Chia sẻ quan điểm về việc, Bộ Giáo dục và Đào tạo có nên tổ chức biên soạn 1 bộ sách giáo khoa như yêu cầu tại Nghị quyết 88 của Quốc hội, Phó giáo sư Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho rằng:
“Nếu Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức biên soạn một bộ sách giáo khoa thì dần dà sẽ “triệt tiêu” chủ trương xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa mà chúng ta đang làm tốt hiện nay”.
Theo ông Trần Xuân Nhĩ, Nghị quyết Quốc hội số 88/2014/QH13 được xây dựng và ban hành trong bối cảnh lần đầu tiên Việt Nam khuyến khích xã hội hóa việc biên soạn sách giáo khoa.
Ở thời điểm đó, chúng ta chưa hình dung và chắc chắn được chủ trương này có thành công không.
Do đó, để chủ động triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, Nghị quyết 88 giao Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức việc biên soạn một bộ sách giáo khoa, để lỡ việc xã hội hóa không thành công hoặc chậm trễ thì vẫn có sách giáo khoa cho học sinh học tập.
Theo Phó giáo sư Trần Xuân Nhĩ: “Trong hoàn cảnh hiện nay, tốt nhất là nên báo cáo Quốc hội để Bộ Giáo dục và Đào tạo không tổ chức biên soạn sách giáo khoa bằng ngân sách nhà nước nữa..." (Ảnh minh họa: Nguồn Nhà xuất bản giáo dục Việt Nam) |
Hoàn cảnh ra Nghị quyết là như thế, nhưng trong quá trình thực hiện, chúng ta thấy rằng từ chủ trương xã hội hóa đã có 5 bộ sách giáo khoa lớp 1 của đầy đủ các môn học bắt buộc và môn tự chọn tiếng Anh.
Những bộ sách giáo khoa này được Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa đánh giá “Đạt”, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt cho phép sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông.
Các nhà trường và giáo viên thời gian vừa qua khi nghiên cứu sách giáo khoa để lựa chọn sử dụng trong cơ sở giáo dục của mình, cũng đánh giá rất tốt chất lượng nội dung và hình thức các bộ sách giáo khoa lớp 1 của chương trình giáo dục phổ thông mới, được biên soạn bằng nguồn kinh phí xã hội hóa.
Bộ Giáo dục yêu cầu cung cấp kết quả chọn sách giáo khoa lớp 1 trước 20/5 |
Từ thực tế đó, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng, Bộ Giáo dục và Đào tạo và Chính phủ nên báo cáo Quốc hội để xin ý kiến điều chỉnh Nghị quyết 88 theo hướng không tổ chức biên soạn bộ sách giáo khoa dùng ngân sách nhà nước nữa.
Việc này, vừa tiết kiệm cho ngân sách nhà nước, mà quan trọng hơn là nếu Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức biên soạn thêm một bộ sách giáo khoa sẽ bị xem như “độc quyền” và việc cạnh tranh giữa các bộ sách giáo khoa do Bộ tổ chức biên soạn và sách giáo khoa xã hội hóa sẽ khó công bằng.
Nếu chất lượng bộ sách giáo khoa do Bộ tổ chức biên soạn tốt hơn sách giáo khoa xã hội hóa thì dần dà sẽ “triệt tiêu” chủ trương xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa mà chúng ta đang làm tốt hiện nay.
“Trong hoàn cảnh hiện nay, tốt nhất là nên báo cáo Quốc hội để Bộ Giáo dục và Đào tạo không tổ chức biên soạn sách giáo khoa bằng ngân sách nhà nước nữa.
Tôi hi vọng Quốc hội sẽ đồng tình với chủ trương này. Xã hội hóa việc biên soạn và xuất bản sách giáo khoa đang làm tốt, chúng ta nên dành nguồn lực, thời gian vào thực hiện những việc khác.
Số tiền đã vay Ngân hàng thế giới để Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức biên soạn sách giáo khoa, chúng ta có thể sử dụng vào nhiều việc khác như:
Mua sách cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn, xây dựng tủ sách dùng chung để giáo viên, học sinh có thêm tài liệu tham khảo, bên cạnh các sách giáo khoa đã được nhà trường lựa chọn sử dụng trong giảng dạy trên lớp” - ông Trần Xuân Nhĩ chia sẻ.
Luật Giáo dục cho chọn nhiều bộ sách, sao Bộ lại dự thảo để...độc quyền? |
Cũng liên quan đến vấn đề này, Đại biểu Quốc hội khoá XIII Bùi Thị An cũng cho rằng khi chủ trương xã hội hóa đã bước đầu thành công, ta nên tiếp tục đẩy mạnh thực hiện.
Nhiệm vụ tổ chức biên soạn sách giáo khoa dùng ngân sách nhà nước đã được quy định trong Nghị quyết 88, Bộ Giáo dục và Đào tạo nên báo cáo Chính phủ để Chính Phủ báo cáo và xin ý kiến Quốc hội thôi thực hiện nhiệm vụ này.
“Đã có sách giáo khoa xã hội hóa rồi thì nên tối ưu sử dụng. Bộ Giáo dục và Đào tạo không nên tổ chức biên soạn thêm sách giáo khoa gây lãng phí ngân sách, tốn thời gian, công sức.
Sau 3-5 năm thực hiện xã hội hóa sách giáo khoa, ta có thể tổ chức đánh giá thực tiễn, nếu thấy có bất cập và cần thiết thì có thể điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn dạy - học”, bà An nói.
Theo nguyên đại biểu quốc hội Bùi Thị An là phải có cạnh tranh mới lựa chọn được sản phẩm tốt nhất và có cạnh tranh thì giá thành mới giảm.
Nhưng nếu Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức biên soạn sách giáo khoa thì sự cạnh tranh với các bộ sách giáo khoa xã hội hóa khác sẽ không công bằng, thậm chí có thể dẫn đến tình trạng độc quyền trong lựa chọn sách.
Điều này sẽ “thủ tiêu” việc xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa chúng ta đang làm rất tốt hiện nay.
Trong khi dù Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức biên soạn thì cũng phải mời các tác giả uy tín tham gia, nhà xuất bản dùng kinh phí xã hội hóa tổ chức biên soạn sách giáo khoa thì cũng mời đội ngũ các tác giả ấy.
Như vậy, khi thực hiện xã hội hóa, ta vẫn đảm bảo được chất lượng sách giáo khoa mà tiết kiệm được ngân sách nhà nước.
“Phải để xã hội, phụ huynh, học sinh được quyền lựa chọn và sử dụng sách giáo khoa tốt nhất, giá thành phù hợp nhất”, bà An nhấn mạnh và đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ tập trung vào việc thẩm định sách giáo khoa để đảm bảo các bộ sách được sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông phải có chất lượng tốt, đáp ứng các yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới.
Nguồn ngân sách được tính toán để sử dụng cho việc tổ chức biên soạn sách giáo khoa nên được nghiên cứu để dùng vào những việc phù hợp khác.