Đề xuất 3 chuẩn chuyên môn, 5 chuẩn nghiệp vụ để đánh giá GV cao đẳng nghề

12/04/2023 06:42
Khánh An
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-GV giảng dạy trình độ sơ cấp, trung cấp, cao đẳng tại cơ sở giáo dục nghề nghiệp sẽ có quy định về chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ, điểm đánh giá riêng.

Cuối tháng 3 vừa qua, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có văn bản số 1012/LĐTBXH-TCGDNN xin ý kiến đối với dự thảo Thông tư quy định chuẩn về chuyên môn, nghiệp vụ của nhà giáo giáo dục nghề nghiệp.

Theo đó, các nhà giáo giảng dạy trình độ sơ cấp, trung cấp, cao đẳng tại cơ sở giáo dục nghề nghiệp trình độ, cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên sẽ có quy định về chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ, điểm đánh giá riêng so với các nhà giáo giảng dạy nhóm ngành đào tạo giáo viên thuộc thẩm quyền quản lý nhà nước của Bộ Giáo dục và Đào tạo; nhà giáo giảng dạy chương trình giáo dục trung học phổ thông trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên.

Ảnh minh họa: Phạm Linh

Ảnh minh họa: Phạm Linh

Dự thảo nêu rõ các tiêu chí đánh giá chuyên môn, nghiệp vụ của nhà giáo dạy trình độ sơ cấp, trung cấp và cao đẳng, nổi bật trong đó là 8 tiêu chí đánh giá chuyên môn, nghiệp vụ của nhà giáo giảng dạy trình độ cao đẳng, trong đó có 3 tiêu chí về chuyên môn, 5 tiêu chí về nghiệp vụ.

3 tiêu chí đánh giá về chuẩn chuyên môn gồm: Tiêu chí 1: về trình độ đào tạo; Tiêu chí 2 về năng lực sử dụng ngoại ngữ; Tiêu chí 3 về năng lực ứng dụng công nghệ thông tin.

Đáng chú ý, trong Tiêu chí 1 về trình độ đào tạo, dự thảo nêu rõ:

Đối với nhà giáo dạy lý thuyết: Có bằng cử nhân hoặc văn bằng trình độ tương đương trở lên phù hợp với ngành, nghề giảng dạy.

Đối với nhà giáo dạy thực hành: Có chứng chỉ kỹ năng nghề để dạy thực hành trình độ cao đẳng phù hợp với ngành, nghề giảng dạy.

Nếu không có chứng chỉ kỹ năng nghề để dạy thực hành trình độ cao đẳng phù hợp với ngành, nghề giảng dạy thì phải có một trong các minh chứng về trình độ kỹ năng nghề phù hợp với ngành, nghề giảng dạy sau:

Bằng chứng nhận danh hiệu Nghệ nhân ưu tú, Nghệ sĩ ưu tú, Thầy thuốc ưu tú, Nhà giáo ưu tú; Bằng bác sĩ chuyên khoa cấp II; Bằng cử nhân đối với một số ngành, nghề đào tạo chuyên sâu đặc thù (Nghệ thuật; Huấn luyện thể thao; Giáo dục thể chất; Máy tính và công nghệ thông tin; Ngôn ngữ, văn học và văn hóa nước ngoài; Ngôn ngữ, văn học và văn hóa Việt Nam); Bằng tốt nghiệp cao đẳng nghề, bằng tốt nghiệp cao đẳng; Chứng chỉ hành nghề theo quy định của pháp luật; Chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia bậc 3; Chứng chỉ kỹ năng thực hành nghề trình độ cao đẳng nghề; Chứng nhận bậc thợ 5/7 hoặc 4/6; hoặc các văn bằng, chứng chỉ, chứng nhận tương đương trở lên.

Đối với nhà giáo dạy tích hợp: Có bằng cử nhân hoặc văn bằng trình độ tương đương trở lên phù hợp với ngành, nghề giảng dạy; Có chứng chỉ kỹ năng nghề để dạy thực hành trình độ cao đẳng phù hợp với ngành, nghề giảng dạy. Nếu không có chứng chỉ kỹ năng nghề để dạy trình độ cao đẳng phù hợp với ngành, nghề giảng dạy thì phải một trong các minh chứng về trình độ kỹ năng nghề được quy định tại khoản 2 của Điều 20 trong dự thảo Thông tư quy định chuẩn về chuyên môn, nghiệp vụ của nhà giáo giáo dục nghề nghiệp.

Bên cạnh đó, 5 tiêu chí đánh giá về nghiệp vụ đối với giáo viên trình độ cao đẳng gồm: Tiêu chí 4 về trình độ nghiệp vụ sư phạm; Tiêu chí 5 về tổ chức hoạt động giảng dạy; Tiêu chí 6 về học tập, bồi dưỡng nâng cao; Tiêu chí 7 về phát triển năng lực nghề nghiệp cho người học; Tiêu chí 8 về nghiên cứu khoa học

Ngoài ra, dự thảo cũng đưa ra những hướng dẫn về chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ để đánh giá, xếp loại nhà giáo giáo dục nghề nghiệp. Cụ thể, đối với nhà giáo dạy trình độ sơ cấp có 7 tiêu chí, 19 chỉ số; nhà giáo dạy lý thuyết trình độ trung cấp có 8 tiêu chí, 22 chỉ số; nhà giáo dạy thực hành trình độ trung cấp có 8 tiêu chí, 22 chỉ số; nhà giáo dạy lý thuyết trình độ cao đẳng có 8 tiêu chí, 23 chỉ số; nhà giáo dạy thực hành trình độ cao đẳng có 8 tiêu chí, 23 chỉ số; nhà giáo dạy tích hợp trình độ cao đẳng có 8 tiêu chí, 25 chỉ số.

Về cách tính điểm đánh giá theo dự thảo được tính như sau:

Điểm đánh giá tối đa của mỗi chỉ số là 4 điểm. Hiệu trưởng, Giám đốc cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên quyết định việc cho điểm chi tiết từng chỉ số theo 05 mức: 0, 1, 2, 3, 4. Riêng điểm đánh giá của Tiêu chí 1 quy định tại Điều 5, Điều 12, Điều 20 và điểm đánh giá của Tiêu chí 4 quy định tại Điều 8, Điều 15, Điều 23 chỉ đánh giá ở 02 (hai) mức: 0 hoặc 4.

Tổng số điểm đánh giá tối đa đối với nhà giáo dạy trình độ sơ cấp là 76 điểm; nhà giáo dạy lý thuyết và nhà giáo dạy thực hành trình độ trung cấp là 88 điểm; nhà giáo dạy tích hợp trình độ trung cấp là 92 điểm; nhà giáo dạy lý thuyết và nhà giáo dạy thực hành trình độ cao đẳng là 92 điểm; nhà giáo dạy tích hợp trình độ cao đẳng là 100 điểm.

Công thức tính điểm đánh giá quy đổi theo thang điểm 100:

Điểm quy đổi = (Tổng số điểm đánh giá đạt được x 100)/ Tổng số điểm đánh giá tối đa

Lưu ý: Điểm quy đổi chỉ lấy phần nguyên, sau khi đã làm tròn đến một chữ số thập phân đằng sau dấu phẩy.

Nhà giáo tham gia giảng dạy nhiều cấp trình độ đào tạo thì đánh giá, xếp loại theo chuẩn của nhà giáo giảng dạy ở cấp trình độ cao nhất.

Khánh An