Hãy sống xứng đáng với tiền nhân

30/04/2019 07:25
NHẬT DUY
(GDVN) - Để đến được với ngày 30/4/1975 là một chặng đường gian khổ trường kỳ của cả dân tộc. Hàng triệu người Việt ở cả 2 chiến tuyến đã ngã xuống...

Ngày 30/4/1975 đất nước thống nhất, kết thúc cảnh Bắc- Nam chia cắt hàng mấy chục năm trời.

Để đến được với ngày 30/4/1975 là một chặng đường gian khổ trường kỳ của cả dân tộc.

Hàng triệu người Việt Nam ở cả 2 chiến tuyến đã ngã xuống hoặc mang thương tật suốt đời.

Ngày đất nước thống nhất đã mở ra một trang sử mới cho dân tộc. Tuy nhiên, chiến công nào cũng phải đổ mồ hôi và nước mắt, nhất là con đường đến được Dinh Độc Lập hun hút dài hơn hai mươi năm trời.

Có biết bao nhiêu những người con ưu tú của chúng ta đã nằm lại, đã hòa máu xương của mình vào lòng đất mẹ vinh quang.

Xe tăng của lực lượng giải phóng tiến vào Dinh Độc Lập ngày 30/4/1975 ( Ảnh: Francoise de Mulder)
Xe tăng của lực lượng giải phóng tiến vào Dinh Độc Lập ngày 30/4/1975 ( Ảnh: Francoise de Mulder)

Trong số những người đã ngã xuống và cả những người may mắn được trở về lúc bấy giờ có lẽ không ai tiếc máu xương và tuổi thanh xuân của mình cho dân tộc.

Bởi, tinh thần “quyết tử cho tổ quốc quyết sinh” đã là tinh thần chủ đạo từ những ngày đầu khi nước nhà giành được độc lập.

Tinh thần ấy còn được thể hiện rõ qua lời kêu gọi của Hồ Chí Minh năm 1966: “Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa, Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, xí nghiệp có thể bị tàn phá, song nhân dân Việt Nam quyết không sợ!

Không có gì quý hơn độc lập, tự do. Đến ngày thắng lợi, nhân dân ta sẽ xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn!”.

Chính từ những lời kêu gọi non sông như vậy, hàng triệu thanh niên Việt Nam lúc bấy giờ đã nô nức ra trận để tiến vào Nam.

Trong số đó, có người là nông dân, có người là công nhân các nhà máy, có người là trí thức, là sinh viên các trường đại học. Thậm chí nhiều học sinh phổ thông cũng xung phong ra trận.

Những người ra trận lúc bấy giờ không kể gái trai, không kể người miền xuôi, miền ngược hay xuất thân nơi phố phường.

Hãy sống xứng đáng với tiền nhân  ảnh 2Bom đạn, chất độc hoá học không ngăn được bước chân người lính

Có người được trực tiếp cầm súng ở trường miền Nam, có người ở lại miền Bắc bảo vệ quê hương, có người vào Trường Sơn mở đường, vận chuyển quân trang, quân dụng vào chiến trường.

Những đoàn tàu không số cũng ngược xuôi vào Nam, ra Bắc suốt hàng chục năm trời.

Chính tinh thần ra trận như vậy đã trở thành hào khí chung cho cả dân tộc lúc bấy giờ. Muôn người như một cùng thi nhau chiến đấu, sản xuất để lập chiến công. Vì thế, cuộc kháng chiến thành công, non sông thu về một mối là điều ắt phải đến.

Bởi, một lẽ giản đơn là cha ông chúng ta sẵn sàng hy sinh tất cả để non sông thu về một mối, người dân được sống trong hòa bình, cùng chung tay xây dựng cho một đất nước Việt Nam phát triển, cường thịnh đến muôn sau.

Ngày nay, bên cạnh những cán bộ, đảng viên một lòng vì dân, vì nước, vì quê hương thân yêu của mình vẫn đan xen một số cán bộ tha hóa, biến chất, gây ra những bất bình cho người dân mỗi khi báo chí nhắc tới.

Có những lãnh đạo các tập đoàn, các doanh nghiệp nhà nước vẫn lợi dụng vị trí, chức trách của mình để trục lợi cho bản thân, gia đình. Những dự án làm thất thoát trăm tỉ, ngàn tỉ vẫn xảy ra trong thời gian qua.

Cuộc chiến thời bình dù không có tiếng súng nhưng cũng không kém phần cam go, khốc liệt. Nhiều cán bộ đứng đầu địa phương, đầu Bộ bị kỷ luật, thậm chí bị khởi tố, bắt giam.

Một số cán bộ cao cấp ngành công an đã bị mua chuộc trước những món tiền hậu hĩnh mà kẻ phạm tội dâng nạp cho mình. Vì thế, chỉ trong một thời gian rất ngắn mà một số tướng lĩnh công an bị khởi tố và đứng trước vành móng ngựa.

Tư tưởng “một người làm quan cả họ được nhờ” đâu đó vẫn cứ xảy ra. Địa phương này giải quyết chưa xong lại thấy địa phương khác xuất hiện.

Hãy sống xứng đáng với tiền nhân  ảnh 3Những sự kiện không thể lãng quên trên đường Trường Sơn lịch sử

Một số lãnh đạo trẻ của địa phương được hy vọng lại khiến dư luận thất vọng tức thì khi làm những điều sai trái với nhiệm vụ, chức trách của mình.

Chuyện chạy điểm ở Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình đang khiến cho dư luận bất bình suốt gần cả một năm qua. Đặc biệt là từ khi cơ quan điều tra cung cấp danh sách thí sinh được sửa điểm.

Trong số những thí sinh được xác định là được sửa và nâng khống điểm lại có nhiều em là con một số quan chức của 3 tỉnh này.

Chính một số lãnh đạo của các địa phương Sơn La, Hòa Bình, Hà Giang đã nêu một tấm gương cực xấu trước nhân dân. Họ đã làm hoen ố hình ảnh người lãnh đạo cách mạng, người đảng viên chân chính.

Trong số đó có cả Bí thư tỉnh ủy, Phó Chủ tịch tỉnh, nhiều Giám đốc Sở, Phó Chủ tịch huyện, thành phố…có con hoặc cháu đã được sửa và nâng khống điểm thi để vào đại học.

Rõ ràng, chúng ta đã thấy một số cán bộ, lãnh đạo Bộ, ngành, địa phương đang đi “lạc đường” mà làm những điều sai trái, có hại cho dân, cho nước. Từ đó, có nhiều thế lực bên ngoài lợi dụng xuyên tạc uy tín của lãnh đạo, của sự nghiệp đổi mới dân tộc.

Chính những cán bộ đang đi sai đường mà tiền nhân đã chọn, đã hy sinh máu xương để đổi lấy nền độc lập cho nước nhà. Họ đã làm ảnh hưởng đến những cán bộ, đảng viên, người dân chân chính đang hàng ngày, hàng giờ cống hiến cho sự nghiệp chung của dân tộc.

Những cán bộ như thế, liệu có xấu hổ với tiền nhân hay không? Có xứng đáng là “người lãnh đạo, người đầy tớ trung thành” của nhân dân nữa hay không?

Hãy sống xứng đáng với tiền nhân, với những người đã ngã xuống vì nền độc lập của dân tộc hôm nay để không phải hổ thẹn với lòng mình, với cha ông thuở trước.

NHẬT DUY