Học ngành Công nghệ may ở UTEHY, sinh viên được thực hành từ năm học đầu tiên

04/06/2024 06:27
Đào Hiền
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Sinh viên học ngành Công nghệ may được đào tạo bài bản và chuyên sâu, có cơ hội thực hành với công nghệ và dây chuyền hiện đại, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Việt Nam được biết đến là thị trường tiềm năng trong lĩnh vực may mặc. Theo thống kê về tốc độ tăng trưởng và kim ngạch xuất khẩu hàng may mặc Việt Nam giai đoạn 2008 - 2023, xuất khẩu hàng may mặc Việt Nam đã có những bước phát triển đáng kể và tăng liên tục qua các năm.

Đặc biệt, trong công cuộc đổi mới và phát triển đất nước, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá ở tất cả mọi hoạt động sản xuất đã giúp lĩnh vực dệt mặc được chú trọng và đầu tư về công nghệ , đa dạng hoá các phương thức sản xuất nhằm thích nghi và hội nhập với nền công nghiệp thế giới.

Do đó, nhu cầu từ thị trường lao động về nguồn nhân lực có trình độ và kiến thức chuyên môn sâu trong lĩnh vực này ngày càng tăng cao.

Đào tạo nhân lực ngành Công nghệ may đáp ứng bối cảnh toàn cầu hoá

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Phạm Tiến Lâm, Tổng giám đốc Tổng Công ty Đức Giang - đơn vị sản xuất dịch vụ may mặc lớn trong nước, trực thuộc Liên hiệp sản xuất - xuất nhập khẩu may cho biết, ngành may mặc chính là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam, có khả năng đóng góp lớn vào kim ngạch xuất khẩu quốc gia và tạo việc làm cho hàng triệu lao động.

Sau những ảnh hưởng to lớn từ đại dịch Covid-19, ngành may mặc trên toàn thế giới đang có những dấu hiệu chuyển mình mạnh mẽ. Tại Việt Nam, nhiều doanh nghiệp nội địa xuất khẩu dệt may đã phục hồi nhanh chóng khi đủ sức để tiếp nhận các đơn hàng xuất khẩu và đầu tư của các quốc gia lớn trên thế giới như Mỹ, Anh, Tây Ban Nha….

Bài toán đặt ra cho hầu hết doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay chính là việc cải tiến chất lượng sản phẩm, công nghệ, dây chuyền sản xuất, cơ cấu lại bộ máy lao động và chạy hết công suất cho những đơn hàng đã nhận được, đồng thời tiếp nối phát triển những đơn hàng mới.

Trên thực tế, nhu cầu về chất lượng nhân sự của các doanh nghiệp dệt may ngày càng nâng cao để có thể đáp ứng và phục vụ nhu cầu sản xuất.

Theo Tổng giám đốc Phạm Tiến Lâm, hầu hết các doanh nghiệp hiện nay đều đang tìm kiếm nhân sự có trình độ chuyên môn hoá, được đào tạo bài bản các kỹ năng trong lĩnh vực may mặc từ các cơ sở trường học để hội nhập và đủ sức cạnh tranh trong bối cảnh cách mạng số và toàn cầu hoá.

Cụ thể, ngoài kỹ năng mềm như giao tiếp, làm việc nhóm, quản lý thời gian, lên kế hoạch, sử dụng ngoại ngữ, tin học.. người lao động cần có kiến thức phù hợp với nhu cầu ngành về nghiên cứu và phát triển sản phẩm, công nghệ CAD, CAM, thiết bị thời trang, kỹ thuật sản xuất trang phục, thiết bị ngành may, quản lý chất lượng, theo dõi đơn hàng, tổ chức và quản lý sản xuất, cung cấp nguyên vật liệu dệt may…

Trong khi đó, Tiến sĩ Nguyễn Thị Nhung - Phó Trưởng khoa Công nghệ may và Thời trang, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên (UTEHY) cho hay, trong chiến lược phát triển của ngành dệt may Việt Nam đến năm 2030 tầm nhìn 2040 nêu rõ, nhu cầu về nguồn nhân lực trình độ cao lĩnh vực dệt may, thời trang là rất lớn. Do đó, việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, có trình độ chuyên môn giỏi chính là sứ mệnh của giáo dục đại học nhằm góp phần xây dựng và phát triển lĩnh vực dệt may Việt Nam.

Với những điều kiện thuận lợi đó, ngành Công nghệ may được đánh giá là một trong số những ngành học “tiềm năng”, đặc biệt trong bối cảnh phát triển toàn cầu hiện nay và đang được rất nhiều bạn trẻ lựa chọn, theo đuổi.

công nghệ may 3.jpg
Tiến sĩ Nguyễn Thị Nhung - Phó Trưởng khoa Công nghệ may và Thời trang, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên (UTEHY). Ảnh: NVCC

Tiến sĩ Nguyễn Thị Nhung cho rằng, thay vì “học nghề" trong khoảng thời gian ngắn và trở thành thợ may với các kỹ năng như cắt ,may đo, vận hành máy thông thường, sinh viên theo học ngành Công nghệ may sẽ được đào tạo bài bản và chuyên sâu, ứng dụng công nghệ trong thực hành sản xuất theo dây chuyền hiện đại và mở ra nhiều cơ hội, vị trí nghề nghiệp đáp ứng nhu cầu từ xã hội.

Cụ thể, ngành Công nghệ may sẽ chú trọng đào tạo người học có tư duy và phát triển các kỹ năng thiết kế, phân tích, quản lý và sản xuất các sản phẩm may trong công nghiệp.

Theo đó, vị trí việc làm của sinh viên theo đuổi ngành học này vô cùng đa dạng và nhiều cơ hội phát triển khi có thể trở thành các giám đốc điều hành, quản đốc, quản lý bộ phận, trưởng phòng, kỹ sư, kỹ thuật viên, chuyên viên kỹ thuật…. trong các cơ quan, công ty doanh nghiệp hay nhà máy.

Sinh viên ngành Công nghệ may được thực hành từ năm học đầu tiên

Đánh giá cao vai trò và tiềm năng của ngành Công nghệ may trong thực tiễn khi cung cấp hàng nghìn kỹ sư, cử nhân cho các doanh nghiệp trong nước, góp phần xây dựng và phát triển lĩnh vực dệt may Việt Nam, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên chính thức đào tạo ngành Công nghệ may từ năm 1996, bắt đầu từ hệ trung cấp, rồi đến cao đẳng, đại học và liên thông đại học.

Đến năm 2004, trường chính thức tuyển sinh khóa đại học chính quy ngành Công nghệ may.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Nhung cho biết, chương trình đào tạo ngành Công nghệ may tại Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên tập trung đào tạo các kiến thức, kỹ năng về công nghệ theo xu hướng hiện đại trong lĩnh vực may mặc.

Theo đó, trường đã thiết kế rõ các mô đun đào tạo về thiết kế kỹ thuật sản phẩm may, lập kế hoạch và triển khai sản xuất, công tác quản lý sản xuất, quản lý nhà máy, các mảng về nghiệp vụ quản lý chất lượng sản phẩm và các công nghệ xử lý hoàn tất sản phẩm vật liệu dệt may.

Bên cạnh khối kiến thức cơ bản về các hoạt động nghề nghiệp, người học còn được đào tạo các kiến thức và kỹ năng về tin học, ngoại ngữ trong lĩnh vực dệt may và thời trang, những kỹ năng cần thiết như tổ chức làm việc theo nhóm, tự nghiên cứu và phát hiện giải quyết những vấn đề mới để có thể làm việc trong môi trường đa ngành, đa văn hoá.

Ngoài ra, sinh viên theo học ngành Công nghệ may được ưu tiên lựa chọn 1 trong 5 chuyên ngành liên quan, bao gồm: Thiết kế thời trang; Thiết kế đồ hoạ thời trang; Thiết kế kỹ thuật sản phẩm; Quản lý và sản xuất thông minh ngành may; Vật liệu và Công nghệ hoàn tất sản phẩm dệt may.

Kết thúc chương trình đào tạo, người học được tiếp nhận khối kiến thức cơ sở ngành và kiến thức ngành chung của ngành công nghệ may, có đủ kỹ năng chuyên môn sâu để giải quyết các vấn đề trong lĩnh vực may công nghiệp tại Việt Nam và bối cảnh toàn cầu hoá.

Xưởng thực hành ngành Công nghệ may tại Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên. Ảnh: NTCC

Xưởng thực hành ngành Công nghệ may tại Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên. Ảnh: NTCC

Cô Nhung cho hay, ưu điểm nổi trội và khác biệt của chương trình đào tạo ngành Công nghệ may tại Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên chính là người học được thực tập, thực hành tại xưởng trường và các doanh nghiệp.

Hiện nay, trường là đối tác của hầu hết các doanh nghiệp dệt may lớn trong khu vực miền Bắc và có mối quan hệ hợp tác tốt đẹp với nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn trong nước, sẵn sàng tạo điều kiện cho sinh viên được thực tập, thực tế ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

Bên cạnh đó, hệ thống xưởng trường được đầu tư và xây dựng khang trang với các phòng thực hành, thí nghiệm được trang bị máy móc hiện đại, quy mô như một nhà máy thu nhỏ giúp người học có cơ hội tiếp cận thực tế từ sớm, nâng cao trình độ tay nghề và tích lũy kinh nghiệm trong quá trình thực hành.

công nghệ may 5.jpeg
Sinh viên ngành Công nghệ may (UTEHY) hoàn thành quá trình thực tập tại doanh nghiệp. Ảnh: NTCC

Với phương châm “Học đi đôi với hành, lý thuyết gắn liền với thực tế", trường đã nhìn nhận những đặc điểm của ngành học để xây dựng khung chương trình phù hợp nhằm nâng cao hiệu quả và chất lượng đào tạo. Các học phần thực hành được bố trí đều theo từng học kỳ, từng năm học và theo các cấp độ khác nhau giúp người học tiếp cận theo một tiến trình thuận lợi nhất.

Cụ thể, chương trình đào tạo ngành Công nghệ may diễn ra trong 4 năm học và có 35-40% là các tín chỉ thực hành, thực tập tại phòng xưởng thực hành, thí nghiệm của trường hoặc học thực hành tại doanh nghiệp, được sắp xếp ngay từ học kỳ thứ II của năm học đầu tiên cho đến hết khóa học

Bên cạnh đó, cơ sở vật chất phục vụ cho công tác đào tạo luôn được nhà trường ưu tiên. Trong quá trình đào tạo ngành Công nghệ may, trường chủ động cập nhật máy móc, thiết bị tiên tiến, hiện đại nhằm tạo cho sinh viên có kỹ năng may thành thạo được các chủng loại sản phẩm trong lĩnh vực công nghệ may thời trang từ đơn giản đến phức tạp.

Đồng thời, biết phân biệt và giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình sản xuất, cải tiến thao tác để tăng năng suất lao động và đáp ứng yêu cầu từ thực tiễn.

Tố chất phù hợp để theo đuổi ngành Công nghệ may

Chị Đào Thị Hậu, cựu sinh viên ngành Công nghệ may - Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên, hiện đang là Trưởng nhóm IE tại Công ty May cao cấp Việt Hào chia sẻ, chương trình đào tạo ngành Công nghệ may được nhà trường thiết kế và xây dựng phù hợp với năng lực sinh viên mà vẫn đảm bảo đặc thù đào tạo chuyên sâu và đẩy mạnh tính thực hành, ứng dụng nghề nghiệp cao.

Do đó, sau khi tốt nghiệp, người học không chỉ có kiến thức và kỹ năng ngành nghề cơ bản mà còn có thể đáp ứng những yêu cầu về kỹ thuật và mỹ thuật theo xu thế, nhu cầu xã hội đang đòi hỏi.

Ngoài ra, trường cũng kết nối rất nhiều công ty sản xuất về lĩnh vực dệt may để tạo điều kiện cho sinh viên được thực tập, thực tế. Trong quá trình thực tập, sinh viên được rèn luyện nhiều kỹ năng dưới sự giám sát của doanh nghiệp, được làm đúng vị trí mà mình mong muốn, bám sát với chương trình đào tạo và phát huy những thế mạnh của bản thân.

công nghệ may 4.jpeg
SInh viên ngành Công nghệ may (UTEHY) trong chuyến tham quan thực tế tại doanh nghiệp. Ảnh: NTCC

Bởi vậy, ngay sau khi ra trường, rất nhiều sinh viên đã được các doanh nghiệp tuyển dụng đúng vị trí mà các bạn đã thực tập.

Theo chị Hậu, sinh viên học ngành Công nghệ may có thể không quá thông minh nhưng cần phải chăm chỉ, cần cù, chịu khó luyện tập và rèn luyện tay nghề ngay từ khi còn ngồi trên giảng đường đại học.

Bên cạnh việc nắm chắc khối kiến thức chuyên ngành, các bạn cần phải biết tận dụng các học phần và tín chỉ thực hành để rèn luyện nâng cao kỹ năng, trình độ làm việc và phát triển tay nghề. Có vậy, khi làm việc thực tế tại doanh nghiệp mới có thể rút ngắn được thời gian tiếp cận thực tế và đáp ứng thực tiễn công việc hiệu quả cao.

Trong khi đó, Tiến sĩ Nguyễn Thị Nhung cho rằng, để theo đuổi ngành Công nghệ may, sinh viên cần có kiến thức cơ bản về các môn khoa học tự nhiên. Điều này đảm bảo cho người học có khả năng tư duy logic, tính toán tốt, biết cách làm việc khoa học để có thể xây dựng kế hoạch sản xuất hiệu quả.

Bên cạnh đó, người học cần có sự cố gắng, nỗ lực và chăm chỉ, ham học hỏi và có đam mê, quyết tâm với ngành may mặc, bởi nhu cầu từ trường với lĩnh vực dệt may càng cao thì áp lực cạnh tranh cho nguồn nhân lực càng lớn. Cần rèn luyện kỹ năng làm việc nhóm để phối hợp và điều hành giữa các bộ phận, chịu được áp lực công việc trong môi trường sản xuất công nghiệp chuyên nghiệp.

Trong 4 năm học tại trường, sinh viên ngành Công nghệ may sẽ có cơ hội được tham gia các cuộc thi phát triển kỹ năng ngành nghề, giúp người học phát huy được sở trường, năng lực của bản thân, tích lũy thêm nhiều kinh nghiệm và nâng cao trình độ tay nghề.

Theo đó, kết quả của các học phần thực hành hay thành tích từ các cuộc thi chính là sản phẩm thực tế ghi nhận năng lực và trình độ của sinh viên, hỗ trợ cho quá trình tìm kiếm việc làm trong tương lai.

Ngoài ra, nhà trường còn thường xuyên tổ chức các buổi tọa đàm, giao lưu sinh viên và cựu sinh viên, các doanh nghiệp về các chủ đề liên quan đến ngành nghề, vị trí việc làm. Qua đó kết nối doanh nghiệp với sinh viên, lắng nghe và tiếp nhận những góp ý từ các đơn vị tuyển dụng để điều chỉnh chương trình đào tạo phù hợp và bám sát nhu cầu thực tiễn.

Đào Hiền