Học giả Singapore: hãy sẵn sàng cho một năm căng thẳng hơn trên Biển Đông

10/01/2017 09:18
Hồng Thủy
(GDVN) - Dưới thời ông Tập Cận Bình, Trung Quốc có những mục tiêu dài hạn để trở thành siêu cường "không thể tranh cãi" ở châu Á.

The Straits Times ngày 10/1 cho biết, chuyên gia an ninh khu vực Đông Nam Á Malcolm Cook từ Viện Yusof Ishak (ISEAS), Singapore phát biểu tại Diễn đàn Toàn cảnh khu vực ngày hôm qua cảnh báo, năm 2017 Biển Đông thậm chí sẽ căng thẳng hơn.

Diễn đàn Toàn cảnh khu vực do Viện Yusof Ishak tổ chức hàng năm, năm nay là lần thứ 20, thu hút khoảng 600 người tham dự, gồm các quan chức, học giả và sinh viên nghiên cứu.

Tiến sĩ Malcolm Cook cho biết, 3 nguồn cơn của nguy cơ căng thẳng leo thang trên Biển Đông năm 2017, một là lập trường ngày càng leo thang của Trung Quốc với các nước láng giềng.

Tiến sĩ Malcolm Cook, ảnh: Ng Sor Luan / The Straits Times.
Tiến sĩ Malcolm Cook, ảnh: Ng Sor Luan / The Straits Times.

Hai là quan điểm khác nhau của các nước ASEAN về yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông, và ba là lo ngại về chính sách và hành động của Tổng thống đắc cử Hoa Kỳ Donald Trump với Trung Quốc và phần còn lại của châu Á.

Theo Tiến sĩ Cook, các nước Đông Nam Á có truyền thống quan hệ "có khoảng cách" với các nước lớn như Mỹ và Nhật Bản, để tránh các siêu cường này đưa ra các quyết định cho khu vực. Tuy nhiên, ASEAN không thể làm điều đó với Trung Quốc.

Ông cho biết, từ năm 2008 Trung Quốc đã thay thế các tiếp cận "nụ cười ngoại giao" bằng cách tiếp cận "thỉnh thoảng gầm gừ", cố gắng đánh dấu yêu sách của mình trên Biển Đông, đè lên vùng biển của 5 nước thành viên ASEAN.

Một ví dụ về sự leo thang ngày càng tăng của Trung Quốc là việc từ chối Phán quyết Trọng tài 12/7/2016.

Cuối tuần trước, ông Cook nói với The Straits Times, dưới thời ông Tập Cận Bình, Trung Quốc có những mục tiêu dài hạn để trở thành siêu cường "không thể tranh cãi" ở châu Á.

Mặt khác, Bắc Kinh sử dụng chiến thuật củ cà rốt để tiếp cận với các nước, ví dụ như sáng kiến "một vành đai, một con đường" hay Ngân hàng Đầu tư hạ tầng châu Á.

Ông Cook lưu ý, Tổng thống Indonesia Joko Widodo và Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte hiện nay đang dùng quan hệ hợp tác với Nhật Bản làm đối trọng ảnh hưởng của Trung Quốc, để có được hàng tỷ USD đầu tư.

Đồng thời, Trung Quốc còn gây áp lực lên các nước láng giềng châu Á, buộc họ phải im lặng về Phán quyết Trọng tài. Điều này đã tạo ra sự căng thẳng trong ASEAN, vì không thể tìm được tiếng nói chung phản đối yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông.

Nếu Trung Quốc trở thành một siêu cường tối thượng ở khu vực, nó sẽ biến Hoa Kỳ và Nhật Bản thành "kẻ gây mất ổn định" ở khu vực.

Còn với Hoa Kỳ, trong suốt chiến dịch tranh cử của mình ông Donald Trump đã chống lại TPP quyết liệt, cam kết sẽ bãi bỏ hiệp định này sau khi nhậm chức ngày 20/1 này.

Đây là hiệp định thương mại xuyên Thái Bình Dương do ông Obama thúc đẩy, được các nước ở châu Á - Thái Bình Dương hưởng ứng và mong đợi.

Malcolm Cook cho rằng, hành vi này của ông Donald Trump là "đáng lo ngại", so với cam kết duy trì sự hiện diện lâu đời và ổn định của Mỹ ở châu Á khi Obama nhậm chức năm 2009.

Người viết cho rằng, nhận định của Tiến sĩ Malcolm Cook cũng là lo ngại của nhiều học giả, nhà quan sát và những người quan tâm đến Biển Đông, địa chính trị khu vực Đông Nam Á.

Tuy nhiên có một thực tế không thể phủ nhận, bất chấp cam kết "duy trì sự hiện diện lâu đời và ổn định của Mỹ ở châu Á" từ khi nhậm chức, trong 8 năm nhiệm kỳ Tổng thống Obama, Trung Quốc thay đổi hiện trạng ở Biển Đông mạnh hơn bao giờ hết.

Phản ứng của Hoa Kỳ không những không hạn chế được các hành động này của Bắc Kinh, ngược lại còn tạo cớ cho Trung Quốc tăng khả năng kiểm soát bất hợp pháp trên thực địa, với cái gọi là "trạng thái bình thường mới".

Do đó, chính quyền mới của tỉ phú Donald Trump nếu tiếp tục đi theo chính sách an ninh ở châu Á của chính phủ tiền nhiệm, nguy cơ căng thẳng sẽ leo thang.

Còn nếu tân chủ nhân Nhà Trắng có những cách tiếp cận mới như những gì ông tiết lộ và thể hiện một phần trong thời gian qua, có lẽ Biển Đông sẽ có cơ hội duy trì hòa bình, ổn định và luật pháp quốc tế tốt hơn.

Tuy nhiên ông Donald Trump vẫn chưa nhậm chức, chưa công bố chiến lược đối nội cũng như đối ngoại, do đó mọi nhận xét vẫn chỉ là phỏng đoán. 

Nhưng người viết tin rằng, Mỹ vẫn có lợi ích chiến lược ở Biển Đông. Ngoài Hoa Kỳ, cần phải tính đến Nhật Bản, Ấn Độ, Australia, thậm chí cả vai trò của Anh và Pháp.

Bởi vậy, Biển Đông khó có thể trở thành ao nhà của riêng ai đó, để họ tiếp tục muốn làm gì thì làm trong một thế giới ngày càng văn minh.

Tài liệu tham khảo:

http://www.straitstimes.com/singapore/get-ready-for-a-year-of-even-more-tensions

Hồng Thủy