Hiệu trưởng, GV phải hiểu rằng thi hay không thi vào 10 là quyền của học sinh

11/05/2023 06:36
Mạnh Đoàn
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Thực tế có những em học lực yếu, kém nhưng sau này khi các em ra ngoài xã hội lại rất thành đạt.

Câu chuyện phụ huynh Hà Nội phản ánh hiện tượng "ép" học sinh không thi vào lớp 10 những năm gần đây cứ đến hẹn lại lên dù Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã chỉ đạo rà soát, xử lý nghiêm nếu có.

Điều này khiến nhiều người đặt câu hỏi, tại sao Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội chỉ đạo và khẳng định thi đua của các nhà trường không dựa trên chỉ tiêu vào lớp 10, nhưng tình trạng này vẫn được phản ánh?

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Tất Dong (nguyên Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam) cho rằng, ngoài việc định hướng cho các em cuối cấp Trung học cơ sở trong việc chọn trường, giáo viên cần phải giúp các em chọn đúng nghề phù hợp với năng lực sau này. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là phải để các em được lựa chọn trường.

Thực tế có những em học lực yếu, kém nhưng sau này khi các em ra ngoài xã hội lại rất thành đạt. Vì vây, không nên nhìn nhận, đánh giá học sinh cứ yếu kém là phải vào trường nghề, trường tư thục.

Giáo sư Phạm Tất Dong phân tích: "Phụ huynh học sinh vẫn kêu ca về tình trạng trên, điều này cho thấy chính sách vẫn chưa tốt. Vì vậy, công tác quản lý phải chặt chẽ, không được buông lỏng".

Ông Hà Đình Sơn (nguyên Hiệu trưởng Trưởng trung học phổ thông Yên Dũng, Bắc Giang - diễn giả tư vấn hướng nghiệp) nhấn mạnh, luật không cho phép giáo viên "ép" học sinh trung bình, yếu kém không được thi vào lớp 10. Theo đó, phải dựa trên mong muốn và nguyện vọng của phụ huynh, học sinh.

Ảnh minh họa: giaoduc.net.vn

Ảnh minh họa: giaoduc.net.vn

Ông Hà Đình Sơn cho rằng, chúng ta hiện chỉ đang coi trọng những môn văn hoá Toán - Văn - Anh nhưng không coi trọng những môn lĩnh vực nghệ thuật, thể thao cũng khiến các em mất đi cơ hội nghề nghiệp phù hợp với bản thân tương lai.

Vì vậy phải bảo vệ quyền lợi của các em, để cho các em cơ hội thử thách bản thân, nếu không vượt qua được thì đó cũng là bài học. Khi học nghề, các em cũng tự tin hơn và không nuối tiếc. Ngược lại, thực tế có những bạn học lực theo đánh giá của giáo viên là không đỗ được vào lớp 10 công lập nhưng khi thi các em lại đỗ. Điều này sẽ dẫn đến tâm lý các em đổ lỗi cho gia đình và nhà trường.

"Tôi luôn khuyến khích học sinh phải dũng cảm, nỗ lực dám khẳng định bản thân. Việc giáo viên khuyên học sinh không thi vào lớp 10 thậm chí có lúc còn có thể là lợi ích nhóm đằng sau.

Ví dụ như thực tế, tôi được biết, có trường nghề, trường dân lập tuyển sinh học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở có điểm thấp, họ cũng muốn học sinh về thẳng đơn vị họ. Điều này cũng khiến dấy lên nghi ngờ giáo viên, nhà trường "bắt tay" với các đơn vị tuyển sinh kia", vị diễn giả chia sẻ.

Theo ông Sơn để giảm thiểu tình trạng trên, cần tuyên truyền để phụ huynh nắm được quyền lợi của con em, lên tiếng vì con em.Tuy nhiên, nhiều phụ huynh vẫn có tâm lý e ngại bởi sợ ảnh hưởng đến con.

Ông Hà Đình Sơn đánh giá, thực tế, có nơi đem lý do thực hiện phân luồng để biện minh cho tình trạng trên và nếu phụ huynh đồng ý theo quan điểm của nhà trường sẽ được ưu ái điểm học bạ...nên phụ huynh "cắn răng" chấp thuận việc này.

"Việc phân luồng học sinh trung học cơ sở phải truyền thông làm rõ định hướng của học sinh, còn các em có quyền được thi vào lớp 10 hoặc trường nào các em thấy tốt. Giáo viên phải tôn trọng quyền lựa chọn của phụ huynh, học sinh.

Thực tế, tôi thấy có nhiều trường hợp giáo viên khẳng định học sinh không thi đỗ vào lớp 10 nhưng vẫn có những em đỗ, thậm chí sau này đỗ đại học. Tôi nhận thấy nhiều lúc thầy cô bị hạn chế tầm nhìn, mang định kiến cá nhân, điều này khiến nhiều em mất đi cơ hội", ông Sơn chia sẻ.

Vị diễn giả cho biết, với những em có học lực trung bình, yếu hay có điểm thi khảo sát không cao, rào cản lớn nhất của các em là cần vượt qua được sự nhìn nhận, đánh giá của người lớn về sự yếu kém.

Nếu không vượt qua được, các em sẽ mất đi sự tự tin, không có động lực vươn lên trong học tập sau này.

"Khi bố mẹ và nhà trường hoài nghi về sự tiến bộ của các em, sẽ khiến chúng mất đi niềm tin. Thậm chí sẽ khiến các em sa đà vào các tệ nạn, ham chơi, bỏ học. Ngược lại, chúng sẽ cố gắng vượt qua khi nhận được sự khích lệ, động viên.

Ví như nhà khoa học Thomas Edison, nhà phát minh vĩ đại đã có 1093 bằng sáng chế mang tên ông tại Hoa Kì cũng như các bằng sáng chế tại Pháp, Anh, Đức. Vào lúc 7 tuổi, Edison từng bị thầy giáo cho rằng thiểu năng và từ chối dạy học. Tuy nhiên, người mẹ của ông luôn tin con là một thiên tài. Rất nhiều trường hợp cho thấy, những định kiến của người lớn có thể hủy hoại tương lại của một đứa trẻ", ông Sơn chia sẻ.

Cũng về vấn đề trên, cô Nguyễn Thị Chung (Hiệu trưởng Trường phổ thông dân tộc bán trú trung học cơ sở Tân Lập, Hà Giang) cho hay, vào đầu năm học thầy cô cũng đã định hướng cho học sinh lớp 9 qua môn Hướng nghiệp. Việc lựa chọn trường dựa trên cơ sở nguyện vọng của học sinh.

Ngoài ra, các trường nội trú hay các trường Trung học phổ thông cũng đến nhà trường để tuyển sinh.

"Nhà trường chỉ định hướng cho các em học tiếp lên trung học phổ thông, đảm bảo tương lai sau này, bởi cũng có một số em xác định học xong trung học cơ sở rồi đi làm. Còn việc lựa chọn trường để thi vào lớp 10 là quyền của học sinh", cô Chung nói.

Nữ hiệu trưởng cho biết, năm nay, hầu hết học sinh trong trường đăng ký thi vào lớp 10, có 1 em đăng ký học nghề, 7-8 em đăng ký học nội trú.

"Khó nhất trong việc để học sinh học tiếp Trung học phổ thông là công tác tuyên truyền với phụ huynh, bởi họ thường có quan điểm học lên để làm gì, rồi sau này khó xin việc... Tuy nhiên, nếu các em học xong Trung học phổ thông sẽ có nhiều lựa chọn hơn. Ngoài giáo viên chủ nhiệm, ban giám hiệu cũng tham gia định hướng cho học sinh", cô Chung chia sẻ và cho biết thực tế một số em học lực trung bình, yếu khi học vào Trung học phổ thông, vẫn có một số học sinh quyết tâm học để đỗ đại học và thành công.

Mạnh Đoàn