Ngày 19/3/2018, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo Thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định – ông Nguyễn Phương Nam đã ký thông báo số 136, về việc trả lời kết quả giải quyết tố cáo của công dân đối với bà Võ Thị Hồng – Hiệu trưởng Trường tiểu học Lê Lợi.
Theo đơn tố cáo, Trường tiểu học Lê Lợi, thành phố Quy Nhơn có đến hai người phụ trách kế toán. Trong đó, bà Tuyết là kế toán tổng hợp, còn bà Hằng là kế toán, quyết toán chứng từ liên quan đến nguồn kinh phí bán trú.
Điều đáng nói, theo thông tin từ đơn tố cáo của công dân, bà Hằng là người gọi Hiệu trưởng Võ Thị Hồng là dì ruột.
Qua kết quả tiến hành xác minh từ Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Quy Nhơn cho thấy, vào tháng 1/2010, khi cán bộ kế toán của Trường tiểu học Lê Lợi nghỉ chế độ, nên để đảm bảo thực hiện nhiệm vụ đơn vị, thành phố đã thống nhất chủ trương ký hợp đồng lao động với cán bộ làm nhiệm vụ kế toán.
Từ tháng 2/2010 đến tháng 3/2012, hợp đồng với bà Hà Thị Mỹ Nữ. Tới tháng 4/2012 đến tháng 3/2014 thì hợp đồng với bà Trần Thị Thúy Hằng.
Trường tiểu học Lê Lợi, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định (ảnh: P.L) |
Do đặc thù là đơn vị trường học có số lượng học sinh đông, tất cả học sinh đều học 2 buổi/ngày, và đều có học bán trú, nên Ban đại diện cha mẹ học sinh trường đã đề nghị trường tiếp tục ký hợp đồng lao động với bà Hằng từ tháng 2/2014.
Bà Hằng sẽ làm nhiệm vụ kế toán từ nguồn kinh phí đóng góp từ phụ huynh, để tổ chức bán trú cho học sinh. Trên cơ sở đề nghị này, nhà trường tiếp tục ký hợp đồng lao động với bà Hằng, nguồn kinh phí trả tiền công lấy từ nguồn kinh phí quản lý hoạt động bán trú.
Nhiệm vụ đối với các kế toán đã được Hiệu trưởng phân công cụ thể như sau: Bà Võ Thị Thu Tuyết làm kế toán tổng hợp, báo cáo các khoản thu kinh phí học bán trú, còn bà Trần Thị Thúy Hằng làm nhiệm vụ liên quan đến việc quyết toán chứng từ nguồn kinh phí học bán trú, theo dõi việc mua sắm đồ dùng phục vụ học bán trú, kiểm tra giao nhận thực phẩm.
Tới tháng 9/2017, bà Tuyết được phân công làm nhiệm vụ kế toán đối với tất cả các nguồn kinh phí trong nhà trường, còn bà Hằng thì tiếp tục được nhà trường hợp đồng làm nhiệm vụ thu tiền học bán trú, theo dõi và kiểm tra việc giao nhận thực phẩm bán trú.
Hồ sơ, tài liệu thu thập được cho thấy, vào thời điểm đầu năm học nhiều năm vừa qua, nhà trường đều ban hành quyết định thành lập Ban quản lý việc tổ chức học bán trú, có phân công nhiệm vụ cụ thể đối với từng thành viên, kể cả Ban Giám hiệu, công đoàn, kế toán, các thành viên khác.
Trên cơ sở số học sinh dự kiến học bán trú, nhà trường đã thông qua tại cuộc họp liên tịch, thảo luận, thống nhất và ban hành kế hoạch thu, chi, phương thức thanh toán tiền lao động tăng giờ cho cán bộ, giáo viên, nhân viên, bảo mẫu, cấp dưỡng từ nguồn kinh phí quản lý các lớp bán trú và học 2 buổi/ngày.
Cũng trong quá trình xác minh đã xác định được rằng, bà Hồng – Hiệu trưởng chính là dì ruột của bà Hằng – kế toán, nhưng việc này không vi phạm các quy định hiện hành của Nhà nước.