Học giả Mỹ: Trung Quốc vài chục năm nữa cũng không thể đe dọa vị thế của Hoa Kỳ

25/04/2016 08:40
Đông Bình
(GDVN) - Trong vài chục năm tới, Mỹ vẫn là siêu cường duy nhất trên thế giới, Trung Quốc cơ bản không đuổi kịp Mỹ về khoa học công nghệ.

Hãng tin VOA ngày 18/4 cho hay, xung quanh việc Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton B. Carter hủy bỏ chuyến thăm Trung Quốc, phó giáo sư Stephen Brooks từ Học viện Dartmouth Mỹ cho rằng, vấn đề Biển Đông là nguyên nhân trực tiếp làm Mỹ không vui.

Đây là vấn đề căn bản có liên quan đến tư duy chiến lược tổng thể đối với Trung Quốc của Mỹ, trước hết Washington không nên quá lo ngại trước sự trỗi dậy của Trung Quốc.

Chiến đấu cơ F/A-18 F cất cánh từ tàu sân bay USS John C. Stennis, ảnh: Reuters.
Chiến đấu cơ F/A-18 F cất cánh từ tàu sân bay USS John C. Stennis, ảnh: Reuters.

Phó giáo sư Stephen Brooks cho rằng: "Trung Quốc đang trỗi dậy, nhưng hoàn toàn không phải đứng dậy. Về kinh tế, Mỹ hoàn toàn không suy yếu. Chúng tôi cho rằng, trong vài chục năm tới Mỹ sẽ vẫn là siêu cường duy nhất thế giới.

Trong khi đó Trung Quốc trỗi dậy sẽ chậm hơn nhiều so với các nước từng trỗi dậy trong lịch sử, chẳng hạn như Đức và Anh. Bởi vì, những nước này có thể sáng ngang với các nước lớn khi đó về khoa học công nghệ. Trung Quốc hiện cơ bản không đuổi kịp Mỹ về khoa học công nghệ".

Theo Stephen Brooks, thực lực kinh tế và khoa học công nghệ của Mỹ đủ để chống lại sự bành trướng của Trung Quốc trong khu vực và ra bên ngoài thế giới, ngăn chặn các sự kiện lớn xảy ra có thể làm lung lay vị thế siêu cường của Mỹ.

Xung quanh vấn đề này, các phương tiện truyền thông và học giả Mỹ nhận thức hầu như không đầy đủ thực trạng. Do đó dẫn tới việc Mỹ - Trung hầu như đối chọi gay gắt, liên tục va chạm trong rất nhiều vấn đề. Đây chính là hiện trạng cơ bản của quan hệ Mỹ-Trung hiện nay.

Về vấn đề Biển Đông, Stephen Brooks đặt câu hỏi: "Trung Quốc xây dựng đảo nhân tạo (bất hợp pháp) là mối đe dọa căn bản của ổn định khu vực Đông Á? Là mối đe dọa căn bản đối với đi lại trên biển? Là mối đe dọa căn bản đối với trật tự chỉnh thể?".

Stephen Brooks tự đưa ra câu trả lời: Không phải! Ông cho rằng, dư luận có xu hướng nhìn vào những sự việc trước mắt và gán cho nó cái ý nghĩa đó, có lúc thái quá, nghiêm trọng hơn nhiều so với thực tế.

Stephen Brooks lấy ví dụ Ngân hàng Đầu tư hạ tầng châu Á (AIIB) do Trung Quốc để phân tích, Trung Quốc có lý do chính đáng thúc đẩy xây dựng hạ tầng cơ sở nước mình và khu vực. Trong khi đó, chính quyền Barack Obama cho rằng, AIIB là mối đe dọa đối với Ngân hàng Thế giới (WB) và trật tự quốc tế tổng thể.

Mỹ khuyến khích các đồng minh ngăn chặn AIIB do Trung Quốc đứng đầu. Nhưng Mỹ cũng đã phần nào thất bại, vì không ít đồng minh của Mỹ đã gia nhập AIIB.

Stephen Brooks cho biết, ông hoàn toàn không xem nhẹ hành động của Trung Quốc, mà ông chỉ phê phán "phản ứng quá mức" của Washington đối với Trung Quốc.

Tuy nhiên, cố vấn lâu năm của Hiệp hội Không quân Mỹ Pitt Hughes cho rằng, tuyệt đối không thể coi thường mục tiêu cuối cùng của Trung Quốc.

Theo Pitt Hughes, hiện nay Trung Quốc chỉ là chưa đủ lông đủ cánh. Ý nghĩ của Trung Quốc có lẽ là giấc mơ viển vông không thể thực hiện. Nhưng không thể phủ nhận mục tiêu cuối cùng của họ, Mỹ không thể ngồi chờ Trung Quốc mọc đủ lông đủ cánh.

Đông Bình