Nếu 'ép' học sinh không thi vào 10 là thiếu tính nhân văn, trái luật

01/05/2023 06:40
Mạnh Đoàn
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Tiến sỹ Nguyễn Tùng Lâm cho rằng, nếu có việc "ép" học sinh yếu, kém không thi vào lớp 10 công lập là hành vi thiếu tính nhân văn, vi phạm quyền trẻ em.

Vừa qua, một số phụ huynh tại trường Trung học cơ sở Kim Giang (Thanh Xuân, Hà Nội) phản ánh, có hiện tượng "ép" học sinh kém không thi vào 10. Mặc dù, về phía lãnh đạo nhà trường, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội khẳng định không đưa kết quả kỳ thi tuyển sinh lớp 10 thành tiêu chí xếp loại thi đua.

Tuy nhiên, có một thực tế không thể chối cãi là cứ đến hẹn lại lên trong những năm gần đây, vào dịp đăng ký thi tuyển sinh vào lớp 10 lại có tình trạng trên được phản ánh khiến dư luận không khỏi bức xúc.

Để có góc nhìn khách quan thêm vụ việc cũng như đề xuất, giải pháp giải quyết triệt để tình trạng này, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục đã có buổi trao đổi với chuyên gia về giáo dục cũng như lãnh đạo trường Trung học cơ sở trên địa bàn Hà Nội.

Trường Trung học cơ sở Kim Giang. (Ảnh: Mạnh Đoàn)

Trường Trung học cơ sở Kim Giang. (Ảnh: Mạnh Đoàn)

Theo Tiến sỹ Nguyễn Tùng Lâm – Chủ tịch Hội đồng Giáo dục Trường Trung học phổ thông Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) cho rằng, báo chí phản ánh vụ việc rất khách quan, đúng thực tế bức xúc trong dư luận nhiều năm nay. Ngay sau đó, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội lại một lần nữa ban hành công văn chỉ đạo các Phòng Giáo dục, các trường Trung học cơ sở quan tâm sát sao việc này.

Đánh giá về vụ việc, Tiến sỹ Nguyễn Tùng Lâm cho hay, quyền được đi học, được thi là quyền là quyền của học sinh, các em tốt nghiệp trung học cơ sở được tự do lựa chọn trường.

"Quyền đi học là quyền của trẻ em, nếu ai làm trái là vi phạm pháp luật. Trong vụ việc trên, giáo viên là người quản lý trực tiếp học sinh nhưng Hiệu trưởng phải là người chịu trách nhiệm.

Hiệu trưởng các trường Trung học cơ sở phải đảm bảo nhà trường không xảy ra việc "ép" học sinh yếu, kém không được thi vào lớp 10. Nếu để xảy ra vụ việc, đồng nghĩa nhà trường quản lý không tốt, cần phải xử lý nghiêm minh việc thiếu tính nhân văn này", Tiến sỹ Nguyễn Tùng Lâm nhận định.

Chủ tịch Hội đồng Giáo dục Trường Trung học phổ thông Đinh Tiên Hoàng cho rằng, nếu nơi nào xảy ra tình trạng trên là nhà trường đã vi phạm quyền bảo vệ trẻ em, vì vậy cần phải nâng nhận thức của cán bộ, giáo viên trong trường.

Ông nhận định, sứ mệnh của người thầy là phải giúp học sinh phát triển, chứ không phải ngăn cấm, nếu không các em sẽ luôn là người thất bại, thiếu sự tự tin.

"Mỗi thầy cô giáo phải động viên khuyến khích học sinh học tập, không phải ngăn cản bước phát triển của học sinh. Căn bản của giáo dục hiện đại là phải phát huy khả năng tiềm ẩn của mỗi đứa trẻ và phải giúp chúng tự quyết định tương lai của các em.

Tiến sỹ Nguyễn Tùng Lâm – Chủ tịch Hội đồng Giáo dục Trường Trung học phổ thông Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) (Ảnh: Nguyên Phương)

Tiến sỹ Nguyễn Tùng Lâm – Chủ tịch Hội đồng Giáo dục Trường Trung học phổ thông Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) (Ảnh: Nguyên Phương)

Nhà trường cần phải nhận thức sâu sắc được về việc tôn trọng, khích lệ học sinh yếu kém. Bên cạnh đó giáo viên phải khuyến khích tất cả các em cùng thi vào lớp 10, qua đó các em tự đo năng lực học tập và rút kinh nghiệm cho bản thân sau khi ra trường. Chúng ta cần phải bỏ việc đếm học sinh đỗ vào lớp 10.

Ví như đối với lớp 12, Sở Giáo dục có thống kê tỉ lệ điểm trung bình của từng bộ môn mới là thực chất, qua đó sẽ nắm rõ cách dạy dỗ học sinh như nào. Toàn ngành giáo dục cần thực hiện như vậy nhằm tập trung vào sự tiến bộ của học sinh", Tiến sỹ Nguyễn Tùng Lâm cho hay.

Sở Giáo dục và Đào tạo thông tin, không đưa kết quả kỳ thi tuyển sinh lớp 10 thành tiêu chí xếp loại thi đua đối với các đơn vị, trường học. Nhưng thực tế, tại sao những năm qua luôn xảy ra câu chuyện này là một câu hỏi cần được trả lời rõ ràng.

Tiến sỹ Nguyễn Tùng Lâm cho rằng, Thành phố Hà Nội cần có cơ quan thanh tra khác vào kiểm tra, xác minh vụ việc như thanh tra, Mặt trận Tổ quốc... để thu thập thông tin khách quan.

Chia sẻ thêm về việc thi vào lớp 10 của học sinh Trung học cơ sở, một lãnh đạo trường Trung học cơ sở tại Hà Nội cho biết, nhiều năm trở về trước, có việc thống kê danh sách tỷ lệ đỗ vào lớp 10 của các trường. Qua đó, nhà trường sẽ xem đơn vị mình đứng thứ bao nhiêu.

Tuy nhiên khi báo chí, truyền thông vào cuộc phản ánh về vụ việc "ép" không cho học sinh thi vào lớp 10, Sở Giáo dục đã bỏ việc xếp loại này.

Hiện nay, việc đăng ký tham gia thi vào lớp 10 của học sinh đều có trên phần mềm và Phòng giáo dục nắm được việc này. Tuy nhiên, khi có kết quả thi vào lớp 10, không còn việc xếp loại như trước kia.

"Tôi quan điểm là các con đã học 9 năm, thời điểm "trồng cây đến ngày hái quả", nên cứ để các con tự quyết định. Nếu không cho các con thi, đồng nghĩa cho rằng các con thi sẽ không đỗ. Tôi phản đối việc ép học sinh không được thi, điều này là không có tính nhân văn, phản cảm, chạy theo bệnh thành tích", vị lãnh đạo nhà trường cho hay.

Theo giáo viên này, hiện nay các trường công lập cũng dần dần tiến đến sự tự chủ. Nếu nhà trường có chất lượng không tốt, phụ huynh sẽ không cho con học. Vì vậy, các trường cần nâng cao chất lượng giảng dạy giúp học sinh tiến bộ về học tập, cũng như giúp các em phát triển nhân cách, đạo đức tốt.

Mạnh Đoàn