Trong số này có rất nhiều nhóm (từ 3-4 người, thậm chí năm người) có chung chỉ số sinh hóa, ngày giờ xét nghiệm, ngày giờ in phiếu kết quả xét nghiệm.
Khi so sánh các phiếu xét nghiệm có những trường hợp rất phi lý: ông Nguyễn Duy Bổng, 68 tuổi, bị cao huyết áp có kết quả xét nghiệm hoàn toàn trùng khớp với kết quả của chị Đinh Thị Thu, 41 tuổi, có chẩn đoán vết thương cẳng tay. Không chỉ thế, cả hai bệnh nhân này đều trùng luôn cả ngày tháng làm xét nghiệm và cùng một người xác nhận kết quả!
Buồng lấy bệnh phẩm tại khoa xét nghiệm Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức (Hà Nội) - Ảnh: Nguyễn Khánh |
Người bệnh bị lừa dối
Theo đơn thư tố cáo của chị Hoàng Thị Nguyệt (cán bộ khoa xét nghiệm bệnh viện này), ông Nguyễn Trí Liêm - giám đốc bệnh viện - đã để các nhân viên không có kinh nghiệm, chuyên môn đứng ra làm xét nghiệm.
Các nhân viên này có lấy máu của bệnh nhân nhưng không tiến hành xét nghiệm mà vứt bỏ và tự ý in ra nhiều kết quả từ kết quả của một mẫu xét nghiệm khác, rồi gắn trả lại cho nhiều người bệnh khiến bệnh nhân bị lừa dối lên đến hàng nghìn người.
Để làm điều này, ông Liêm chia cán bộ xét nghiệm thành hai bộ phận, một bộ phận phụ trách máy móc tư nhân (dùng cho toàn bộ bệnh nhân ngoại trú), số này đều là những người thiếu chuyên môn, kinh nghiệm.
Bộ phận còn lại phụ trách máy móc Nhà nước đầu tư, chỉ dùng riêng cho bệnh nhân nội trú. Nghịch lý xảy ra khi bộ phận phụ trách máy móc tư nhân trung bình mỗi ngày làm xét nghiệm cho 200-300 bệnh nhân, với 1.000-1.500 tiêu bản xét nghiệm, bao gồm rất nhiều chỉ số xét nghiệm sinh hóa, máu..., chiếm tỉ lệ hơn 97% công việc của khoa thì bộ phận còn lại (đều là người có chuyên môn, kinh nghiệm) không có việc làm mà ngồi chơi vì chỉ phải thực hiện vỏn vẹn 10 bệnh nhân với 30 mẫu xét nghiệm/ngày, chỉ làm việc dưới 3% lượng công việc.
Hậu quả của việc phân công công việc này là những mẫu xét nghiệm trùng khớp một cách buồn cười. Theo tìm hiểu của chúng tôi, kết quả xét nghiệm của bệnh nhân Nguyễn Hữu Nhung (83 tuổi) hoàn toàn trùng khớp với bệnh nhân Nguyễn Bá Biên (22 tuổi), bệnh nhân Ngô Thị Đào (92 tuổi) có kết quả trùng với Bùi Văn Cường (3 tháng tuổi) và Trần Thị Mai Anh (4 tháng tuổi), bệnh nhân Đỗ Đặng Quốc Bảo (1 tháng tuổi) có kết quả xét nghiệm trùng với Nguyễn Thị Phương Anh (16 tháng tuổi)...
Tổng cộng có khoảng 1.000 mẫu xét nghiệm đã được nhân bản sử dụng cho 2.000 bệnh nhân đến điều trị tại bệnh viện này!
6/10 nhân viên khoa xét nghiệm có liên quan
Phiếu xét nghiệm huyết học tại Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức (Hà Nội) của hai người khác nhau nhưng các kết quả xét nghiệm lại hoàn toàn giống nhau - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH |
Sáng 6-8, đoàn công tác của Bộ Y tế và Sở Y tế Hà Nội do ông Nguyễn Trọng Khoa, phó cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, và ông Nguyễn Văn Dung, phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội, dẫn đầu đã về làm việc với Bệnh viện Đa khoa huyện Hoài Đức.
Theo ông Khoa, qua trao đổi ban đầu thì có đến 6/10 nhân viên của khoa xét nghiệm tham gia “đường dây” này. “Hiện cơ quan công an còn đang xác minh lý do, nhưng các nhân viên xét nghiệm ở đây chỉ nói do họ nể nang, giúp người nhà, người quen trong bệnh viện phiếu xét nghiệm để hoàn thiện hồ sơ” - ông Khoa cho biết.
Mặc dù xác nhận là có hành vi viết khống giấy xét nghiệm cho nhiều người tại khoa xét nghiệm và biết việc làm đó là sai quy trình, nhưng bà Vương Kim Thành - trưởng khoa xét nghiệm Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức - cho rằng các cán bộ làm những việc này là vì tình cảm, nể nang!
Theo bà Thành, khoa thường viết khống kết quả khi có yêu cầu của cán bộ trong bệnh viện nhờ làm xét nghiệm cho bệnh nhân là người nhà của mình để nhanh chóng hoàn thành hồ sơ bệnh án nhập viện và ra viện.
Tuy nhiên theo ông Khoa, đây là hình thức giả mạo chứ không phải sai sót chuyên môn, là kết quả xét nghiệm giả hoàn toàn chứ không phải chỉ là sai lệch, không chính xác. “Đây là việc không thể chấp nhận được. Sai kết quả xét nghiệm đã ảnh hưởng đến kết quả điều trị, trong khi đây lại là chuyện sử dụng kết quả xét nghiệm của người này cho người khác, thậm chí sử dụng kết quả xét nghiệm của một người cho 3-4 người khác” - ông Khoa cho biết.
Trả lời Tuổi Trẻ chiều 6-8, giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền cho biết do cơ quan công an đã thu giữ toàn bộ hồ sơ nên Sở Y tế chưa tính được số bệnh nhân nội trú có phiếu xét nghiệm khống. Theo ông Hiền, chủ yếu bệnh nhân có phiếu xét nghiệm khống là người đi khám sức khỏe, người nhà cán bộ bệnh viện, còn bệnh nhân nội trú được cấp phiếu xét nghiệm khống chủ yếu là trẻ em, người vào viện không muốn làm xét nghiệm.
Rút ruột bảo hiểm y tế?
Qua khảo sát sổ ghi kết quả xét nghiệm tại Bệnh viện Đa khoa huyện Hoài Đức, chúng tôi nhận thấy gần như tất cả bệnh nhân có trùng kết quả xét nghiệm là bệnh nhân bảo hiểm y tế. Bà Nguyễn Thị Xuyên, cán bộ khoa xét nghiệm Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức, cho biết “thỉnh thoảng” bà có viết khống giấy xét nghiệm cho bệnh nhân, vì không muốn họ phải chờ đợi nhiều.
“Làm như vậy là vì nể nang cán bộ cùng cơ quan, thấy thương bệnh nhân phải chờ đợi lâu khi xin giấy khám sức khỏe để đi làm, đi học hoặc các bệnh nhân phải chờ đợi kết quả xét nghiệm để làm thủ tục ra viện...” - bà Xuyên nói.
Tuy nhiên, ông Phạm Lương Sơn - trưởng ban thực hiện chính sách Bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội VN - nhận định mục đích duy nhất của việc viết khống kết quả xét nghiệm này là rút ruột bảo hiểm y tế.
Theo ông Sơn, từ một kết quả xét nghiệm, sau nhân bản kết quả bệnh viện sẽ thu được lượng tiền xét nghiệm gấp nhiều lần mà không phải tốn kém hóa chất, sinh phẩm, giảm thời gian chạy máy và cả chi phí nhân công.
“Chúng tôi đã yêu cầu Bảo hiểm xã hội Hà Nội tạm ngừng thanh toán phí xét nghiệm cho Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức cả quý 1 và quý 2-2013, chờ xem xét tính toán, nếu sai phạm là để rút ruột quỹ thì kiên quyết không thanh toán” - ông Sơn cho biết. Theo ông Sơn, từng có hiện tượng tương tự nhưng cơ quan bảo hiểm chỉ có thể yêu cầu xuất toán, còn lần này có sự tham gia điều tra của cơ quan công an, vụ việc có thể làm sáng tỏ.
Rất nhiều sai phạm cần được làm rõ
Theo thông tin của Tuổi Trẻ, tại buổi làm việc với lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội và Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức chưa giải trình về những vấn đề như liên doanh đặt máy xét nghiệm. Theo đơn tố cáo, giám đốc bệnh viện là ông Nguyễn Trí Liêm đã có hàng loạt sai phạm, như liên doanh với một công ty đặt máy xét nghiệm nhưng hóa chất dùng xét nghiệm không do các bộ phận chuyên môn dự trữ, thực tế sử dụng cho thấy hóa chất có phần không ổn định. Theo tìm hiểu, nhiều người trong khoa được biết có chuyện “trích phần trăm” cho người có trách nhiệm, phương thức hợp tác dựa vào số lượng hóa chất tiêu thụ.