Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Quốc Vượng đã ký ban hành văn bản số 04-HD/UBKTTW hướng dẫn thực hiện một số điều trong Quy định số 102-QĐ/TW, ngày 15/11/2017 của Bộ Chính trị về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm.
Trong đó, Điểm d, Khoản 1, Điều 13 quy định, Đảng viên thiếu trách nhiệm trong quản lý, giáo dục dẫn đến có vợ (chồng), con hoặc cấp dưới trực tiếp phạm tội cũng sẽ bị xử lý kỷ luật.
Theo đó, con của đảng viên phạm tội mà đảng viên phải chịu trách nhiệm liên đới gồm: con đẻ, con nuôi hợp pháp, con dâu, con rể cùng sống, sinh hoạt trong gia đình và trực tiếp phụ thuộc vào việc nuôi dưỡng, quản lý của đảng viên đó.
Quy định này ra đời, nhiều người hy vọng sẽ giảm được tình trạng người thân lợi dụng địa vị của chồng, cha mình đang tại vị để tổ chức làm ăn phi pháp. Doanh nghiệp sân sau do vợ con điều hành.
Ông Phan Xuân Xiểm cho biết: "Quy định vợ, chồng, con phạm tội đảng viên sẽ bị xử lý kỷ luật sẽ tránh việc đổ lỗi tôi không biết, làm ở đâu tôi không rõ nhưng có khi chính người đảng viên đó lại chỉ đạo ngầm" (Ảnh minh họa nguồn PLO). |
Ông Võ Đình Toàn (cựu chiến binh ở Ba Đình, Hà Nội) cho biết: “Với quy định này, tôi hy vọng gia đình đảng viên thực sự là gia đình gương mẫu về văn hóa, tuân thủ pháp luật.
Chứ trên thực tế, không ít gia đình bố là đảng viên nhưng con cái nghiện ngập, phạm tội. Bố mẹ quan chức nhưng con cái lêu lổng đi vào con đường tù tội.
Khi người ta nhìn vào những gia đình như vậy, họ đánh giá thấp, thậm chí xem thường những người đảng viên trong gia đình đó.
Chính vì vậy, ràng buộc trách nhiệm của đảng viên với vợ con là đúng đắn. Vợ con phạm tội thì đảng viên đó phải chịu trách nhiệm”.
Hướng dẫn thực hiện Quy định 102 về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm |
Đồng quan điểm ông Trần Huy Cường (một cán bộ về hưu ở quận Thanh Xuân, Hà Nội) cho rằng: “Chỉ có quy định như vậy thì mới chấm dứt được việc vợ con lợi dụng địa vị của chồng, cha mình để làm ăn phi pháp, nhận hối lộ, chạy chức, chạy quyền.
Không ít trường hợp chồng làm cán bộ vợ lợi dụng để trục lợi.
Hay cha làm quan chức con vi phạm pháp luật.
Đảng viên tốt trước hết phải có một gia đình gương mẫu, hạnh phúc.
Mỗi khi người thân trong gia đình đã vi phạm pháp luật thì tư cách của người đảng viên trong gia đình sẽ bị dư luận xem thường và có nói cũng chẳng ai nghe”.
Luật sư Phan Xuân Xiểm, Nguyên Hàm Vụ trưởng vụ 1, Ủy ban Kiểm tra Trung ương (ảnh Bạch Đằng). |
Cũng liên quan đến quy định mới này, ngày 9/4 trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam Luật sư Phan Xuân Xiểm, nguyên Hàm Vụ trưởng vụ 1, Ủy ban kiểm tra Trung ương cho biết: “Tôi rất tán thành với quy định mới này.
Việc quy định như vậy là để ràng buộc trách nhiệm đảng viên với gia đình, vợ con là những người sát sườn với mình.
Không có chuyện đảng viên vô can trong khi có người thân phạm tội. Tránh việc, khi bị phát hiện thì tất cả tội lỗi lại đổ cho con cái, gia đình rồi mình vô can”.
Đánh rắn phải đánh dập đầu, ta đánh tham nhũng đừng quên khúc giữa |
Quy định này ra đời theo ông Phan Xuân Xiểm: “Mỗi khi sai phạm xảy ra sẽ không thể có chuyện chỉ cần đổ lỗi cho vợ con rồi nghiễm nhiên mình vô can như trước đây.
Quy định chặt chẽ như vậy sẽ tránh được việc đổ lỗi theo kiểu "tôi không biết, làm ở đâu tôi không rõ" nhưng có khi chính người đó lại chỉ đạo ngầm”.
Qua trao đổi với vị chuyên gia này có thể hiểu việc quy định này để hạn chế việc lợi dụng bố mẹ, vợ chồng rồi tự tung tự tác, xem thường pháp luật để thu lợi bất chính.
Nêu cao trách nhiệm của đảng viên trong giám sát, giáo dục người thân tránh đi vào con đường vi phạm pháp luật.
Trên thực tế, có nhiều gia đình truyền thống cánh mạng nhưng rồi cha con, vợ chồng, anh em cùng kéo nhau cả ra tòa, cùng chịu cảnh tù tội vì phạm tội.
“Quy định như vậy rất đúng đắn. Lâu nay cũng có những quy định hết sức chặt chẽ nhưng bây giờ cần chặt chẽ hơn, ít kẻ hở tránh việc đảng viên tìm cách né tránh.
Đây là nội dung tôi cho rất quan trọng” – ông Phan Xuân Xiểm nhấn mạnh.