Ngày 13/1/2013, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Đình Xứng ký Quyết định số 93/QĐ-UBND về việc “không bổ nhiệm lại chức vụ Hiệu trưởng Trường Dân tộc nội trú tỉnh Thanh Hóa đối với bà Phạm Thị Hà".
Quyết định nêu rõ: Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nội vụ tại Công văn số 15/SNV-TCBC ngày 08/1/2015. Quyết định: “Không bổ nhiệm lại chức vụ Hiệu trưởng Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh đối với bà Phạm Thị Hà, do uy tín cá nhân đối với tập thể và Ban chấp hành Đảng ủy, Ban giám hiệu Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh thấp, không đủ điều kiện để bổ nhiệm lại theo quy định”.
không bổ nhiệm lại chức vụ Hiệu trưởng Trường Dân tộc nội trú tỉnh Thanh Hóa đối với bà Phạm Thị Hà của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa. (Ảnh: Duy Phong) |
Đến ngày 14/1/2015, UBND tỉnh Thanh Hóa có Công văn số 398/UBND-THKH gửi Sở Nội vụ; Sở Giáo dục và Đào tạo về việc Tham mưu nhân sự bổ nhiệm Hiệu trưởng Trường Dân tộc nội trú tỉnh.
Cùng ngày, UBND tỉnh Thanh Hóa có Quyết định số 107/QĐ-UBND về việc giao ông Đinh Chương Hòa, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh phụ trách quản lý và điều hành hoạt động của Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh, đến khi có quyết định bổ nhiệm Hiệu trưởng nhà trường.
UBND tỉnh Thanh Hóa có Quyết định số 107/QĐ-UBND về việc giao ông Đinh Chương Hòa, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh phụ trách quản lý và điều hành hoạt động của nhà trường. (Ảnh: Duy Phong) |
Trước đó, như Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã phản ánh: Tổng cộng, trong 5 năm làm nhiệm kỳ Hiệu trưởng, chỉ tính riêng khoản tiền thưởng cho học sinh giỏi, tiên tiến, bà Hà đã “ăn chặn” của học sinh dân tộc tới… 852 triệu đồng. Không chỉ vây, trong 05 năm qua, bà Hà, còn “ỉm” số tiền gần 600 triệu đồng được Nhà nước hỗ trợ mua sách, bút, cặp, tẩy, compa… cho các em. Từ những việc làm sai trái trên, trong các lần lấy phiếu tín nhiệm bà Hà đều đạt phố phiếu tín nhiệm cực thấp từ 25 – 35%.
Câu hỏi đặt ra lúc này là những việc làm sai trái của bà Hà đã rõ, tuy nhiên, khi UBND tỉnh Thanh Hóa “chỉ dừng” lại ở việc “thôi không bổ nhiệm” thì sẽ khiến dư luận hoài nghi… có sự bao che.
Theo Luật sư Nguyễn Văn Kiệm, nếu những sai phạm của bà Phạm Thị Hà được cơ quan chức năng làm rõ thì có thể xử lý bà Hà về các hành vi như: Tội Tham ô tài sản được quy định tại Điều 278 hoặc tội Tội cố ý làm trái các quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng được quy định tại điều 165, Bộ luật Hình sự.
Điều 278, Bộ luật Hình sự: Tội tham ô tài sản quy định: Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên thì bị phạt tù hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình;
Điều 165, Bộ luật Hình sự quy định về tội cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng: 1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây thiệt hại từ một trăm triệu đồng đến dưới ba trăm triệu đồng hoặc dưới một trăm triệu đồng, đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ một năm đến năm năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười hai năm:
a) Vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác;
b) Có tổ chức;
c) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;
d) Gây thiệt hại từ ba trăm triệu đồng đến dưới một tỷ đồng hoặc gây hậu quả rất nghiêm trọng khác.
3. Phạm tội gây thiệt hại từ một tỷ đồng trở lên hoặc gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác, thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm.
4. Người phạm tội còn có thể bị tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.