Ưu tiên phát triển hạ tầng giao thông nông thôn
Theo ông Nguyễn Đức Thọ - Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng, năm 2021, thành phố Hải Phòng lựa chọn chủ đề năm “Đẩy mạnh chỉnh trang, hiện đại hóa đô thị - Xây dựng Nông thôn mới kiểu mẫu”.
Trong đó, công trình tại xã "Nông thôn mới kiểu mẫu" phải tiệm cận các tiêu chí của đô thị, đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, chăm lo cuộc sống của người dân nông thôn.
Trước đó, tính đến hết năm 2019, Hải Phòng đã xây dựng 100% các xã đạt chuẩn xã nông thôn mới.
Năm 2020, Hải Phòng bắt đầu triển khai xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu, với định hướng xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu gắn kết chặt chẽ với quá trình đô thị hoá của thành phố từ năm 2020.
Đây là một trong những động lực chính góp phần thúc đẩy quá trình phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn.
Đặc biệt là chuẩn bị cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất cho việc chuyển đổi một số huyện thành quận và thành phố.
Ưu tiên tập trung phát triển hạ tầng giao thông nông thôn đảm bảo đồng bộ, hiện đại, kết nối thông suốt từ thành phố đến huyện, xã, thôn với 4 loại quy mô tính chất như đường đô thị.
Thực hiện chương trình xây dựng xã Nông thôn mới kiểu mẫu theo chủ trương của Thành ủy, Nghị quyết số 56 ngày 9/12/2019 của Hội đồng nhân dân thành phố Hải Phòng và thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố lần thứ XVI đề ra đến năm 2025 có “100% số xã cơ bản đạt tiêu chí xã Nông thôn mới kiểu mẫu”.
Theo đó, trong năm 2020, thành phố lựa chọn 8 xã để triển khai thí điểm.
Ngân sách thành phố đã hỗ trợ kinh phí để đầu tư xây dựng các công trình, vật kiến trúc trên đất hiến tặng của nhân dân.
Các địa phương vận động nhân dân tự nguyện hiến tặng đất để mở rộng các tuyến đường giao thông.
Quá trình xây dựng "Nông thôn mới kiểu mẫu", Hải Phòng ưu tiên phát triển hạ tầng giao thông (Ảnh: CTV) |
Để hoàn thành tiêu chí, các địa phương cần đầu tư xây dựng 201 công trình, gồm: 197 công trình về giao thông tương ứng chiều dài 129,13km và 4 công trình về môi trường.
Trong năm 2020 và năm 2021, thành phố đã bố trí bố trí 1.083,79 tỷ đồng cho các xã để triển khai, dự kiến các địa phương cần vận động khoảng 4.000 hộ dân hiến tặng 117.000 m2 đất (67.000m2 đất ở, 50.000m2 đất nông nghiệp) để xây dựng, hoàn thành 201 công trình.
Hết năm 2020, các địa phương đã hoàn thành 38 công trình giao thông và 1 công trình về môi trường.
Để hoàn thành 38 công trình, các địa phương đã vận động 939 hộ dân hiến 32.568m2 đất (gồm: 20.145m2 đất nông nghiệp, 12.423m2 đất ở).
Việc xây dựng các công trình xây dựng Nông thôn mới kiểu mẫu đã thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội tại các vùng nông thôn.
Nhân dân đồng tình và ủng hộ rất cao, góp phần từng bước đô thị hóa các vùng nông thôn.
Hiện nay, các địa phương đang tiếp tục triển khai 163 công trình còn lại, dự kiến xã Kiến Thiết - huyện Tiên Lãng và xã Gia Minh huyện Thuỷ Nguyên sẽ hoàn thành trong tháng 7, các xã còn lại hoàn thành trong tháng 9/2021.
Trong quá trình xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, thành phố cũng gặp nhiều khó khăn, vướng mắc khi triển khai trong thời điểm xảy ra đại dịch Covid-19.
Bên cạnh đó, năm 2020 là năm đầu tiên thành phố triển khai xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu chưa từng có tiền lệ.
Vì vậy, các Sở, ngành, địa phương còn gặp nhiều lúng túng trong việc hướng dẫn và tổ chức thực hiện, giải quyết các vấn đề phát sinh (công tác giải phóng mặt bằng, chỉnh lý hồ sơ đất đai) và nhiều lần phải xin ý kiến chỉ đạo của thành phố.
Ngoài ra, việc triển khai chương trình tại Hải Phòng thành công hay không phụ thuộc chủ yếu vào công tác vận động nhân dân tự nguyện hiến đất để có mặt bằng triển khai.
Do vậy, thời gian đầu khi triển khai, có một số hộ chưa thực sự đồng thuận cao.
Tính đến hết năm 2020, 38 công trình giao thông nông thôn được hoàn thành (Ảnh: CTV) |
Để khắc phục những khó khăn, vướng mắc trên, Hải Phòng triển khai một số giải pháp như trung cao để xây dựng, hoàn thành 8 xã thí điểm.
Trọng tâm là công tác tuyên truyền, vận động nhân dân hiến đất mở rộng các tuyến đường giao thông.
Chỉ đạo các nhà thầu tập trung nhân lực, máy móc thiết bị để thi công các công trình nông thôn mới kiểu mẫu năm, đảm bảo tiến độ, chất lượng, kỹ thuật, mỹ thuật, phấn đấu 100% các công trình hoàn thành trước 30/9/2021.
Tiếp đó, tiến hành tổ chức tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm việc triển khai xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu sau khi hoàn thành tại 8 xã thí điểm.
Khen thưởng, động viên kịp thời các hộ dân đã hiến đất, các tập thể, cá nhân tiêu biểu trong xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu.
Ngay sau khi Trung ương ban hành Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, Hải Phòng sẽ sớm đề xuất Hội đồng nhân dân thành phố xem xét, quyết định về Chương trình xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu của thành phố giai đoạn 2021 - 2025 làm căn cứ triển khai trên toàn thành phố.
100% xã đạt tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu
Về việc xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu, trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVI nhiệm kỳ 2020 – 2025 đã xác định mục tiêu: “Đến năm 2025, có 100% số xã cơ bản đạt tiêu chí xã nông thôn mới kiểu mẫu”.
Tổng nguồn lực trực tiếp từ ngân sách thành phố dành cho Chương trình dự kiến là 25.000 tỷ đồng.
Ngân sách hỗ trợ cho các địa phương đầu tư hoàn thành tiêu chí về giao thông và môi trường còn các huyện ưu tiên nguồn lực cấp huyện, huy động các nguồn lực ngoài ngân sách để xây dựng hoàn thành xã nông thôn mới kiểu mẫu.
Hiện nay, thành phố đang tập trung cao cho việc triển khai xây dựng, hoàn thành nông thôn mới kiểu mẫu tại 8 xã thí điểm.
Đồng thời, trong quý III, quý IV/2021, thành phố sẽ tiếp tục triển khai thí điểm thêm 14 xã. Giai đoạn 2022 - 2025 tiếp tục triển khai hoàn thành tại 115 xã còn lại.
Trong đó, sẽ ưu tiên tập trung cho 2 huyện An Dương, Thuỷ Nguyên hoàn thành xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu trước năm 2024.
Chuẩn bị đầy đủ các điều kiện về hạ tầng – kinh tế xã hội, nhất là hạ tầng giao thông để đẩy nhanh tiến độ đô thị hoá phục vụ việc chuyển đổi huyện An Dương thành quận và huyện Thuỷ Nguyên thành thành phố trực thuộc Thành phố, trước năm 2025.