Học sinh nghèo tại Mèo Vạc phải sử dụng 100% tiền hỗ trợ để mua sách vở mới

23/05/2020 06:02
Đức Minh - Vũ Ninh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Lãnh đạo Phòng giáo dục huyện Mèo Vạc khẳng định không có bất cứ chỉ đạo gì liên quan chế độ học sinh nghèo theo Nghị định 86/2015/NĐ-CP là chối bỏ quanh co.

Nghịch lý: Học sinh nghèo bụng đói, mỗi năm mua 900.000 đồng sách vở, đồ dùng mới

“Những năm đầu về nhận công tác, khi rong ruổi một dải vùng cao huyện Mèo Vạc; chúng tôi không khỏi buốt lòng trước hình ảnh những học sinh vùng cao đầu trần, chân đất, phải ăn cơm trắng, măng cay.

Vì thế mỗi khi nghe tin học sinh nghèo được Nhà nước hỗ trợ là trong lòng những giáo viên vùng cao lại vui mừng khấp khởi.

Chúng tôi chỉ mong Nhà nước quan tâm nhiều đến các em học sinh vùng khó khăn để cuộc sống các em bớt cơ cực và được đi học”. Đây là những lời tâm sự gan ruột của một hiệu trưởng tại huyện Mèo Vạc.

Cũng giống như nhiều huyện khác của tỉnh Hà Giang, huyện Mèo Vạc cũng là địa phương được hưởng hỗ trợ theo Nghị định 86/2015/NĐ-CP.

Nghịch lý thay, số tiền Nhà nước hỗ trợ cho học sinh nghèo, các em không được sử dụng để mua mớ rau, con cá mà Phòng giáo dục yêu cầu sử dụng 100% tiền hỗ trợ để mua sách giáo khoa, đồ dùng học tập.

Vị hiệu trưởng thở dài: “Với số tiền đó học sinh có thể trích một phần để mua sách vở, đồ dùng học tập, số còn lại có thể sử dụng để các em cải thiện đời sống, bữa cơm có miếng thịt, con cá.

Học sinh nghèo vùng cao gạo chẳng có mà ăn nhưng năm nào cũng vở mới, bút mới…không dùng hết rất lãng phí. Mà những thứ đó đâu có ăn được. Chúng tôi biết đấy nhưng cũng chỉ biết thương học sinh mà giấu trong lòng”.

Ngày 15/5/2019, Phòng giáo dục và đào tạo huyện Mèo Vạc có công văn số 107 /PGDĐT-THCS: Về việc thực hiện Nghị định 86 theo kết luận của Ban thường vụ Huyện ủy.

Công văn trên được Phòng giáo dục huyện gửi các đơn vị trường học trực thuộc. Công văn nêu rõ 2 vấn đề:

1.Trích kết luận của Ban thường vụ huyện ủy về thực hiện chế độ hỗ trợ chi phí học tập theo Nghị định 86.

Về sách giáo khoa cho học sinh: Thực hiện mua mới, mua đủ sách giáo khoa và đồ dùng học tập cho học sinh được hưởng chính sách hỗ trợ theo quy định của Nhà nước đảm bảo sử dụng 100% số tiền được hỗ trợ.

Sách giáo khoa cũ của học sinh được trang bị năm học trước còn dùng lại được thì khuyến khích, động viên học sinh nộp lại cho nhà trường để trang bị cho những học sinh không thuộc diện được hưởng chính sách của năm sau, giảm bớt chi phí cho gia đình có học sinh đi học.

Việc đăng ký mua sách giáo khoa, vở, đồ dùng học tập cho học sinh các trường đăng ký thông qua một đầu mối Phòng giáo dục và đào tạo huyện để ký hợp đồng với nhà cung cấp có uy tín nhằm đảm bảo chất lượng.

2.Phòng giáo dục và đào tạo yêu cầu các trường nghiêm túc thực hiện các nội dung kết luận của Ban thường vụ huyện ủy, đối với những học sinh được hưởng chế độ là học sinh bán trú có thể đăng ký thêm đồ dùng cá nhân để các em có đồ dùng cá nhân sinh hoạt bán trú tại trường.

Phòng giáo dục và đào tạo yêu cầu các đơn vị trường học nghiêm túc thực hiện

Công văn chỉ đạo của Phòng giáo dục và đào tạo huyện Mèo Vạc (Ảnh:V.N)

Công văn chỉ đạo của Phòng giáo dục và đào tạo huyện Mèo Vạc (Ảnh:V.N)

Căn cứ theo Nghị định 86/2015/NĐ-CP và thông tư hướng dẫn số 09/2016/ TTLT-BGDĐT-BTC-BLĐTBXH: Không yêu cầu học sinh nghèo được hưởng hỗ trợ 900.000 đồng/ năm học phải sử dụng bao nhiêu phần trăm số tiền đó để mua sách giáo khoa và đồ dùng học tập.

Thế nhưng Phòng giáo dục và đào tạo huyện Mèo Vạc lại yêu cầu đảm bảo 100% tiền hỗ trợ để mua sách giáo khoa, đồ dùng mới. Trong khi đời sống học sinh còn nhiều khó khăn. Căn cứ nào để Phòng giáo dục huyện Mèo Vạc áp đặt “chỉ tiêu” như vậy?

Thứ hai, việc mua bán sách giáo khoa và đồ dùng học tập của học sinh trên cơ sở tự nguyện hoặc ủy quyền cho nhà trường thì nhà trường có trách nhiệm lựa chọn nhà cung ứng.

Vậy tại sao Phòng giáo dục huyện Mèo Vạc lại yêu cầu các trường đăng ký về 1 đầu mối duy nhất là Phòng giáo dục để ký hợp đồng với nhà cung cấp có uy tín nhằm đảm bảo chất lượng?

Với hai vấn đề này, một số hiệu trưởng bức xúc: “Việc làm mập mờ của Phòng giáo dục huyện Mèo Vạc đặt ra dấu hỏi về vấn đề lợi ích, hoa hồng.

Trong khi học sinh nghèo không có cơm mà ăn thì phải sử dụng 100% tiền hỗ trợ mua sách vở, đồ dùng. Không dùng hết năm sau lại mua mới rất lãng phí. Phòng không có căn cứ nào để yêu cầu phải sử dụng 100% chi phí hỗ trợ mua sách vở, đồ dùng”.

Phòng giáo dục huyện Mèo Vạc chối bỏ trách nhiệm

Phóng viên Giáo dục Việt Nam đã có cuộc phỏng vấn với ông Lâm Quang Hưng, trưởng phòng giáo dục huyện Mèo Vạc.

Xin ông cho biết việc chi trả tiền học sinh được Nhà nước hỗ trợ theo Nghị định 86/2015/NĐ-CP trên địa bàn huyện được triển khai như thế nào?

Các cháu học sinh nghèo được hỗ trợ 100.000 đồng/ tháng tương đương 900.000 đồng/ năm học/ 9 tháng. Sau khi có kinh phí Phòng giáo dục chuyển cho các trường phát cho học sinh. Kinh phí đấy dùng để hỗ trợ các em mua sách giáo khoa và đồ dùng học tập.

Do đặc thù của vùng cao không giống dưới xuôi, còn nhiều khó khăn. Thứ nhất là nhận thức của phụ huynh còn kém.

Thứ hai điều kiện đi lại không được thuận lợi. Cho nên phụ huynh sẽ thỏa thuận nhờ nhà trường mua sách vở và đồ dùng học tập cho học sinh. Số tiền thừa sẽ chuyển về cho các em.

Căn cứ nào để Phòng giáo dục chỉ định danh mục sách giáo khoa và đồ dùng học tập?

Vấn đề này chúng tôi không có chỉ đạo gì cả. Danh mục sách vở đồ dùng do các trường tự đưa ra. Phòng giáo dục chỉ đạo các trường phải đảm bảo điều kiện học sinh có sách vở, đồ dùng mới làm sao cho các cháu được trang bị đàng hoàng khi đến trường.

Dĩ nhiên là trong Nghị định 86 không có quy định danh mục. Trong đó chỉ ghi là cấp kinh phí hỗ trợ cho học sinh mua trang thiết bị và đồ dùng học tập.

Căn cứ vào đó các trường tự nắm bắt và định hướng cho phụ huynh, học sinh mua những loại sách vở, đồ dùng học tập nào.

Nếu phụ huynh không muốn sử dụng 100% tiền hỗ trợ để mua sách vở và đồ dùng học tập có được không, thưa ông?

Việc năm sau phụ huynh không muốn mua thêm đồ dùng học tập cho học sinh thì cái đấy nằm ở thỏa thuận giữa phụ huynh và nhà trường, làm sao đảm bảo vở viết, trang thiết bị có thể đến trường. Việc này hoàn toàn do nhà trường và phụ huynh quyết định.

Đối với khối mầm non các em không mua sách giáo khoa thì các em sẽ mua trang thiết bị tối thiểu và một số quyển sách thiết yếu.

Việc lựa chọn nhà cung ứng sách giáo khoa và đồ dùng học tập dựa trên nguyên tắc nào, thưa ông?

Nhà trường tự lựa chọn nhà cung ứng sách căn cứ vào nhu cầu của học sinh sẽ lựa chọn các đơn vị cung ứng đảm bảo trang thiết bị, đồ dùng, sách giáo khoa phù hợp. Các đơn vị cung ứng thì Phòng giáo dục có giới thiệu một số đơn vị cho các trường lựa chọn chẳng hạn như công ty An Vinh. Sau khi trừ số tiền mua sách, thiết bị và đồ dùng còn thừa bao nhiêu sẽ phát lại cho phụ huynh.

Phòng giáo dục và đào tạo huyện Mèo Vạc (Ảnh:V.N)

Phòng giáo dục và đào tạo huyện Mèo Vạc (Ảnh:V.N)

Chúng tôi muốn xác nhận một lần cuối là Phòng giáo dục không có bất kỳ chỉ đạo nào về việc sử dụng bao nhiêu kinh phí hỗ trợ để học sinh mua sách vở, đồ dùng; cũng như không chỉ đạo danh mục mua sắm và các trường tự ký hợp đồng, tự lựa chọn nhà cung ứng?

Đúng vậy, phòng giáo dục không có bất kỳ chỉ đạo gì vì đây là thỏa thuận giữa phụ huynh và nhà trường, nhà cung ứng.

Vậy tại sao chúng tôi lại có văn bản số 107 /PGDĐT-THCS do ông Lâm Quang Hưng ký yêu cầu sử dụng 100% tiền hỗ trợ để mua sách giáo khoa đồ dùng học tập?

Mặc dù công văn nói dùng hết nhưng thực tế thì không dùng hết, do nhu cầu người ta đăng ký như nào thôi, không dùng hết 900.000 đồng được.

Về chuyện các trường ký hợp đồng với Công ty An Vinh chúng tôi cũng chỉ giới thiệu nhà cung ứng thôi.

Còn danh mục thì cũng chỉ đưa về thế, các anh mua bao nhiêu thì mua. Việc đăng ký đầu mối thì chúng tôi cũng chỉ là để đảm bảo kiểm soát nội dung đăng ký của các trường không bị thiếu, thất thoát.

Vậy tại sao Phòng giáo dục chỉ mấy phút trước lại nói không có chỉ đạo gì?

Trong công văn yêu cầu 100% nhưng thực tế thì các trường không thể nào dùng hết (số tiền 900.000 đồng/học sinh/ năm).

Giáo dục Việt Nam không đưa thêm bất cứ bình luận gì. Nhưng độc giả sau khi đọc công văn số 107 /PGDĐT-THCS và đối chiếu với những câu trả lời của trưởng phòng Lâm Quang Hưng sẽ nhận thấy ngay được sự mâu thuẫn giữa lời nói và hành động của lãnh đạo Phòng giáo dục Mèo Vạc

Một giáo viên chua xót: “Học sinh nghèo không có cơm mà ăn nhưng năm nào cũng ngửi mùi vở mới, đồ dùng mới. Chắc để cho no bụng đây mà!”.

Đức Minh - Vũ Ninh