Hành động để không còn người nhiễm HIV mới

03/11/2013 11:22
THANH MAI/Nhân Dân
(GDVN) - Thời gian qua, với sự chỉ đạo quyết liệt của Đảng và Chính phủ và sự vào cuộc của các ngành có liên quan trong việc thực hiện các giải pháp nhằm tiến tới nỗ lực chấm dứt không còn người nhiễm HIV mới, tử vong do AIDS... dịch HIV/AIDS đã có xu hướng giảm cả về số người nhiễm và tử vong. Tuy nhiên, công tác phòng, chống HIV/AIDS vẫn chưa bảo đảm tính bền vững, dịch HIV/AIDS vẫn tiềm ẩn những nguy cơ bùng phát trở lại.

Nỗ lực giảm tỷ lệ lây nhiễm HIV Theo TS Phạm Đức Mạnh, Phó Cục trưởng Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế): Tháng hành động năm nay tiếp tục có chủ đề: "Hướng tới không còn người nhiễm mới HIV". Đây là một trong ba chủ đề hướng tới mục tiêu ba không: "không còn người nhiễm mới HIV, không còn người tử vong do AIDS và không còn kỳ thị, phân biệt đối xử liên quan đến HIV/AIDS" của chiến dịch phòng, chống AIDS toàn cầu giai đoạn 2011-2015. Nhằm đạt mục tiêu này, nước ta đã có nhiều nỗ lực trong việc đầu tư nguồn lực, nhân lực và triển khai các hoạt động trong phòng, chống HIV/AIDS và đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.

Các đồng đẳng viên xã Chế Cu Nha, huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) tuyên truyền các kiến thức phòng, chống HIV/AIDS
Các đồng đẳng viên xã Chế Cu Nha, huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) tuyên truyền các kiến thức phòng, chống HIV/AIDS

Thực hiện thành công mục tiêu Chiến lược quốc gia khống chế tỷ lệ nhiễm HIV ở mức dưới 0,3% số dân và những cam kết quốc tế trong thực hiện các Mục tiêu thiên niên kỷ. Tính đến tháng 9-2013, số ca nhiễm HIV ở nước ta giảm 22% so với cùng kỳ năm trước; tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm người nghiện chích ma túy giảm từ 30% (năm 2002) xuống còn 12,7% (năm 2012) và tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm người bán dâm giảm 5% (năm 2002) xuống còn 2,7% (năm 2012).

Bên cạnh đó, tỷ lệ người bệnh còn sống và tiếp tục điều trị sau 12 tháng đạt hơn 82% (năm 2012). Theo ước tính, có hơn 21 nghìn người được cứu sống nhờ chương trình điều trị bằng thuốc kháng vi-rút (ARV).

Không thể phủ nhận, công tác phòng, chống HIV/AIDS trong thời gian qua đạt được một số kết quả đáng khích lệ. Theo đó, công tác tuyên truyền, chăm sóc, điều trị, hỗ trợ cho người nhiễm HIV đã được nâng cao; thái độ, hành vi của cộng đồng về phòng, chống HIV/AIDS đã có sự thay đổi, người nhiễm HIV/AIDS được điều trị toàn diện, hỗ trợ tinh thần hòa nhập cộng đồng. Trong hoạt động cung cấp các dịch vụ tư vấn, xét nghiệm HIV, nhất là cho phụ nữ mang thai được đánh giá đạt kết quả tốt nhất. Tỷ lệ phụ nữ mang thai được xét nghiệm HIV tăng cao; khoảng 49% số phụ nữ nằm trong nhóm nguy cơ được điều trị dự phòng lây truyền HIV sang con. Từ năm 2008 đến nay, số người tham gia xét nghiệm HIV và biết tình trạng nhiễm của mình trong nhóm người tiêm chích ma túy đã tăng từ 11 lên 18%. Bên cạnh đó, Việt Nam là một trong những quốc gia đi đầu trong việc cung cấp bơm kim tiêm sạch cho những người tiêm chích ma túy. Số phòng khám Methadone đã tăng, từ bốn phòng tại hai tỉnh (năm 2009) lên 43 phòng khám tại 11 tỉnh, thành phố.

Những mục tiêu cần hướng tới Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả đã đạt được, công tác phòng, chống HIV/AIDS còn nhiều hạn chế, bất cập.

Đó là tình trạng phân biệt đối xử, kỳ thị đối với người nhiễm HIV/AIDS vẫn còn cao, đây là rào cản làm ảnh hưởng đáng kể khả năng tiếp cận với dịch vụ điều trị của người nhiễm HIV.

Đáng chú ý, mới có 50% số các cơ sở điều trị đáp ứng được các điều kiện khám, chữa bệnh cho người nhiễm HIV, cho nên đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc cung cấp dịch vụ khám, chữa bệnh cho nhóm đối tượng này qua hệ thống bảo hiểm y tế. Đặc biệt, trong bối cảnh các nguồn viện trợ cung cấp dịch vụ cho điều trị HIV đang bị cắt giảm, thì việc cung cấp dịch vụ qua hệ thống bảo hiểm y tế được xem như là nguồn chính, nhằm duy trì sự bền vững của công tác điều trị HIV/AIDS. Nhưng hiện nay cả nước mới có 308 cơ sở điều trị HIV/AIDS, trong đó có 162 cơ sở thuộc tuyến huyện. Như vậy, mới có 25% số huyện cung cấp dịch vụ điều trị ARV.

Dịch vụ dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con cũng mới thực hiện được ở 227 cơ sở, trong đó có 133 cơ sở thuộc tuyến huyện (chiếm 20% số huyện). Mức độ tiếp cận với các chương trình phòng, chống HIV còn hạn chế, chương trình phát bơm kim tiêm sạch mới đạt từ 50 đến 60% số người nghiện chích ma túy; mới có 43 cơ sở điều trị Methadone với 9.572 người được tiếp cận dịch vụ này.

Hiện nay, thách thức, khó khăn lớn nhất của nước ta là kinh phí triển khai cho chương trình phòng, chống HIV/AIDS khi mà thời gian tới, các nguồn kinh phí của các tổ chức quốc tế (chiếm 70% tổng nguồn kinh phí cho hoạt động này) sẽ bị cắt giảm. Do đó cần có các giải pháp huy động nguồn lực bảo đảm tính bền vững của chương trình. Bên cạnh đó, hoạt động phòng, chống HIV/AIDS đang thiếu hụt nghiêm trọng đội ngũ cán bộ tại tất cả các tuyến. Sự thiếu hụt nhân lực là rào cản cho việc mở rộng chương trình điều trị và công tác can thiệp giảm tác hại. Trong khi đó, tỷ lệ người nhiễm HIV được phát hiện lây qua đường tình dục, đường máu ngày càng gia tăng, nổi lên ở một số khu vực miền núi như Nghệ An, Thanh Hóa, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La...

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, mặc dù dịch đã được kiểm soát, số người nhiễm mới HIV đã giảm liên tục trong vòng bốn năm trở lại đây, nhưng vẫn tiếp tục lây lan.

Cho nên, để đối phó với dịch HIV trong thời gian tới, cần tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền và các ngành, đoàn thể có liên quan. Đồng thời tăng cường phối hợp liên ngành, huy động cộng đồng và người nhiễm cùng tham gia công tác này. Đối với các hoạt động: thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống HIV/AIDS; can thiệp giảm tác hại dự phòng lây nhiễm HIV cho nhóm người dễ bị lây nhiễm HIV; Các dịch vụ tư vấn, xét nghiệm HIV và chăm sóc, điều trị người nhiễm HIV, điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone... cần tiếp tục đổi mới, mở rộng và nâng cao chất lượng.

Huy động tổng lực các nguồn lực của trung ương, địa phương, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trong, ngoài nước và của nhân dân; tăng cường năng lực cho hệ thống HIV/AIDS và thiết lập hệ thống cung ứng thuốc, sinh phẩm bền vững cho hệ thống phòng, chống HIV/AIDS. Đề nghị UBND các tỉnh, thành phố phải đưa mục tiêu phòng, chống HIV/AIDS vào mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế -xã hội của địa phương; tăng đầu tư ngân sách địa phương để thực hiện chế độ phụ cấp cán bộ chuyên trách, nhân viên tiếp cận cộng đồng tham gia công tác phòng, chống HIV/AIDS theo hướng dẫn của Bộ Y tế; lồng ghép điều phối sử dụng có hiệu quả nguồn lực phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn; Chủ động chuẩn bị kế hoạch tiếp nhận, chuyển giao các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS từ các nhà tài trợ để bảo đảm duy trì hoạt động các chương trình phòng, chống HIV/AIDS sau khi các dự án cắt giảm kinh phí.

Cục Phòng, chống HIV/AIDS cho biết, hiện 100% số tỉnh, thành phố, 98% số quận, huyện và 78% số xã, phường đã phát hiện có người nhiễm HIV. Tính đến 30-6-2013, số trường hợp nhiễm HIV hiện còn sống được báo cáo ở nước ta là 214.795 và 65.401 trường hợp tử vong do AIDS. Dịch HIV vẫn đang tiếp tục lan rộng ra các địa bàn trên toàn quốc và có đến gần 80% số người nhiễm HIV/AIDS tập trung ở nhóm tuổi từ 20 đến 39. Dịch tập trung nhiều ở một số khu vực miền núi như Nghệ An, Thanh Hóa, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La...
THANH MAI/Nhân Dân