Xây dựng lá chắn tên lửa nối liền hơn 200 hòn đảo
Theo hãng tin Reuters Anh, có quan chức Nhật Bản lần đầu tiên thừa nhận, Nhật Bản đang thúc đẩy kết nối các hệ thống tên lửa đối hạm và đối không dọc hơn 200 hòn đảo ở biển Hoa Đông, liên kết thành một “chiến tuyến” dài tới 1.400 km, kéo dài từ lãnh thổ Nhật Bản xuống giáp Đài Loan.
Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản diễn tập |
Một số nhà hoạch định chính sách và quan chức quân sự Nhật Bản cho hay, kiểm soát vùng biển và vùng trời xung những đảo này là một phần trong kế hoạch to lớn tăng cường sức mạnh quân sự của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe.
Một khi chuỗi hệ thống tên lửa liên kết 200 hòn đảo của Nhật Bản được dựng lên đầy đủ thì nó sẽ trở thành một lá chắn lớn đối với tàu thuyền Trung Quốc ra vào giữa biển Hoa Đông với Tây Thái Bình Dương.
Hãng tin Reuters cho rằng, tàu thuyền Trung Quốc nếu muốn đến Tây Thái Bình Dương sẽ phải đi qua lá chắn tên lửa “không có kẽ hở” này của Nhật Bản. Trong khi đó đối với Bắc Kinh, cửa đi ra Tây Thái Bình Dương có ý nghĩa cực kỳ quan trọng.
Đây không chỉ là “tuyến đường tiếp tế” kết nối Trung Quốc với các vùng biển khác của thế giới, mà còn có vai trò quan trọng để đưa hải quân nước này vươn xa ra bên ngoài.
Vừa qua, Hạm đội Bắc Hải, Hạm đội Đông Hải, Hạm đội Nam Hải của Hải quân Trung Quốc đã điều động các loại tàu khu trục, tàu hộ vệ, tàu ngầm, máy bay cảnh báo sớm, máy bay chiến đấu tiến hành diễn tập bắn đạn thật ở Biển Đông.
Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản tiến hành diễn tập đoạt đảo bắn đạn thật (ảnh tư liệu) |
Nhưng để xuống Biển Đông tham gia cuộc diễn tập này, các tàu chiến của Hạm đội Bắc Hải và Hạm đội Đông Hải của Hải quân Trung Quốc đã không đi qua eo biển Đài Loan, mà đã đi qua eo biển Miyako, Nhật Bản.
Sau đó, chúng di chuyển sang vùng biển đảo Yonaguni phía đông Đài Loan rồi chạy xuống Biển Đông. Máy bay tuần tra P-3C Nhật Bản đã theo dõi toàn bộ quá trình này.
Được biết, Nhật Bản sẽ còn triển khai khoảng 10.000 nhân viên quân sự ở các đảo trên biển Hoa Đông trong 5 năm tới để điều khiển các hệ thống tên lửa và trạm radar, có sự hỗ trợ của lực lượng thủy quân lục chiến, tàu ngầm, máy bay chiến đấu F-35, xe chiến đấu đổ bộ và tàu sân bay.
Ngoài ra, Hạm đội 7 đóng ở căn cứ Yokosuka, Nhật Bản cũng là lực lượng quan trọng, sẽ tiếp sức cho Nhật Bản khi cần thiết. Nhật Bản xây dựng lá chắn tên lửa nhằm ngăn chặn Trung Quốc thống trị vùng biển Tây Thái Bình Dương. Đây cũng là học thuyết “chống can dự, ngăn chặn khu vực” phiên bản Nhật Bản.
Tàu chiến Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản |
Theo nghị sĩ Akihisa Nagashima thuộc Đảng Dân chủ Nhật Bản (DPJ), Trung Quốc ngày càng tăng cường khả năng vươn ra Tây Thái Bình Dương và sự suy yếu tương đối của Mỹ là một nhân tố thúc đẩy Nhật Bản chuyển trọng tâm phòng thủ từ đảo Hokkaido xuống các đảo tây nam.
Giáo sư Toshi Yoshihara thuộc Học viện chiến tranh hải quân Mỹ cho rằng, Nhật Bản có thể đóng vai trò quan trọng trong kiểm soát khu vực, tăng khả năng đi lại tự do cho Mỹ và kéo dài thời gian phản ứng cho liên minh Mỹ-Nhật khi chiến tranh với Trung Quốc nổ ra.
Nhà nghiên cứu Trương Quân Xã thuộc Viện nghiên cứu học thuật quân sự Hải quân Trung Quốc cho rằng, Quân đội Nhật Bản luôn có “tư duy Chiến tranh Lạnh” đối với Trung Quốc, muốn phong tỏa tàu thuyền và máy bay Trung Quốc trong chuỗi đảo thứ nhất.
Theo Trương Quân Xã, Nhật Bản triển khai tên lửa và radar ở đảo nhỏ không phải là một điều bí mật, mục đích chính là để kiểm soát eo biển Osumi và eo biển Miyako.
Ông Xã cho rằng trong thời bình, việc triển khai này không có ý nghĩa thực chất gì, sẽ không gây ảnh hưởng thực chất đối với an ninh của Trung Quốc. Nếu bước vào trạng thái chiến tranh, thì việc triển khai này sẽ tạo ra mối đe dọa nhất định đối với việc Trung Quốc đi ra Tây Thái Bình Dương, nhưng Trung Quốc sẽ lập tức đáp trả.
Tên lửa đất đối hạm Type 12 Nhật Bản |
Giáo sư Hoàng Đại Tuệ thuộc Học viện quan hệ quốc tế, Đại học Bắc Kinh và là Chủ nhiệm Trung tâm nghiên cứu Đông Á cho rằng, tăng cường triển khai quy mô lớn ở chuỗi đảo biển Hoa Đông thực sự sẽ tăng cường năng lực ngăn chặn.
Nhưng những hoạt động này phần nhiều là để tăng cường giám sát, trinh sát, thu thập tình hình Trung Quốc, không có nhiều khả năng là hành vi mang tính tiến công chủ động.
Gần đây, dư luận Mỹ ngày càng lo ngại về các thủ đoạn quân sự của Trung Quốc tại khu vực. Trung Quốc ngày càng hung hăng trên các vùng biển ở Tây Thái Bình Dương, trong đó có Biển Đông.
Tháng 9/2015, Trung Quốc tổ chức duyệt binh quy mô lớn, khoe cơ bắp, trong đó có tên lửa đạn đạo chống hạm Đông Phong-21D và Đông Phong-26. Quốc hội Mỹ dự đoán, Trung Quốc sở hữu khoảng 1.200 tên lửa tầm ngắn và tầm trung, có thể tất công bất cứ khu vực nào ở chuỗi đảo thứ nhất.
Trung Quốc cũng phát triển tên lửa hành trình chống radar, bắn từ tàu ngầm hoặc trên mặt đất. Thực lực quân sự của Trung Quốc ngày càng tăng cường đã gây lo ngại cho Mỹ.
Tên lửa đất đối hạm Type 12 Nhật Bản |
Liên kết để bao vây tứ phía
Liên quan đến vấn đề này, Thời báo Hoàn Cầu Trung Quốc ngày 19/12 bình luận rằng, vào lúc này Nhật Bản tăng cường sức mạnh quân sự ở các đảo nhỏ xa xôi là truyền đi một số thông điệp, có liên quan nhất định đến khả năng cùng tàu chiến Mỹ tuần tra Biển Đông.
Nhật Bản hiện nay coi Trung Quốc là “kẻ thù giả tưởng”, tức là “quân xanh” hay đối tượng tác chiến.
Trong bối cảnh Mỹ tiến hành tuần tra Biển Đông và bán vũ khí cho Đài Loan, không loại trừ khả năng Nhật Bản thông qua báo chí nước ngoài để truyền đi thông điệp tăng cường các biện pháp triển khai quân sự ở các đảo nhỏ xa xôi, có ý đồ răn đe Trung Quốc.
Quan chức Nhật Bản lần này tuyên bố, triển khai các loại tên lửa chống hạm ở chuỗi đảo thứ nhất ngoài tiến hành răn đe chiến lược đối với Trung Quốc, còn cho thấy thái độ kiên quyết cùng đồng minh phương Tây ngăn chặn các hành vi của Trung Quốc ở Biển Đông.
Một khi Biển Đông có vấn đề, Nhật Bản sẽ chốt giữ các tuyến đường ra vào của Quân đội Trung Quốc ở Tây Thái Bình Dương.
Eo biển Miyako - tuyến đường biển chủ yếu ra vào Thái Bình Dương của Hải quân Trung Quốc |
Học giả Hoàng Đại Tuệ thuộc Đại học Bắc Kinh cho rằng, nếu Trung Quốc rơi vào bị động ở cả Biển Đông và biển Hoa Đông thì thực sự sẽ bất lợi. Giải quyết vấn đề này thì trước tiên phải xử lý tốt quan hệ ở eo biển Đài Loan. Tiếp theo, thái độ trong vấn đề Biển Đông phải “kiên quyết”, “phải cho Nhật Bản biết tay, không để họ can thiệp sâu vào Biển Đông”?!
Đằng sau động thái lần này của Nhật Bản rõ ràng có liên quan rất lớn đến nhân tố Mỹ. Làm thế nào xử lý quan hệ Trung-Mỹ rất quan trọng. Nếu xử lý tốt mối quan hệ này thì sẽ không còn “sóng lớn” trên các phương diện khác.
Hoàng Đại Tuệ còn cho rằng, mặc dù Mỹ can thiệp vấn đề Biển Đông, nhưng họ không muốn tình hình Biển Đông bị làm nóng quá mức, điều này không có lợi cho triển khai chiến lược của họ ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Tên lửa Type 12 và Type 88 – trung tâm lá chắn của Nhật Bản
Đáng chú ý, Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản cho biết, trung tâm của lá chắn phòng thủ chuỗi đảo tây nam của Nhật Bản là hệ thống tên lửa đất đối hạm thế hệ mới Type 12 và hệ thống Type 88. Các hệ thống tên lửa này được triển khai ở Okinawa và Kumamoto, nằm ở bờ biển phía tây Kyushu.
Hệ thống tên lửa đất đối hạm Type 88 Lực lượng Phòng vệ Mặt đất Nhật Bản |
Hai địa điểm này được nối với nhau bởi đảo Amami. Trong đó, riêng ở Kumamoto sẽ triển khai 196 quả tên lửa đối hạm Type 12, trị giá 30,9 tỷ yên (302 triệu USD).
Tháng 8/2014, Nhật Bản đã triển khai các hệ thống tên lửa đất đối hạm Type 88 ở đảo Amami. Ngoài ra, Lực lượng Phòng vệ Mặt đất Nhật Bản cũng đã triển khai 550 quân ở đảo này, tăng cường khả năng phòng thủ các đảo trong khu vực.
Ngoài đảo Amami, tháng 6/2014, Chính phủ Nhật Bản cũng đã triển khai các đơn vị của Lực lượng Phòng vệ Mặt đất và các hệ thống tên lửa trên các đảo Miyako và Ishigaki, tỉnh Okinawa, sau khi nội các nước này đưa ra quyết định tăng cường phòng thủ quần đảo Ryukyu.
Chính phủ Nhật Bản cũng đã xây dựng một căn cứ radar giám sát biển và vùng trời ở một khu vực có diện tích 210.000 km vuông trên đảo Yonaguni, đồng thời triển khai ở đó một đơn vị tác chiến điện tử nhằm tăng cường đối phó với tàu chiến, máy bay Trung Quốc.
Tên lửa đất đối hạm thế hệ mới Type 12 có trọng lượng 660 kg, dài 5 m, đường kính 0,35 m, độ cao bay 5 – 6 m so với mặt biển, sử dụng động cơ Turbojet, nhiên liệu rắn, tốc độ 1.150 km/giờ (0,95 Mach), sử dụng hệ thống dẫn đường quán tính và radar chủ động. Mỗi xe phóng tên lửa Type 12 có 2 cụm, 6 ống phóng tên lửa.
Hệ thống tên lửa đất đối hạm Type 88 Lực lượng Phòng vệ Mặt đất Nhật Bản |
Tên lửa Type 12 có tầm bắn lên tới 200 - 250 km, có độ chính xác và khả năng dẫn đường cao hơn Type 88, giúp tăng cường năng lực chống hạm cho Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản, có khả năng phong tỏa toàn bộ eo biển, chặn đường tàu chiến Trung Quốc ra vào Thái Bình Dương.
Tên lửa chống hạm Type 12 còn có khả năng thu nhận và truyền dữ liệu của tàu chiến địch về trung tâm chỉ huy và tự động điều chỉnh đường bay phù hợp. Hơn nữa, khoảng thời gian chuẩn bị giữa 2 lần bắn tên lửa ngắn hơn rất nhiều so với Type 88.
Hiện nay, Nhật Bản có tổng cộng sở hữu 88 hệ thống tên lửa Type 88. Theo “Kế hoạch chỉnh đốn Lực lượng Phòng vệ trung hạn” do Bộ Quốc phòng Nhật Bản đưa ra vào năm 2014, nước này đã chế tạo được 36 hệ thống tên lửa Type 12.
Dù không mạnh bằng Type 12, nhưng Type 88 vẫn có năng lực đáng kể. Type 88 có trọng lượng 650 kg, dài 5 m, đường kính 35 cm, đầu đạn nặng 225 kg, trang bị động cơ đẩy nhiên liệu rắn, tốc độ 1.150 km/giờ, tầm bắn trên 150 km.
Ngoài triển khai vũ khí trang bị, theo hãng Kyodo Nhật Bản ngày 18/12, cùng ngày, ngân sách bổ sung năm tài khóa 2015 của Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản đã được đưa vào 25,5 tỷ yên, dùng để tăng cường cảnh giới các đảo nhỏ như đảo Senkaku, từ đó kiềm chế Trung Quốc.
Nhật Bản tiến hành diễn tập tên lửa đất đối hạm ở căn cứ Naha, Okinawa, kiềm chế Trung Quốc |