HH biển Nguyễn Thị Loan: Du lịch ở Sầm Sơn cảm thấy mình là "con mồi"

27/07/2012 13:00
Hương Trà (thực hiện)
(GDVN) - “Đến vùng biển mà nhiều khi đồ hải sản còn không tươi ngon. Nếu không có người chỉ dẫn hoặc ngây ngô chút là giá cả được hét lên cao hơn nhiều lần so với giá tại Hà Nội. Chưa kể thái độ phục vụ thường rất kém và nhiều lúc Loan có cảm giác mình đang là “con mồi”.
Đó là những chia sẻ rất thật của Hoa hậu biển 2010 Nguyễn Thị Loan xung quanh vấn nạn “chặt chém” và cung cách phục vụ khách du lịch thiếu thiện cảm của một bộ phận người dân làm du lịch tại Sầm Sơn những ngày gần đây.
Dành chút thời gian chia sẻ với phóng viên báo điện tử Giáo dục Việt Nam sau bộn bề công việc, Hoa hậu biển 2010 Nguyễn Thị Loan đã trải lòng về vấn nạn “chặt chém” khách du lịch tại bãi biển Sầm Sơn đang gây ồn ào trên báo chí thời gian gần đây.

Nạn “chặt chém” đã làm vẻ đẹp của biển Sầm Sơn mờ nhạt

Dù công việc trong vai trò của một hoa hậu rất bận rộn nhưng Nguyễn Thị Loan chia sẻ cô vẫn thường xuyên quan tâm và chú ý đón đọc các bài viết xung quanh nạn “chặt chém” du khách được đăng tải tải trên báo điện tử Giáo dục Việt Nam trong thời gian gần đây. Và cô Hoa hậu này cảm thấy rất vui vì ở đó cô tìm thấy được những bức xúc và cảm nhận của mình từ lâu lại được đề cập đến một cách rõ ràng như vậy.

Hoa hậu biển Nguyễn Thị Loan đẹp tinh khôi trong tà áo dài trắng. Ảnh: Vnexpress.
Hoa hậu biển Nguyễn Thị Loan đẹp tinh khôi trong tà áo dài trắng. Ảnh: Vnexpress.

Tham gia nhiều sự kiện và được đặt chân đến nhiều nơi trên mọi miền Tổ quốc, bàn về du lịch ở Sầm Sơn nói riêng và ngành du lịch ở nước ta nói chung, hoa hậu biển Nguyễn Thị Loan cho rằng: “Không chỉ riêng bãi biển Sầm Sơn mà tình trạng chung ở các khu du lịch miền Bắc và Trung Bộ đều xảy ra tình trạng “chặt chém” khá phổ biến. Và tất nhiên Loan cũng đã từng phải kêu trời khi thấy giá cả đắt đỏ một cách phi lý tại những nơi này trong khi dịch vụ mình nhận lại được chẳng là bao”. Cảm nhận riêng của Loan về du lịch ở Sầm Sơn là chưa hài lòng bởi: “Đến vùng biển mà nhiều khi đồ hải sản còn không tươi ngon bằng ở Hà Nội. Nếu không có người chỉ dẫn hoặc ngây ngô chút là giá cả được hét lên
hơn nhiều so với giá tại Hà Nội. Chưa kể thái độ phục vụ thường rất kém và nhiều lúc Loan có cảm giác mình đang là “con mồi”.
Theo hoa hậu biển Nguyễn Thị Loan, nạn chặt chém và nhiều tệ nạn xã hội khác có ở hầu hết các khu du lịch biển chứ không riêng gì Sầm Sơn. Bản thân là một hoa hậu, cô đã được đến nhiều địa danh du lịch nổi tiếng trên thế giới. Mặc dù nhiều bãi biển nước ngoài không có điều kiện tự nhiên đẹp như các bãi biển trong nước ví dụ bãi biển Pataya (Thái Lan) chẳng hạn. Nhưng các dịch vụ liên kết tuyệt vời và thái độ phục vụ hết sức thân thiện của những người làm du lịch tại đây lại chính là yếu tố níu chân du khách.

Tuy nhiên nhiều nơi nghỉ mát ở Việt Nam và nhất là Sầm Sơn lại không có được yếu tố đó. Hơn thế, ngược lại, nạn "chặt chém" và thái độ phục vụ của một bộ phận người làm du lịch tại đây lại là yếu tố khiến cho du khách "một đi không trở lại". 

Biển Sầm Sơn là một trong những bãi biển có điều kiện tự nhiên đẹp hàng đầu ở Việt Nam. Tuy nhiên giờ đây, vẻ đẹp trong trẻo mà nó được thiên nhiên ưu ái ban tặng đang ngày càng mờ nhạt bởi khách du lịch có lẽ chỉ còn nhìn thấy tệ nạn và sự “chặt chém” độc nhất vô nhị mà thôi.

Cách làm việc của cán bộ quản lý là không thỏa đáng

Sau khi Chủ tịch UBND thị xã Sầm Sơn trả lời phóng vấn đã phủ nhận trắng trơn những tệ nạn đang gây nhiều phẫn nộ tại bãi biển này. Hoa hậu biển Nguyễn Thị Loan cho biết: “Trong video “chặt chém” khách du lịch ở bãi biển Sầm Sơn và video phỏng vấn chủ tịch UBND thị xã Sầm Sơn gần đây mà báo đã đăng tải, Loan thấy cách làm việc của cán bộ quản lý như vậy là không thỏa đáng. Chỉ với tư cách là một bạn đọc nhưng Loan cũng đã rất bức xúc huống chi là người trong cuộc khi biết mình bị chèn ép mà lại không được người đại diện cho cơ quan quản lý bảo vệ”.
ảnh minh họa (nguồn Internet)
ảnh minh họa (nguồn Internet)

Hàng trăm ý kiến phản hồi của độc giả là hàng trăm ví dụ điển hình về dịch vụ “chặt chém” và nhiều tệ nạn khác đang hoành hành tại bãi biển Sầm Sơn. Vậy mà Chủ tịch UBND thị xã Sầm Sơn còn cho rằng lời nói của phóng viên là vô căn cứ… và phủ nhận những bằng chứng mà phóng viên nêu ra.

Theo hoa hậu Nguyễn Thị Loan, du khách trong nước thông thạo ngôn ngữ còn bị “chém đẹp” không biết kêu ai thì liệu rằng khách nước ngoài đến Việt Nam du lịch còn cảm nhận được những gì?

Vì tương lai phát triển của ngành du lịch Sầm Sơn, Thanh Hóa nói riêng và của ngành du lịch Việt Nam nói chung, hoa hậu Nguyễn Thị Loan cho rằng, việc chấn chỉnh, đấu tranh kiên quyết đẩy lùi tệ nạn là việc cần thiết và phải làm ngay tại các khu du lịch. Bên cạnh việc thống nhất hướng đi chung trong việc khai thác nguồn lực tự nhiên, xử lý nghiêm các sai phạm thì: “Rất cần có sự tuyên truyền, hướng dẫn của chính quyền tới người dân về ý thức, thái độ trong hoạt động du lịch để mọi người hiểu rõ và có những hành động chung hướng tới giá trị  bền vững và minh bạch cho ngành du lịch trong tương lai”…

Mong rằng lãnh đạo Sầm Sơn hãy công bằng đánh giá, nhìn nhận là lắng nghe những góp ý độc giả để sớm có những giải pháp hữu hiệu lấy lại hình ảnh đẹp của một khu du lịch tự nhiên trong lòng du khách!
Mời độc giả đóng góp, cho ý kiến và gửi những bài viết, những hình ảnh, đoạn video về những dịch vụ và văn hóa ứng xử, nạn chặt chém trên cả nước theo địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn hoặc có thể BẤM VÀO ĐÂY
Hương Trà (thực hiện)