LTS: Nhằm hạn chế tối đa thương vong khi xảy ra tai nạn giao thông, em Hồ Thị Kim Ly học sinh lớp 7, Trường trung học cơ sở Phong Mỹ (Thừa Thiên Huế) đã sáng tạo giải pháp “Hạn chế thương vong khi xảy ra tai nạn giao thông”.
Với mong muốn được chia sẻ tới đông đảo bạn đọc về tấm gương học sinh này cũng như giải pháp mang lại hiệu quả, an toàn khi tham gia giao thông cho mọi người, Thạc sĩ Hồ Thành đã gửi đến Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam bài viết.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết này.
Làm thế nào để hạn chế tối đa thương vong khi xảy ra tai nạn giao thông là câu hỏi đã thôi thúc em Hồ Thị Kim Ly học sinh lớp 7, Trường trung học cơ sở Phong Mỹ, huyện Phong Điền, Thừa Thiên Huế sáng tạo giải pháp “Hạn chế thương vong khi xảy ra tai nạn giao thông”.
“Hạn chế thương vong khi xảy ra tai nạn giao thông” là đề tài được trao giải nhất Cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh lần thứ XII, năm 2018 vừa qua.
Mô hình hạn chế thương vong khi xảy ra tai nạn giao thông (Ảnh: tác giả cung cấp). |
Tâm sự với chúng tôi, em Hồ Thị Kim Ly cho biết: Việt Nam là quốc gia có tỷ lệ tử vong do tai nạn giao thông hàng đầu thế giới.
Nguyên nhân gây ra tai nạn giao thông có rất nhiều, có thể là do sự hiểu biết của một số người còn hạn chế về an toàn giao thông, về các hành vi lái xe không an toàn, môi trường giao thông không an toàn và cơ sở hạ tầng giao thông nghèo nàn...
Trong đó, việc lái xe xử lí không tốt ở những khúc cua, dải phân cách bị khuất tầm nhìn, ở cầu vượt... cũng gây ra những hậu quả nghiêm trọng.
Nếu giải quyết được nguyên nhân này chắc chắn rằng sẽ giảm thiểu được tai nạn giao thông một cách đáng kể.
Giải pháp này được áp dụng thì sẽ giảm được tỉ lệ thương vong khi người lái xe thiếu tầm nhìn quan sát hoặc vì một lí do nào đó lái xe đâm thẳng vào dải phân cách ở các đường tránh, cầu vượt.
9x chế tạo cảm biến công nghệ trên xe tự lái để giảm tai nạn giao thông |
Giảm tải tai nạn xảy ra khi người lái xe không làm chủ được tay lái hoặc do một nguyên nhân nào đó không thể điều khiển an toàn chiếc xe khi qua những khúc cua gấp hoặc ngoặt nghèo. Nguy hiểm hơn là đối với những khúc cua đồi núi, đèo cao, nguy hiểm.
Ly chia sẻ: Để giảm thương vong khi đâm vào dải phân cách.
Ở các dải phân cách của các con đường, thay vì sử dụng vật liệu bê tông cốt thép, em đã đưa ra giải pháp sử dụng vật liệu có tính chất đàn hồi, xốp, dẻo…để hạn chế hiện tượng quán tính khi người lái xe đâm vào dải phân cách này.
Trường hợp vì một nguyên nhân nào đó, người lái xe không làm chủ tốc độ, không quan sát kỹ hoặc thiếu tầm nhìn quan sát tông trực tiếp vào dải phân cách này sẻ giảm được tỉ lệ thương vong rất lớn.
Đối với các khúc cua của con đường, trong nửa bán kính của khúc cua, thay vì sử dụng rào chắn là các tấm lá sắt, thép, khối bê tông, sẽ sử dụng những trụ đàn hồi với những con lăn hình viên bi, các trụ này được liên kết với nhau bằng vật liệu mang tính đàn hồi.
Trong trường hợp vì một lí do nào đó, xe lỡ vượt ra khỏi làn đường và tông vào hệ thống rào chắn này thì chiếc xe sẽ lăn trên các con lăn hình viên bi, xe duy trì được quán tính, giữ và giảm vận tốc xe đồng thời giữ cho xe di chuyển đúng làn đường, không bị văng ra khỏi rào chắn.
Từ đó, sẽ hạn chế được tai nạn giao thông và giảm hẳn thương vong xảy ra.
Vị trí đặt các trụ viên bi (Ảnh: tác giả cung cấp). |
Giáo sư, Tiến sĩ Trần Hữu Dàng, Chủ tịch Liên Hiệp hội, Trưởng ban tổ chức Cuộc thi đánh giá ý tưởng và triển vọng của đề tài này rất cao.
Chúng tôi tôi rất ấn tượng nhất với công trình sáng tạo của em Hồ Thị Kim Ly, học sinh lớp 7, Trường trung học cơ sở Phong Mỹ - một ý tưởng chưa có ở nước ta.
Đây là đề tài có khả năng áp dụng trong thực tế rất cao, mang lại hiệu quả tốt, an toàn và hoàn toàn áp dụng được cho các loại đường khác nhau ở Việt Nam.