nên lúc nhập viện Quỳnh tưởng rằng mình không thể sống được, trước sự đau đớn đến cùng cực về thể xác. Người cha lam lũ của Quỳnh chia sẻ, 50 ngày cùng còn gái chồng chọi với tử thần, ông đã cạn nước mắt vì thương con… Ông Hùng bảo: “Cùng chỉ vì quá nghèo nên con tôi phải lam lũ. Bây giờ, tài sản có gì đáng giá tôi đã bán hết…”
Ngày về đầy chông gai
Hiện tại, hầu hết các nạn nhân vẫn đang phải gánh chịu những di chứng vụ cháy |
Hoàn cảnh của chị Vũ Thị Nga (SN 1957, ở thôn Đại Hoàng 3 (nạn nhân nhiều tuổi nhất trong vụ cháy) thật thương tâm. Do sức khỏe yếu nên khi mọi người hô cháy, chị không chạy kịp nên đã bị bỏng 33% diện tích độ 2,3,4 và bỏng 6% đường hô hấp.
Chồng bỏ đi đã gần 10 năm, chị Nga phải nuôi 2 con. Ba mẹ con chị Nga đến tấc đất cắm dùi cũng chẳng có. Đến đầu năm 2010 vay mượn mãi mới mua được căn nhà nhỏ ven đường, mẹ con cố gắng làm để trả nợ, nhưng món nợ vẫn còn đó thì tai nạn đổ ập lên đầu chị. Giờ đây, sau vụ cháy chị Nga trở thành người tàn tật. Hai cánh tay của chị bị cháy sâu, đùi và hai bàn chân mới ghép da vẫn sưng tấy, đau nhức lắm chị cũng phải cố chịu, nhưng chị còn đau đớn hơn khi biết mình đã mất khả năng lao động.
Hiện tại, các nạn nhân của vụ cháy gần 1 năm về trước vẫn đang phải vật lộn, chật vật với cuộc sống nghèo khổ, khó khăn. Ngày xảy ra vụ tai nạn thương tâm, họ đã nhận được sự ủng hộ, giúp đỡ rất nhiều về vật chất, nhưng tất cả chỉ như muối bỏ biển bởi vết thương quá nặng. Nhiều gia đình đã túng quẫn nay còn thiếu thốn hơn.
25 con người từng là lao động chính của các gia đình nghèo thì nay họ trở thành gánh nặng, có những nạn nhân không còn khả năng lao động nữa. Điều đau đớn hơn với họ, vết thương chằng chịt biến họ thành những người bị biến dạng, gớm giếc. Kiếm miếng ăn hàng ngày đã khó, họ chẳng có đủ tiền để mơ đến một ngày được phẫu thuật thẩm mỹ, làm bớt đi vẻ gớm giếc của mình. Có những cô gái mới mười tám đôi mươi, mấy ai trong số ấy may mắn gặp được một người đàn ông biết cảm thông để có một tấm chồng?...
Theo VN Media