Như Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã thông tin, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã công bố kết quả xác minh các nội dung tố cáo xảy ra tại Trường Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh, trong đó phần lớn các nội dung là liên quan đến Phó Giáo sư Lý Hoàng Ánh – Hiệu trưởng.
Kết luận này dày đến 83 trang, đã được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ký hồi cuối tháng 10 vừa qua, là kết quả của tổ công tác, xác minh những vụ việc đã nhận được tố cáo từ phía giảng viên nhà trường.
Tuyển dụng đặc cách vợ trái với quy định
Kết luận này nêu rõ, Phó Giáo sư Lý Hoàng Ánh đã tuyển dụng đặc cách vợ của mình là bà Lê Thị Chúc Ly vào làm tại Viện nghiên cứu Khoa học và Công nghệ từ ngày 1/2/2016.
Danh sách trúng tuyển vào viện này cùng với bà Ly còn có 1 người nữa, có trình độ Tiến sĩ.
Căn cứ theo theo quy định của Bộ Nội vụ, của Ngân hàng Nhà nước, thì những người được đặc cách tuyển dụng phải có trình độ từ Tiến sĩ trở lên, mà bà Ly chỉ có trình độ Thạc sĩ, chưa có thời gian công tác là chuyên viên ở các Viện nghiên cứu, hay tại các trường Đại học.
Chính vì thế, kết luận nêu rõ, việc đặc cách tuyển dụng bà Lê Thị Chúc Ly là trái với các quy định hiện hành.
Theo giải trình của ông Lý Hoàng Ánh với tổ công tác, tại thời điểm năm 2015, ngoài những yêu cầu chung, thì yêu cầu riêng ở vị trí mà bà Ly được tuyển còn cần phải có kinh nghiệm tài chính ngân hàng, nghiên cứu khoa học.
Bà Lê Thị Chúc Ly là người có kinh nghiệm trong lĩnh vực ngân hàng, nên đã được Hội đồng tuyển dung đặc cách nhất trí 100% tuyển dụng bà Ly.
Tổ công tác, xác minh của Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh: Giải trình này của Phó Giáo sư Lý Hoàng Ánh là hoàn toàn không phù hợp với các quy định hiện hành.
Hiệu trưởng Trường Đại học Ngân hàng thành phố Hồ Chí Minh - ông Lý Hoàng Ánh (ảnh: baodautu.vn) |
Ngoài ra, bà Ly còn được xếp bậc lương hệ số 5/9, bệ 3,66 là trái với quy định. Đặc biệt, ông Lý Hoàng Ánh còn bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp giảng viên hạng 3 cho bà Ly, bà Ly nghỉ tai nạn 2 tháng mà vẫn được chi lương, cử bà Ly đi học lớp nhận thức về Đảng không đúng đối tượng.
Hiệu trưởng Trường Đại học Ngân hàng trang bị máy xông hơi ở phòng làm việc |
Kết luận còn nêu rõ, ông Lý Hoàng Ánh còn phạm phải một số vấn đề liên quan đến việc tinh giản và tuyển dụng nhân sự.
Cụ thể, trong các năm 2013 – 2014, ông Lý Hoàng Ánh đã ký hàng loạt các quyết định tuyển dụng nhân sự, trong đó có rất nhiều người nằm trong vị trí bị tinh giản trước đó.
Tổ công tác, xác minh khẳng định, việc tinh giản nhân sự trước đó là một chủ trương rất đúng đắn của nhà trường. Tuy nhiên, công tác tuyển dụng 8 người sau đó đã không đúng với quy trình thi tuyển, xét tuyển mà Luật viên chức đề ra.
Kết quả làm việc cho thấy, một số trong tổng số những người này đã được xác định là người thân của bà Ly.
Để xảy ra việc này, Ngân hàng Nhà nước xác định, trách nhiệm trước hết thuộc về ông Lý Hoàng Ánh, Hội đồng tuyển dụng đặc cách và một số phòng ban có liên quan khác của nhà trường.
Kết luận, Thống đốc giao Vụ Tổ chức cán bộ tham mưu tổ chức kiểm điểm trách nhiệm của ông Lý Hoàng Ánh, kiểm điểm các thành viên trong Ban Giám hiệu nhà trường về những việc đã xác định là có vi phạm, nhà trường phải rà soát lại tất các trường hợp đã ký hợp đồng làm việc, nhưng đặc cách không qua tuyển dụng.
Trường cũng cần phải tổ chức điều chỉnh ngay mức lương của bà Lê Thị Chúc Ly, tổ chức thu hồi ngay lương của bà Ly đã được kết luận là chi sai quy định.
Ông Lý Hoàng Ánh có 2 năm sinh?
Theo nội dung tố cáo, ông Lý Hoàng Ánh hiện đang sử dụng 2 năm sinh. Lý lịch cán bộ công nhân viên năm 1990, bằng Tiến sĩ được cấp năm 1999, chứng minh nhân dân được cấp năm 2005 đều ghi ông Ánh sinh năm 1962.
Thậm chí, trong quyết định đổi thẻ Đảng viên, do Đảng ủy khối các Trường Đại học – Cao đẳng – Trung học chuyên nghiệp cấp ngày 30/8/2004 cho ông Ánh thì ghi, ông Lý Hoàng Ánh sinh ngày 8/1/1962, với quê quán huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định.
Tuy nhiên, trong hồ sơ bổ nhiệm Hiệu trưởng, Hiệu phó, giấy công nhận là Phó giáo sư được cấp sau năm 2008 lại ghi ông Ánh sinh năm 1964.
Thêm nhiều hình ảnh nhạy cảm nghi của Hiệu trưởng với học viên cao học |
Như vậy, việc năm sinh của ông Lý Hoàng Ánh không thống nhất, gây ra nhiều khó khăn trong việc xác định chế độ cho vị Hiệu trưởng này.
Theo các văn bản hướng dẫn mới nhất từ trung ương, năm sinh trong hồ sơ, lý lịch của Đảng viên sẽ được lấy làm căn cứ để xác định tuổi, năm sinh của người đó.
Chính vì vậy, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đề nghị Vụ Tổ chức cán bộ có văn bản gửi Đảng ủy khối các Trường Đại học – Cao đẳng – Trung học chuyên nghiệp cần sớm tổ chức xác định năm sinh của ông Ánh, để nhằm có căn cứ xác định chế độ.