Sở KH&ĐT Hà Nội cho biết, sau rà soát của đoàn liên ngành về hoạt động của các doanh nghiệp (DN), dự án có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) trên địa bàn, đã phát hiện 10 DN FDI vắng chủ hoặc chủ bỏ trốn về nước.
Hiện Sở đã có thông báo công khai, sau 30 ngày nếu chủ những DN này vẫn vắng mặt, Sở KH&ĐT sẽ báo cáo UBND TP Hà Nội xem xét chấm dứt hoạt động dự án đầu tư, thu hồi giấy chứng nhận đầu tư.
Theo thông tin trên Tiền Phong, 5 DN bỏ trốn, mất tích do Cục Thuế Hà Nội cung cấp gồm: Cty TNHH Fujiya Việt Nam, Cty TNHH Narai (Nhật Bản); Cty TNHH Vladivostok Avia Lines (Nga); Cty TNHH Opac Power; Cty Cổ phần Investimo.
Sau hơn 5 năm chờ đợi, một số công nhân của Cty Vina HaengWoon Industry mới nhận lại được một phần ít ỏi quyền lợi khi chủ DN bỏ trốn. Ảnh: laodong |
Bên cạnh đó, 5 DN không hoạt động tại trụ sở đăng ký gồm: Cty Cổ phần Tabata Nam Việt Nam, Cty TNHH Airea (Nhật Bản), Cty TNHH MTV D.I.C Việt Nam, Cty TNHH Xây dựng Tô Việt (Trung Quốc) và Cty TNHH Kỳ nghỉ tầm nhìn Thái Việt Nam (Ấn Độ).
Bộ KH&ĐT năm ngoái cũng đã thống kê, tính chung cả nước, theo thống kê của các Sở KH&ĐT, ban quản lý các KCN, KCX, KCN cao, khu kinh tế, tính đến ngày 31/5/2013 đã có tới 518 DN FDI “vắng chủ”. Tổng số vốn đầu tư đăng ký tại các DN, dự án này là khoảng 903.110.000USD. Trong đó, hai địa phương “đầu tàu” là Hà Nội và TPHCM dẫn đầu số DN FDI bỏ trốn với lần lượt là 105 và 166 DN.
Sở dĩ có hiện tượng DN này nối tiếp DN kia ngang nhiên bỏ trố là do Thông tư còn “hổng”. Theo Lao Động, cho đến nay, quy định về chủ DN bỏ trốn mới chỉ được ghi nhận trong Thông tư liên tịch 06/2009/TTLT-BLĐTBXH-BTC: “DN được coi là có chủ bỏ trốn là DN không có người đại diện hợp pháp đứng ra giải quyết quyền lợi của NLĐ và được UBND cấp tỉnh hoặc cơ quan được UBND cấp tỉnh ủy quyền xác định”.
Theo nhiều chuyên gia về pháp luật, quy định này là khá chung chung, chưa đưa ra được các tiêu chí cụ thể để xác định DN có chủ bỏ trốn. Đó là chưa kể, thực tế nhiều trường hợp “người đại diện hợp pháp” không đồng thời là chủ doanh nghiệp, vì họ cũng chỉ là người làm thuê. Chính điều này gây khó khăn cho chính quyền địa phương khi xử lý tài sản của DN.
Theo ý kiến của giới luật sư, luật gia, trong việc sửa đổi Luật Doanh nghiệp tới đây, cần có quy định và tiêu chí cụ thể để cơ quan chức năng có thể nhanh chóng xác định về việc chủ DN bỏ trốn.
Luật gia Trần Phi Đại - Cty luật Thiện Việt (TP.HCM) – nói thêm trên Lao Động: “Cũng cần quy định thêm về việc cấm đầu tư tại Việt Nam sau khi chủ DN đã bỏ trốn và bị phát mãi tài sản để trả nợ quyền lợi cho CN, các tổ chức, cá nhân liên quan. Đồng thời, trong bối cảnh Việt Nam tham gia ký kết nhiều hiệp định song phương, đa phương về thương mại, cũng cần có quy định về việc quốc gia có chủ DN bỏ trốn có nghĩa vụ đưa những người này trở lại quốc gia mà họ đã đầu tư và bỏ trốn để giải quyết hậu quả. Vì chỉ khi có hợp tác toàn cầu như thế, chủ DN sẽ không thể trốn đi đâu”.