Người dân kêu trời vi lúa ngập trong biển nước
Nhận được thông tin phản ảnh của một số hộ dân xã Ngọc Lĩnh, Tĩnh Gia, Thanh Hóa về hàng trăm ha diện tích lúa đang trong thời kì làm đòng, trổ bông bị ngập úng nặng từ đêm bão số 6 đổ bộ vào cho đến nay. Ngày 11/8 chúng tôi đã tìm về địa phương trên để tìm hiểu vụ việc.
Trong cái nắng gay gắt, chúng tôi đã có mặt trên diện tích cánh đồng lúa bị ngập úng như; Đồng Thùng, Phần Nhất, Phần Nhì,… và rất nhiều diện tích ven sông Kênh Than. Tại đây, nhiều hộ dân đang xót xa, than thở với hàng sào lúa bị hư hỏng.
Anh Hai xót xa trước ruộng lúa bị thối do ngâm lâu ngày trong nước |
Theo quan sát của phóng viên chúng tôi, nhiều diện tích lúa bị ngập nhiều ngày, song đến ngày thứ 6 mực nước vẫn ngập hơn nửa thân cây lúa, màu sắc của thân lúa đã ngả sang màu thâm đen. Khi đi trên bờ cũng có thể ngửi thấy mùi của lúa bị ngập úng đến khó chịu.
Trong bộ dạng ướt sũng, đang vớt bèo trên thửa ruộng bị ngập úng nhà mình Chị Đậu Thị Đoàn, ở thôn 8, xã Ngọc Lĩnh, Tĩnh Gia, Thanh Hóa cho biết; “Gia đình tôi làm 5 sào ruộng, trong đó có 3 sào bị ngập. Bình quân mỗi vụ năng suất lúa đạt khoảng hơn 3 tạ/sào. Không biết năm nay sẽ ra sao vì lúa ngập úng đã nhiều ngày rồi, người dân chúng tôi quanh năm bán lưng cho đất, bán mặt cho trời may ra mới kiếm được hạt thóc.
Bây giờ ngập lụt như thế này biết làm sao hả chú? Mọi năm mưa còn nhiều hơn như đợt vừa rồi, nước vẫn tiêu thoát nhanh trong hai ngày là hết, sang năm này dòng nước tiêu úng lâu quá chú à! Kiểu này thì lúa bị lũn sạch rồi!…”
Bây giờ ngập lụt như thế này biết làm sao hả chú? Mọi năm mưa còn nhiều hơn như đợt vừa rồi, nước vẫn tiêu thoát nhanh trong hai ngày là hết, sang năm này dòng nước tiêu úng lâu quá chú à! Kiểu này thì lúa bị lũn sạch rồi!…”
Hàng trăm ha lúa đã bị ngập sâu trong nước cả tuần trời vì hệ thống kênh thoát nước lũ bị tắc nghẽn khiến cây lúa thối rữa |
Không chỉ có hộ gia đình bác Đoàn mà còn rất nhiều hộ khác cũng trong tình trạng diện tích lúa bị ngập nặng. Mỗi hộ có diện tích bị ngập lên đến hàng 6- 7 sào.
Gia đình bác Đậu Văn Khoát, ở thôn 8, xã Ngọc Lĩnh, Tĩnh Gia, Thanh Hóa chia sẻ; “Gia đình tôi có 8 khẩu, quanh năm chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng, con cái đi học xa phải chạy lo từng bữa. Hiện gia đình tôi đang canh tác trên một mẫu ruộng, diện tích lúa bị ngập và bị bèo tây làm gập gãy là 6 sào.
Trước đó, trong tháng 2 đến tháng 3 vừa rồi gia đình tôi cùng một số hộ dân trồng cây thuốc lào cũng bị ngập và mất trắng, nhưng cho đến giờ vẫn chưa có sự hỗ trợ nào từ các cơ quan chức năng, do đây là loại cây giống có trong kế hoạch của xã đưa vào trồng.
Vừa qua bị ảnh hưởng của cơn bão số 6, với lượng mưa rất bình thường, so với mọi năm dòng nước vẫn tiêu thoát tốt nhưng do năm nay các đơn vi thị công hệ thống sông kênh Than đã ngăn đắp dòng nước chảy bị ngăn cho nên lúa ngập úng lâu khiến hư hỏng nặng, ngay hiện tại bây giờ những thân lúa giường như đã bốc mùi khó chịu.”
Qúa bức xúc anh Hai, ở thôn 9, xã Ngọc Lĩnh nhổ một cây lúa bị ngập lũn lên than thở; “Khổ quá, xót xa, đau đớn quá anh à! Chưa có năm nào tôi thấy bị ngập lâu như đợt này! Lượng mưa đâu phải là lớn đâu, năm nay gia đình tôi đã nhận làm thêm 4 sào ruộng để cày cấy, chắc bị như thế này thì năm nay mất trắng anh à!...”
Vì đâu dòng chảy bị ách tắc khiến người dân bức xúc?
Tìm hiểu về nguyên nhân bị ngập úng, theo một số người dân địa phương cho biết, dòng sông kênh Than không thể tiêu thoát nước được do một đơn vị thi công đắp bờ để thực hiện xây dựng đê kè sông. Khi có mưa, bão thì lại không múc bờ đất đắp lên gây hậu quả nghiêm trọng cho cây lúa của bà con nhân dân.
Anh D, một người dân ở thôn 13, xã Ngọc Lĩnh cho biết, “Hiện tại con sông Kênh Than đang do đơn vị công ty xây dựng Thành Nam nhận thi công. Trong quá trình thi công đơn vị đã tiến hành đắp 8 bờ chắn ngang sông để thi công nhưng khi sắp có bão lũ thì đơn vị lại không múc lên để khơi thông dòng chảy, khiến dòng nước bị ùn ứ làm nhiều diện tích lúa và hoa màu của bà con bị ngâm nước đến gần một tuần, nhiều diện tích lúa đã có mùi khó chịu do ngâm nước quá lâu.
Sau khi bị ngập úng nhiều ngày chúng tôi không thấy chính quyền xuống xem xét nên mọi người dân trong thôn đã có kiến nghị lên xã, sau đó xã có ý kiến vào huyện và đơn vị thi công mới chịu đem máy múc từ Vĩnh Lộc về múc các bờ đắp lên để khơi thông dòng chảy. So với mọi lần thì dòng nước rút vẫn chậm, khiến nhiều diện tích lúa đã và đang trỗ bông bị hư hỏng nặng.”
Theo ông Đậu Văn Bình, trưởng thôn 8, xã Ngọc Lĩnh, Tĩnh Gia, Thanh Hóa cho biết; “Cả xã có 120 ha, riêng thôn 8 có 30ha bị ngập úng. Cả thôn có khoảng 200 hộ dân, nghề chính chủ yếu làm nông nghiệp. Nhiều diên tích lúa năm nay có khả năng sẽ mất trắng do lượng nước bị ngâm trong lúa quá lâu. Trước đó trong tháng 2 và tháng 3, một số hộ dân trong thôn cũng đã từng bị ngập một số diện tích cây thuốc lào, khiến nhiều diện tích thuốc lào bị chết trắng.
Hiện số diện tích thuốc lào bị ngập chết cũng chưa có một cơ quan nhà nước nào hỗ trợ bà con phân giống cây. Như mọi năm về trước dòng nước lũ nơi đây chỉ tiêu thoát trong vòng 1 đến 2 ngày là cạn nhưng trong đợt bão vừa rồi dòng nước rút chậm, ngập úng đến cả tuần khiến hàng trăm ha luá có hiện tượng lũn nặng”
Được biết công trình dự án sông kênh than được khởi công từ tháng 1, năm 2011, theo như tiến độ cho đến nay tiến độ của công trình cải tạo, nạo vét sông Kênh Than vẫn còn chậm chạp. Bên cạnh đó trong khi thi công công trình các nhà thi công lại làm việc một cách cẩu thả, thiếu trách nhiệm. Sau khi đắp bờ ngang sông để xây dựng kênh đê lại không múc đất khơi thông dòng chảy cho bà con nhân dân. Khi có mưa, bão đến lượng nước dồn về từ trên các xã như Anh Sơn, Các Sơn, Hùng Sơn,… với lượng nước quá lớn khiến dòng chảy tiêu thoát không kịp.
Không chỉ một số diện tích lúa ở xã Ngọc Lĩnh bị ngập úng mà một số diện tích lúa ở xã Thanh Sơn cũng bị ngập úng nặng như đồng Đập Gỗ,...
Theo anh H, từ cầu Đáy vào đến xã Ngọc Lĩnh bị chắn khoảng 4 bờ chắn ngang qua sông. Từ cầu Đáy trở ra cầu Ghép bị chắn bởi 4 bờ chăn ngangqua sông. Điều đó khiến dòng nước tiêu thoát không kịp. Khi mọi người dân kêu ca lên chính quyền thì họ mới có biện pháp can thiệp. Hôm 10/8 đã có một máy múc tiến hành múc các bờ đắp ngang nhưng lượng nước tiêu thoát vẫn chậm chạp,…”
Ông Lường Đình Đạo (Chủ tịch UBND xã Ngọc Lĩnh) cho biết; “Sự việc hơn 120 ha lúa của bà con bị ngập úng nhiều ngày nay là có thật. Chính quyền xã đã nhiều lần kiến nghị với nhà thầu yêu cầu họ xử lý tình trạng ứ đọng nước nhưng họ vẫn bỏ ngoài tai. Mãi đến khi nhờ huyện can thiệp lúc ấy nhà thầu mới điều được một chiếc máy múc về xử lý nhưng cách họ làm cũng theo kiểu được chăng hay chớ. Tôi thấy dự án này đúng là “lợi bất cập hại””.
Theo tính toán của ông Đạo, nếu diện tích lúa bị ngập mất trắng đồng nghĩa với việc Ngọc Lĩnh thâm hụt hơn 600 tấn lương thực, năm tới nông dân sẽ vô cùng khó khăn.
“Chúng tôi đề nghị nhà thầu kịp thời xử lý dứt điểm tình trạng ngập úng trên mong sao cứu vãn được tình thế” ông Đạo nhấn mạnh thêm.
Trước tình trạng trên mong các cấp chính quyền, nhà thầu cần có biện pháp xử lý, đẩy nhanh tiến độ thi công để đảm bảo cho dòng nước trên sông tiêu thoát tốt giúp diện tích lúa của bà con nhân dân không còn bị ngập úng kéo dài.
Chí Hữu