Ngày 31/1/2018, tại Trung tâm hội nghị quốc tế (Hà Nội), Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam đã tổ chức Hội nghị ban chấp hành Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam lần thứ II (khóa III, nhiệm kỳ 2016-2021).
Hội nghị ban chấp hành Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam lần thứ II (khóa III, nhiệm kỳ 2016-2021) Ảnh: An Nhiên. |
Tới tham dự buổi lễ có ông Nguyễn Văn Thân - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam; ông Tô Hoài Nam - Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, cùng đông đảo các đại biểu của hiệp hội tới tham dự.
Đại biểu phát biểu ý kiến tại Hội nghị ban chấp hành Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam lần thứ II (Ảnh: An Nhiên). |
Nhằm đánh giá tình hình thực hiện công tác năm 2017, xây dựng Kế hoạch thực hiện năm 2018, ngày 17/11/2017, Thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam đã ban hành văn bản số 396/CV-TWHH về việc “Tổng hợp tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2017 và xây dựng Kế hoạch năm 2018” gửi Thường trực Hiệp hội/Hội doanh nghiệp các Tỉnh/Thành phố trực thuộc Trung ương và các Đơn vị trực thuộc.
Trên cơ sở các báo cáo đã nhận được và qua quá trình tổng hợp tình hình triển khai thực hiện nhiệm vụ của Văn phòng Trung ương Hội, Ban Thường vụ Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (Khóa III) đã xây dựng Báo cáo tổng kết công tác năm 2017 và Kế hoạch thực hiện nhiệm vụ năm 2018.
Ngoài những nhiệm vụ trọng tâm, Hiệp hội Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cũng đặt ra một số kiến nghị, đề xuất. Theo đó, Hiệp hội kiến nghị tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh.
Với Quốc Hội
Sớm thông qua Luật tổ chức và quản lý Hội (Luật Hội) để tạo điều kiện cho các Tổ chức hội phát triển và qua đó tăng cường sự quản lý của Nhà nước.
Sớm điều chỉnh Luật Thuế (Trong đó có Luật Thuế Giá trị gia tăng - VAT và Thuế Thu nhập Doanh nghiệp), theo hướng giảm, cụ thể là:
Về mức thuế suất thuế VAT, theo dự kiến tại khoản 4, Điều 1 của dự thảo Luật này, thì thuế xuất thuế VAT tăng lên mức 6% (so với mức 5% được quy định tại khoản 2, Điều 8, Luật số 13/2008/QH12 ) và tại khoản 5 dự kiến tăng lên 12% (so với mức 10% được quy định tại khoản 3, Điều 8 Luật số 13/2008/QH12).
Nhận thấy do thuế VAT tăng sẽ làm cho giá cả hàng hóa (nhất là hàng tiêu dùng thiết yếu, lương thực, thực phẩm) cũng có xu hướng tăng theo, vậy chúng tôi đề nghị:
Trong bối cảnh hiện nay, nên giữ nguyên mức thuế xuất như cũ, không tăng trong 05 năm đầu (kể từ khi Luật này có hiệu lực).
Thực hiện mức tăng như đề xuất trong dự thảo (6%-12%), kể từ năm thứ 6 trở đi, lý do:
Thứ nhất, nếu thực hiện lộ trình tăng ngay, thì giá tiêu dùng tăng sẽ tác động trực tiếp đến đời sống của đa số người lao động - Đặc biệt là lao động có thu nhập thấp, do vậy sẽ ảnh hưởng đến vấn đề an sinh xã hội.
Thứ hai, trong những năm qua, hàng năm Chính phủ đều điều chỉnh tăng mức lương tối thiểu vùng cho người lao động làm việc trong các doanh nghiệp, tuy nhiên tiền lương tối thiểu vẫn chưa đáp ứng được mức sống tối thiểu.
Vì vậy, ngoài việc đảm bảo vấn đề an sinh xã hội, thì việc đảm bảo ý nghĩa của việc Chính phủ tăng lương tối thiểu hàng năm cho người lao động cũng cần phải được xem xét đến.
Về thuế thu nhập doanh nghiệp, đề nghị Bộ Tài chính xem xét để điều chỉnh, bổ sung Khoản 5, Điều 3 dự thảo Luật trên, cụ thể như sau:
“Doanh nghiệp có tổng doanh thu năm dưới ba tỷ đồng áp dụng thuế suất 15%. Riêng đối với Doanh nghiệp nhỏ và vừa, chuyển đổi từ hộ sản xuất kinh doanh sang, được áp dụng mức thuế suất 10% trong 05 năm đầu kể từ khi chuyển lên doanh nghiệp”.
Xem xét để giảm tỷ lệ đóng bảo hiểm xã hội và phí công đoàn (Hiện quy định mức đóng 34,5 /Tổng quỹ lương là cao, ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp).
Đối với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ
Sớm ban hành các văn bản dưới Luật để có thể thực hiện Luật hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa ngay từ ngày 01/01/2018 theo như Luật định.
Đề nghị Thủ tướng Chính phủ sớm phê duyệt Đề án Hỗ trợ Hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp, để Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cùng các địa phương và các đơn vị có liên quan tổ chức thực hiện.
Chỉ đạo Bộ Ngoại giao (Các Đại sứ quán) định kỳ cung cấp thông tin cho các tổ chức Hội và các doanh nghiệp trong nước (doanh nghiệp có quy mô lớn) về thị trường nước ngoài để có kế hoạch sản xuất kinh doanh.
Cho phép Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam và một số Tỉnh/Thành hội được phép thành lập Quỹ Hỗ trợ (hoặc Chi nhánh Quỹ) Doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhằm mở rộng quy mô và phạm vi hoạt động của Quỹ.
Đối với Ủy ban nhân dân các Tỉnh/Thành phố
Đề nghị quan tâm hơn nữa cho các Hiệp hội/Hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa địa phương. Nhất là xem xét, tạo điều kiện về địa điểm làm việc và hàng năm có một khoản ngân sách cho Hiệp hội/Hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa hoạt động...
Sớm điều chỉnh, bổ sung quy hoạch theo hướng có một phần diện tích đất để khuyến khích các Doanh nghiệp nhỏ và vừa đầu tư và các Hộ sản xuất kinh doanh chuyển sang hoạt động theo mô hình doanh nghiệp.
Đối với các Tỉnh/Thành hội và các đơn vị trực thuộc Trung ương Hội
Thường xuyên cập nhật thông tin và giữ mối liên hệ với Văn phòng Trung ương thông qua mạng thông tin điện tử và qua các Tạp chí để tiếp nhận và kịp thời xử lý thông tin.
Đề nghị hàng Quý; Sáu tháng, cả năm (hoặc đột xuất) có báo báo tình hình hoạt động của đơn vị (trong đó cần nêu những khó khăn vướng mắc, những kiến nghị) để Thường trực Hiệp hội xem xét giải quyết hoặc kiến nghị với các cấp có thẩm quyền xem xét giải quyết.
Trên cơ sở các Kế hoạch đã xây dựng, Ban chấp hành đề nghị các đơn vị lập Kế hoạch chi tiết gửi về Văn phòng Trung ương Hiệp hội và tổ chức thực hiện theo các chỉ tiêu đã đề ra.