Học nghề 4 môn văn hoá, muốn thi tốt nghiệp THPT, học sinh rơi vào bế tắc

05/07/2023 06:42
Tường San
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Đến nay vẫn chưa có quy định học sinh trường nghề sau khi hoàn thành CT văn hóa 4 môn nếu có nhu cầu thi tốt nghiệp THPT cần học thêm những gì, trong bao lâu,...

Thông tư 15/2022/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo ra đời là hành lang pháp lý để triển khai việc dạy văn hóa cho học sinh vừa tốt nghiệp trung học cơ sở tham gia học nghề tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Theo thông tư này, học sinh vào học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp sẽ học 3 môn bắt buộc (Toán, Ngữ văn, Lịch sử) và ít nhất là 1 môn học lựa chọn (Vật lí, Hóa học, Sinh học, Địa lí) phù hợp với ngành nghề của mình. Người đứng đầu cơ sở giáo dục nghề nghiệp quyết định lựa chọn các môn học bảo đảm phù hợp với ngành, nghề đào tạo.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy vẫn còn nhiều vướng mắc với một bộ phận không nhỏ các em học nghề mong muốn thi tốt nghiệp trung học phổ thông, sau đó tuyển sinh vào trường đại học.

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về tình hình tuyển sinh của trường, ông Lê Quang Chiến, Phó trưởng phòng Đào tạo, Nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế, Trường Cao đẳng Lào Cai cho hay, những năm gần đây, trường tuyển sinh đạt từ trên 70% - trên 80% chỉ tiêu được giao mỗi năm.

Thầy Chiến chia sẻ, Trường Cao đẳng Lào Cai là một cơ sở đào tạo đa ngành nghề, tuy nhiên, do nhu cầu của xã hội, các ngành học thu hút tuyển sinh chủ yếu là các ngành thuộc lĩnh vực công nghiệp, du lịch.

Sinh viên Trường Cao đẳng Lào Cai trong tiết học (Nguồn: Fanpage nhà trường).

Sinh viên Trường Cao đẳng Lào Cai trong tiết học (Nguồn: Fanpage nhà trường).

Mặt khác, các ngành nghề thuộc khối ngành nông nghiệp, nghệ thuật, trong đó có nghệ thuật biểu diễn dân gian dân tộc là những ngành nghề có cơ hội việc làm rộng mở cùng thu nhập cao do đặc thù của địa phương nhưng lại khó thu hút được người học.

Mặc dù nhà trường cũng đã cố gắng đến tận nhà để tư vấn trực tiếp cụ thể cho phụ huynh học sinh trên địa bàn nhưng vẫn còn gặp nhiều vướng mắc do nhận thức của người dân.

Theo thầy Chiến, thuận lợi trong công tác tuyển sinh của trường là luôn nhận được quan tâm, hỗ trợ từ Ủy ban nhân dân tỉnh cùng các sở, ban, ngành. Hơn nữa, trường cũng là trường cao đẳng duy nhất của tỉnh Lào Cai.

Tuy nhiên, trong công tác tuyển sinh, trường vẫn gặp một số khó khăn nhất định.

Thầy Chiến chỉ ra, trước hết, do người dân trên địa bàn đa phần là đồng bào dân tộc thiểu số nên chưa nhận thức đầy đủ về việc lao động qua đào tạo, dẫn tới nhu cầu đi học nghề vẫn còn thấp.

“Nhiều phụ huynh ở khu vực khó khăn chỉ muốn con mình sau khi học xong lớp 9 sẽ đi làm tự do luôn, không học lên cao nữa. Họ chưa xác định được tầm quan trọng của việc học nghề là giúp con em của mình được đào tạo bài bản nên một số em vào học được một thời gian rồi lại bỏ”, thầy Chiến nói.

Bên cạnh đó, từ khi Thông tư 15/2022/TT-BGDĐT có hiệu lực, nếu các em học sinh sau bậc trung học cơ sở lựa chọn vừa học trung cấp vừa học văn hóa của trường nghề sẽ không thể tham gia kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông (do cơ sở giáo dục nghề nghiệp chỉ được đào tạo chương trình văn hóa 4 môn).

“Hiện vẫn chưa có quy định học sinh sau khi hoàn thành chương trình văn hóa 4 môn ở trường nghề nếu có nhu cầu thi tốt nghiệp trung học phổ thông nên học thêm thế nào, học trong bao lâu?

Điều này khiến nhiều phụ huynh và học sinh băn khoăn khi chọn vào trường nghề”, thầy Chiến nói.

Trong khi đó, thầy Trần Thành Đức, Hiệu trưởng Trường trung cấp Khôi Việt cũng cho rằng, theo Thông tư 15/2022/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định các em học 4 môn văn hóa thì chỉ có thể học lên cao đẳng nghề, còn muốn xét tuyển vào đại học thì phải học chương trình giáo dục thường xuyên 7 môn để thi tốt nghiệp.

Do vậy, nhiều học sinh, phụ huynh khi nghe tư vấn vào trường nghề còn băn khoăn, lo lắng vì các em chỉ được liên thông trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp.

Ngoài ra, theo thầy Đức, nhu cầu về việc học nghề của các em học sinh hiện nay chưa cao, nhiều phụ huynh vẫn có tâm lý là các con phải có tấm bằng tốt nghiệp trung học phổ thông.

Những năm qua, trường cũng luôn nỗ lực trong công tác tuyển sinh từ tư vấn tại chỗ đến tư vấn qua các kênh thông tin truyền thông nhưng vẫn không đạt được chỉ tiêu.

Trong khi đó, cơ hội việc làm, đầu ra của các bạn học sinh sau khi tốt nghiệp chương trình học hệ trung cấp, cao đẳng nghề đều rất tốt. Nhiều em ra trường chưa cần nhà trường giới thiệu đã nhanh chóng được nhận vào làm công việc đúng ngành nghề với mức lương tương đối ổn định.

Để khắc phục những khó khăn trong công tác tuyển sinh của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp hiện nay, Phó trưởng phòng Đào tạo, Nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế, Trường Cao đẳng Lào Cai đã đưa ra 2 đề xuất.

Thứ nhất, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có văn bản hướng dẫn cụ thể hơn về quy định dạy văn hóa trong trường nghề để vừa giúp học sinh hệ trung cấp sau khi hoàn thành chương trình văn hóa 4 môn có thể tham gia ở bậc học cao hơn như xét tuyển vào như đại học để vừa tận dụng được tốt nguồn lực của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Thứ hai, cần quan tâm hơn nữa đến công tác phân luồng, định hướng cho học sinh sau bậc trung học cơ sở, đặc biệt là đối với các em học sinh ở vùng khó, nơi trình độ dân trí chưa cao. Công tác phân luồng cho học sinh bậc trung học nên được thực hiện từ khi các em học lớp 8, thay vì để đến năm cuối cấp là lớp 9 mới tư vấn sẽ rất khó khăn.

Tường San