Hiện trạng khu vực trường học thực hiện thí điểm giải pháp đảm bảo ATGT ra sao?

28/07/2024 06:44
Bài, ảnh: Trung Dũng
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Kết quả khảo sát cho thấy, tốc độ của phương tiện khi đi qua các cổng trường học được thí điểm đã giảm, không còn xảy ra các vụ va chạm giao thông.

Trong khuôn khổ Dự án sáng kiến Bloomberg Philanthropies vì an toàn giao thông đường bộ toàn cầu giai đoạn 2021-2025, Sở Giao thông vận tải Hà Nội đã phối hợp với các tổ chức quốc tế, thí điểm các giải pháp bảo đảm an toàn giao thông trước cổng cụm trường học Xuân Đỉnh, Trường Tiểu học Nguyễn Du và cụm trường học Sài Sơn.

Cụ thể, sẽ làm lối đi bộ nổi cho học sinh sang đường có kết cấu bằng bê tông nhựa (atphalt), chiều cao 9cm, được kẻ bằng sơn dẻo nhiệt màu trắng - vàng, có phản quang để tăng khả năng nhận diện. Đồng thời sắp xếp lại vị trí đỗ xe cho phụ huynh, lòng đường được thu hẹp bằng các cọc tiêu trụ dẻo. Tại một số khu vực có thể cắm biển hạn chế tốc độ, hạn chế phương tiện trong giờ cao điểm. Thời gian thi công bắt đầu từ ngày 2/12/2023.

Qua thời gian thực hiện thí điểm, các giải pháp được triển khai dưới sự hỗ trợ kỹ thuật của các chuyên gia Tổ chức Sáng kiến thiết kế thành phố toàn cầu (GDCI). Dự án đã thực hiện đồng bộ các biện pháp để giảm tốc độ của phương tiện khi qua khu vực trường học. Không chỉ phụ huynh mà cả những người tham gia giao thông đều ủng hộ mô hình này. (1)

Theo kết quả khảo sát của Sở Giao thông vận tải thành phố Hà Nội, qua khảo sát bằng hình ảnh, phim, phiếu khảo sát, điều tra. Kết quả khảo sát cho thấy, tốc độ của phương tiện khi đi qua các cổng trường học được thí điểm đã giảm, không còn xảy ra các vụ va chạm giao thông tại các khu vực này.

Tại Cụm trường Sài Sơn - Quốc Oai

Thống kế cho thấy, tốc độ chung của phương tiện đã giảm, sau khi thí điểm không có các va chạm tại khu vực trường học. Tỉ lệ học sinh sử dụng các giải pháp an toàn của dự án tăng 18% (kết quả phỏng vấn trực tiếp 60 người).

GDVN_19.JPG
Khu vực thực hiện thí điểm tại cổng Trường Mầm non Sài Sơn, huyện Quốc Oai

Bên cạnh đó, số người chọn đi xe đạp đến khu vực này tăng 5%, và có tiềm năng còn tăng thêm 4% trong tương lai sẽ lựa chọn xe đạp để đi lại hàng ngày (kết quả phỏng vấn trực tiếp 60 người). Số người được hỏi cảm nhận tuyến phố sau khi được đã an toàn hơn nhiều tăng 27%.

Ngoài ra, số người được hỏi thấy khu phố an toàn hơn cho trẻ em tăng 18% và số phụ huynh thấy yên tâm hơn khi cho con cái mình tự đi bộ hoặc đi xe đạp đến trường tăng 16% (kết quả phỏng vấn trực tiếp 60 người). Số người được hỏi cảm thấy đường phố rất an toàn sau khi can thiệp tăng 49%. (kết quả phỏng vấn trực tiếp 60 người).

Cũng theo thống kê của Sở Giao thông vận tải Hà Nội, dự án đã góp phần tăng 4.5% tỉ lệ sử dụng xe đạp và giảm 5.5% việc sử dụng xe máy ở khu vực này. Qua đó đã giảm 43.4% số lượng người đi bộ đi dưới lòng đường. Tăng 31.6% số lượng người đi bộ ở bên trong vạch kẻ qua đường.

Tại Trường Tiểu học Nguyễn Du - quận Hà Đông

Kết quả khảo sát của Sở Giao thông vận tải Hà Nội cho thấy, tốc độ chung của phương tiện đã giảm, sau khi thí điểm không có các va chạm tại khu vực trường học.

Bên cạnh đó, Sở này cũng ghi nhận số lượng học sinh sử dụng hè phố tăng thêm 41% so với trước khi can thiệp (kết quả phỏng vấn trực tiếp 60 người). Số người chọn đi xe đạp để đến khu vực này tăng thêm 18.9%.

GDVN_18.JPG
Khu vực thực hiện dự án tại cổng Trường Tiểu học Nguyễn Du, quận Hà Đông

Ngoài ra số người sử dụng xe đạp để đi lại hàng ngày qua tuyến đường này hàng ngày đã tăng một cách đáng kể là 20.6% (kết quả phỏng vấn trực tiếp 60 người). Dự án đã thu hút được số người đến khu vực trường tăng thêm 31.1% (kết quả phỏng vấn trực tiếp 60 người).

Đồng thời, số người được hỏi cảm thấy rất an toàn sau khi cải tạo tăng thêm 49%. Trong 86,7% người được hỏi cảm nhận đường phố đã an toàn hơn nhiều đối với trẻ em, nêu bật sự thành công của các biện pháp an toàn được thực hiện trong dự án (kết quả phỏng vấn trực tiếp 60 người).

Bên cạnh đó, 70.6% số phụ huynh được hỏi cho biết họ cảm thấy yên tâm hơn khi cho con tự đi bộ hoặc đi xe đạp đến trường, cho thấy mức độ tin tưởng của phụ huynh đối với sự an toàn của môi trường được thiết kế lại (kết quả phỏng vấn trực tiếp 60 người). Số người đi bộ dưới lòng đường giảm 5.3%, và số người băng qua đường không đúng nơi quy định (ngoài vạch sang đường cho người đi bộ) giảm 14.5%.

Những thay đổi này cho thấy tác động tích cực của việc thiết kế lại đối với hành vi của người đi bộ, thúc đẩy sự di chuyển an toàn hơn và có nguyên tắc hơn.

Tại Cụm trường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm

Kết quả khảo sát của Sở Giao thông vận tải Hà Nội cho thấy, tỷ lệ học sinh sử dụng đường phố tăng 22%, từ đó thể hiện việc thiết kế lại đã thành công trong việc làm cho khu vực này dễ tiếp cận hơn với học sinh. Đồng thời, đã có sự thay đổi đáng kể hướng tới các phương thức giao thông bền vững, với tỷ lệ đi xe đạp tăng 25% và tỷ lệ đi bộ tăng 14%.

Ngoài ra, các can thiệp đã làm tăng đáng kể 51,5% số người được hỏi cảm thấy rất an toàn khi đi qua đoạn đường này. Ngoài ra, số người được hỏi cho rằng đường phố rất an toàn đối với trẻ em tăng thêm 47,5%, cho thấy nhận thức về an toàn của các phụ huynh học sinh đã cải thiện đáng kể (kết quả phỏng vấn trực tiếp 165 người).

GDVN_17.JPG
Khu vực thực hiện thí điểm trước cổng Trường THPT Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm

Bên cạnh đó, kết quả khảo sát phỏng vấn trực tiếp cho thấy mức độ tự tin của phụ huynh đã tăng lên đáng kể, với 36,4% số người được hỏi hoàn toàn đồng ý và 19,3% số người được hỏi cảm thấy yên tâm khi cho con họ tự đi bộ hoặc đạp xe đến trường (kết quả phỏng vấn trực tiếp 165 người).

Số người cảm thấy đường phố sau can thiệp rất thu hút tăng 52,9% (kết quả phỏng vấn trực tiếp 165 người). Giảm 10,4% người đi bộ dưới lòng đường. Tăng 51,5 % lượng người đi bộ đi bên trong vạch kẻ qua đường. (2)

Một số hình ảnh ghi nhận của phóng viên về hiện trạng việc thực hiện thí điểm tại các khu vực trường học:

GDVN_1.jpg
Rào chắn được bố trí trước cổng Trường Tiểu học Xuân Đỉnh
GDVN_2.jpg
Một biển cấm đỗ ô tô trước cổng trường
GDVN_3.jpg
Rào chắn phân chia 2 chiều lưu thông tránh xung đột trước cổng Trường Tiểu học Xuân Đỉnh
GDVN_4.jpg
Gờ chắn giảm tốc được lắp đặt cố định
GDVN_6.jpg
Gờ giảm tốc kiêm lối đi bộ nổi sang đường cho học sinh, một yêu cầu đặt ra trong dự án
GDVN_7.jpg
Biển quy định nơi đỗ xe dành cho phụ huynh đưa đón con
GDVN_8.jpg
Bổ sung lối đi bộ bằng hàng cọc tiêu trụ dẻo có phản quang gắn dưới lòng đường tại cổng Trường THPT Xuân Đỉnh
GDVN_10.jpg
Hiện trạng trước cổng Trường Tiểu học Nguyễn Du
GDVN_11.jpg
Kết hợp giữa cọc tiêu dẻo sơn phản quang với gờ giảm tốc có lối sang đường nổi cho học sinh
GDVN_12.jpg
Các cọc tiêu được bắt cố định nhưng có thể tháo rời để bỏ đi hoặc di chuyển đến vị trí hợp lý
GDVN_13.jpg
Các hạng mục cơ bản trong dự án thí điểm là: Cắm biển hạn chế tốc độ không quá 30km/h; Thiết lập lối đi bằng cọc tiêu dẻo sơn phản quang và lối đi bộ sang đường nổi cao
GDVN_14.jpg
Hiện trạng trước cổng Trường THCS Sài Sơn
GDVN_15.jpg
Chỉ dẫn phương tiện ưu tiên trong khu vực được thiết lập phân cách bằng trụ dẻo
GDVN_16.jpg
Lối sang đường nổi cao trước cổng Trường Mầm non Sài Sơn

Tư liệu tham khảo:

(1) https://vovgiaothong.vn/newsaudio/ha-noi-thi-diem-mo-hinh-cong-truong-an-toan-d36963.html

(2) https://sogtvt.hanoi.gov.vn/vi/tin-tuc-noi-bat1/-/view_content/5607194-thi-diem-cac-giai-phap-dam-bao-an-toan-giao-thong-khu-vuc-truong-hoc-nhung-ket-qua-tich-cuc-ban-dau.html

Bài, ảnh: Trung Dũng