Vốn là một nhân viên gác ghi đường sắt tại Ga Đông Hà, tỉnh Quảng Trị, anh Phan Văn Chiến, trú tại khu phố Tây Trì, phường 1, thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị bằng những việc làm cụ thể của mình đã tạo ra các đóng góp không nhỏ trong việc đảm bảo an toàn giao thông đường sắt trên địa bàn.
Anh Phan Chiến còn là một trong số ít nhân vật tại Quảng Trị nhận được danh hiệu “Total – Hiệp sĩ giao thông”, chương trình do Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV), Đài Tiếng nói nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh (VOH), Công ty Total Việt Nam phối hợp tổ chức.
Đây là một danh hiệu vinh dự dành cho những công dân Việt Nam có đóng góp tích cực trong công tác đảm bảo an toàn giao thông, với quy mô trên toàn quốc.
Ngoài ra, anh Chiến còn tham gia sáng tác nhiều bài hát có nội dung cổ vũ, tuyên truyền cho các hoạt động chung tay bảo vệ an toàn giao thông như "Giao thông an toàn", "Đường sắt với con tàu".
Thế nhưng, khi trò chuyện với phóng viên, anh chỉ khiêm tốn nói rằng, danh hiệu Hiệp sĩ giao thông mà anh nhận được cũng không phải là một điều gì đó xa vời. Bởi, nó xuất phát từ những việc làm thực tế, giản đơn trong cuộc sống của mỗi cá nhân. Nếu ai trong xã hội đều hướng đến những điều tốt đẹp thì hoàn toàn có thể sớm nhận được những quả ngọt.
Danh hiệu "Total - Hiệp sĩ giao thông" mà anh Chiến nhận được. Ảnh: NVCC |
Anh Chiến cho biết: “Trước đây, tình trạng ném đất đá lên đường tàu diễn ra thường xuyên, trên suốt các cung đường sắt chạy qua địa bàn tỉnh Quảng Trị.
Nhiều khách đi tàu thời điểm ấy khi đi qua khu vực Quảng Trị chứng kiến cảnh đó đều không thiện cảm, bộ mặt giao thông đường sắt qua Quảng Trị vì thế mà chịu ảnh hưởng không nhỏ.
Nhận thấy những bất cập đó, tôi quyết tâm đi vận động những hộ dân sống hai bên đường sắt, khuyên răn và không cho con cái họ ném đất đá lên đoàn tàu. Đồng thời, vận động họ không dựng bạt, hàng quán trái phép trên phạm vi an toàn đường sắt.
Sau một thời gian được tuyên truyền, vận động, có thời điểm số vụ ném đất đá lên tàu ở Quảng Trị từ 100 – 150 vụ/ năm đã giảm xuống chỉ còn 1-2 vụ/ năm.
Việc vận động ban đầu tôi chỉ làm nhỏ lẻ, đơn độc. Sau này, khi hiểu ra mục đích tốt đẹp mà tôi đang làm, mô hình này được mọi người hưởng ứng và cùng tham gia nhiều hơn.
Ban tổ chức của chương trình “Total – Hiệp sĩ giao thông” có lẽ biết đến tôi từ thời điểm đó. Tôi được biết, họ căn cứ vào số liệu của việc giảm thiểu số vụ ném đất đá lên tàu, số vụ tai nạn giảm thiểu qua một năm tại địa phương, khu vực để đánh giá tính hiệu quả của mô hình.
Sau đó, qua việc tổng kết và thấy mô hình hiệu quả, hạn chế được số vụ tai nạn tại địa bàn theo thống kế trong vòng 10 năm, họ mới phong tặng danh hiệu đó cho mình”.
Anh Chiến bày tỏ thêm rằng, những ngày đầu khi đi vận động để nâng cao ý thức cho người dân, anh đều phải làm một mình. Tranh thủ những ngày nghỉ, không kể mưa hay nắng anh đều cố gắng tiếp cận các hộ dân sống hai bên đường sắt để gặp và nói chuyện với họ ít nhất 1 lần.
Phạm vi anh chọn để tuyên truyền, vận động ban đầu chỉ là tại khu vực gần nơi anh đang sống và làm việc, sau đó mới lân la đến các khu vực xung quanh. Nơi gần, anh đi bộ, thậm chí là đi bộ đến gần chục cây số, rong ruổi theo ray đường sắt. Anh cho biết, đi như vậy để dễ định vị nhà dân. Những nơi xa hơn anh chạy xe máy, gửi ở một nhà dân đã tuyên truyền xong ở gần đó, sau lại tiếp tục đi bộ vào xa hơn đi để vận động các hộ tiếp theo.
Anh Phan Chiến là "tác giả" của mô hình "Đoạn đường ông, cháu cùng chăm" nổi tiếng tại Quảng Trị. Ảnh: Nhân vật cung cấp |
Anh Chiến tâm sự: "Có những gia đình họ hiểu ra lợi ích của công việc anh đang làm thì gật đầu ủng hộ. Tuy nhiên, cũng có những hộ dân, anh đến nhà thuyết phục đến 2 – 3 lần nhưng vẫn không thấy hiệu quả, khi ấy đành phải nhờ đến sự can thiệp của chính quyền địa phương".
Giờ đây, các hoạt động nhằm nâng cao ý thức tham gia giao thông, bảo vệ an toàn chạy tàu, an toàn đường sắt trên địa bàn đã thu thút được đông đảo mọi người tham gia.
Chia sẻ một số cách làm để việc vận động, tuyên truyền đạt hiệu quả và được nhiều người hưởng ứng như hiện nay, anh Chiến cho biết: “Để kêu gọi thêm sự chung tay của nhiều tổ chức, tôi cũng đã tìm đến Hội Cựu chiến binh của phường, đoàn thanh niên phường và các trường học trên địa bàn để nhờ họ kết nối và may mắn là tôi được các tổ chức này giúp đỡ hết sức nhiệt tình.
Đặc biệt là tôi cũng đã có buổi làm việc với Tỉnh đoàn Quảng Trị, sau khi họ nhận thấy được hiệu quả tuyên truyền từ mô hình này, Tỉnh đoàn đã hỗ trợ gửi công văn về các nhà trường khác ở khu vực xa hơn để cùng tham gia.
Từ sự hỗ trợ của Đoàn thanh niên, Hội Cựu chiến binh trong tỉnh mà những thông điệp bảo vệ an toàn hành lang được sắt nhanh chóng được lan tỏa sâu rộng hơn”.
Được biết, ngoài các hoạt động tích cực để đảm bảo an toàn đường sắt, an toàn chạy tàu và vinh dự nhận danh hiệu “Total - Hiệp sĩ giao thông”, anh Chiến còn chính là "tác giả" của mô hình “Đoạn đường ông, cháu cùng chăm” nổi tiếng ở tỉnh Quảng Trị.
Đây là mô hình thông qua việc kêu gọi 3 tổ chức gồm: Cựu chiến binh, Đoàn thanh niên và học sinh tham gia công tác tuyên truyền, vận động để tạo ra những hoạt động thiết thực nhằm bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh Quảng Trị.
Tại Quảng Trị, các đoàn thể chung tay dọn dẹp, bảo vệ hành lang an toàn đường sắt . Ảnh: NVCC |
“Ở thành phố Quảng Trị, vào mỗi buổi sáng thứ 2 hàng tuần tại mỗi trường học, các thầy cô đều thực hiện việc tuyên truyền trong vòng 5 phút để học sinh nâng cao ý thức tham gia giao thông và bảo vệ an toàn đường sắt, không tổ chức hoạt động ném đất đá lên tàu.
Những việc làm như vậy đối với các trường là không lớn, nhưng nó góp phần thấm nhuần tư tưởng cho học sinh, để sau này khi lớn lên, ý thức của các em khi tham gia giao thông cũng được nâng cao hơn”, anh Chiến bày tỏ.
Đề cập đến mong muốn của bản thân với tình hình an toàn giao thông hiện nay, anh Chiến bộc bạch: "Tôi chỉ mong muốn một điều, làm sao để trên khắp dọc đường đất nước sẽ không xảy ra các vụ tai nạn giao thông. Để cho những mái ấm gia đình được sum vầy, con không thiếu cha, vợ không thiếu chồng".