Học sinh lớp 1 oằn lưng gánh bộ sách gần 1 triệu đồng vì thiếu chế tài xử lý

07/09/2020 06:21
Thảo Ly
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Phụ huynh cần nắm rõ quy định về sách giáo khoa để biết phải làm gì khi nhận được một sớ sách vở ngoài quy định mà nhà trường gửi về.

Câu chuyện học sinh lớp 1 tại một trường tiểu học ở Thành phố Hồ Chí phải mua tới 23 cuốn sách giáo khoa và sách, vở tham khảo đã gây bức xúc cho dư luận.

Bộ sách dành cho học sinh lớp 1 của chương trình mới áp dụng cho năm học tới (ảnh: P.L)Bộ sách dành cho học sinh lớp 1 của chương trình mới áp dụng cho năm học tới (ảnh: P.L)

Ngoài 8 môn học bắt buộc tương đương với 8 cuốn sách giáo khoa phải có thì đi kèm với đó là những cuốn vở bài tập và một số sách về kỹ năng sống.

Những câu hỏi được đặt ra học sinh lớp 1 chưa biết đọc, biết viết mà cần dùng đến nhiều sách vở như thế có hợp lý không? Nếu các em không mua vở bài tập liệu có học được không? Có học tốt không?.

Từ thực tế giảng dạy của mình, chúng tôi xin đưa ra câu trả lời giải đáp cho bạn đọc những thắc mắc này.

Nhiều cuốn vở bài tập mua về nhưng không dùng đến

Học sinh vào lớp 1, chưa biết đọc, biết viết. Vì thế khi dạy, giáo viên chỉ tập trung cho các em đọc để nhớ từng âm, vần.

Khi thực hành, các em được thao tác trên bộ đồ dùng học tiếng Việt, sau đó sẽ được viết vào bảng con để giáo viên sửa, cuối cùng giáo viên sẽ cho các em viết vào vở trắng.

Giáo viên sẽ đi từng bàn, quan sát từng em để cầm tay, sửa sai khi các em viết.

Một tiết học chỉ 35-40 phút, trường sĩ số ít thì 35 em, có trường sĩ số lên đến 50 hoặc 60 em nhiều khi chưa hướng dẫn xong cách viết vào vở đã hết giờ.

Vậy nên rất ít thầy cô dùng đến vở bài tập. Vì phụ huynh đã mua nên giáo viên thường giao bài về nhà cho các em là làm bài trong vở bài tập. Lên lớp, có giáo viên kiểm tra, có người cũng chẳng còn thời gian để nhớ đến.

Thế nên, học sinh được gia đình quan tâm còn làm, những em bố mẹ bận rộn chẳng ngó ngàng tới nên học thì hết năm vở bài tập vẫn còn mới nguyên không phải là chuyện lạ.

Học sinh lớp 1 cần bao nhiêu sách, vở là đủ?

8 cuốn sách giáo khoa của 8 môn học bắt buộc phải có. Còn vở bài tập sẽ không cần thiết. Phụ huynh nào muốn cho con rèn thêm ở nhà thì có thể tự mua. Trên trường học, nếu có cho học sinh làm vở bài tập giáo viên cũng chỉ dạy vào các tiết bổ sung buổi chiều.

Nếu trong lớp, em thì có vở bài tập, em không có thì sao? Giáo viên sẽ hướng dẫn cho học sinh viết vào vở trắng.

Đây cũng chính là phương pháp nhiều thầy cô giáo chọn vì viết vào vở trắng sẽ luyện cho các em biết trình bày bài sao cho đẹp mắt, biết viết chữa sao cho thẳng hàng, ngay lối, đúng ô ly, đúng khoảng cách trong khi viết vào vở bài tập lại hạn chế điều này.

Bởi thế, chúng tôi khẳng định không dùng vở bài tập, học sinh lớp 1 vẫn cứ học tốt.

Thế nhưng vì sao nhiều trường học hiện nay vẫn định hướng cho phụ huynh mua nhiều vở bài tập và sách tham khảo?

Sách giáo khoa được các đại lý chiết khấu 10% tổng số tiền bỏ ra nhưng sách tham khảo và vở bài tập thì mức chiết khấu tăng gấp nhiều lần (ít thì 30% nhiều lên tới 40 đến 50%).

Nếu một học sinh phải bỏ 800 ngàn ra mua sách vở thì tiền chiết khấu chỉ tính 30%, số tiền chênh lệch có khi lên đến 240 ngàn đồng/học sinh.

Một trường dăm trăm học sinh thì khoản chênh lệch không hề nhỏ. Món lợi lớn thế này sẽ chảy vào túi ai?

Giáo viên được trả thù lao bán sách 1%

Hoa hồng cao chót vót nên dù dư luận có bất bình kiểu bán sách “bia kèm lạc” hiện nay thì nhiều trường học vẫn cứ phớt lờ.

Lệnh trên ban xuống, giáo viên chúng tôi buộc phải kiêm luôn việc bán sách trong nhà trường (ai cũng phải bán, không bán không được với hiệu trưởng). Bù lại, nhà trường sẽ trích 1% gọi là tiền hoa hồng cho giáo viên (không nhận cũng không được).

Còn khoản vài chục phần trăm khi bán sách, vở tham khảo đi về đâu thì chẳng ai biết vì trong bảng quyết toán công khai tài chính cuối năm cũng chẳng thấy sự xuất hiện của những khoản tiền này.

Nay, Bộ giáo dục đã có Công văn 3401/BGDĐT-GDTH nêu rõ: “Mọi tổ chức cá nhân, không được ép buộc học sinh phải mua tài liệu tham khảo, phụ huynh học sinh, tự mua sắm theo nhu cầu thực tế và quyền tự chọn không bắt buộc”.

Tuy nhiên, ngay cả Thông tư 41/2010/TT-BGDĐT lẫn Công văn 3401/BGDĐT-GDĐT đều không có bất cứ chế tài nào ngăn chặn, xử lý hành vi ép buộc, lôi kéo cha mẹ học sinh mua các tài liệu không phải sách giáo khoa.

Mức chiết khấu thì lớn như vậy, nên học sinh vô hình trung trở thành tệp khách hàng của các nhà xuất bản, trường học trở thành đại lý. Bán được càng nhiều, đại lý càng được hưởng nhiều hoa hồng.

Vậy nên để bảo vệ mình, trước mắt phụ huynh cần nắm rõ quy định để biết phải làm gì khi nhận được một sớ sách vở ngoài quy định mà nhà trường gửi về. Tuy nhiên, ngay cả khi biết rõ, nhưng không phải ai cũng vượt qua được áp lực tâm lý sợ con em mình bị "đì" mà đành tặc lưỡi đăng ký mua cả bộ rồi về bỏ phí.

Thảo Ly