Học sinh tiếp tục được nghỉ học thêm 2 tuần nữa, tính cả lịch nghỉ Tết Nguyên đán các em nghỉ hơn 1 tháng.
Trong mùa dịch này, tình trạng các em học sinh ở nhà thường xuyên chơi game trên các thiết bị điện tử hiện đại là không tránh khỏi. (Ảnh có tính chất minh họa của VTV). |
Với thời gian nghỉ dài như thế này, không chỉ phụ huynh lo lắng việc học cho con mà nhiều giáo viên cũng vô cùng lo ngày các em trở lại trường sẽ hổng kiến thức.
Nhiều trường học hiện nay, khắc phục bằng cách đưa các ứng dụng công nghệ thông tin (thư điện tử, Zalo, Facebook, Messenger, Classroom, Viber, trang mạng Trường học kết nối…) đến với học sinh với hy vọng sẽ cũng cố kiến thức và bồi dưỡng nâng cao (cho từng đối tượng) giúp các em dù nghỉ học vẫn như đang đến trường.
|
Thế nhưng, trong thực tế học sinh có khả năng học thông qua các ứng dụng công nghệ thông tin như trên phần lớn là học sinh thành thị, học sinh có điều kiện kinh tế khá giả được gia đình quan tâm.
Còn phần đông học sinh vùng quê, vùng miền núi thì sao?
Một số đồng nghiệp dạy học ở vùng miền núi Kỳ Sơn, Lai Châu cho biết, học sinh nghỉ học về nhà là giáo viên cũng khó mà gặp được.
Phụ huynh thường đi làm cả ngày trên nương rẫy, có gia đình ở tại rẫy hàng tuần mới về nhà.
Mùa dịch cúm trẻ không đến trường thì ở nhà tự chơi, có em theo ba mẹ lên nương ở luôn trên ấy. Giáo viên muốn liên lạc cũng chỉ biết gọi điện thoại nhưng chẳng phải gọi khi nào cũng gặp.
Nhiều thầy cô cho biết, muốn giúp học sinh học trong giai đoạn này cũng chẳng biết giúp bằng cách nào?
Thôi đành để ngày các em nhập trường thì tăng cường dạy kèm, phụ đạo những kiến thức mà học sinh đã quên trong thời gian nghỉ học.
Học sinh vùng nông thôn, vùng biển thì sao?
Đời sống người dân vùng này cũng như nhận thức về việc học của con em mình cũng tiến bộ nhiều hơn. Thế nhưng, sự quan tâm việc học cho con đôi khi cũng còn hời hợt.
Ngoài một số học sinh bậc trung học đang lo lắng cho việc chuyển cấp và thi tốt nghiệp phổ thông tìm cách học trực tuyến thì phần đông học sinh tiểu học nơi chúng tôi giảng dạy gần như vẫn chơi là chủ yếu.
Những chiếc điện thoại đắt tiền, những chiếc máy tính xịn nhiều nhà cũng có. Nhưng con trẻ chỉ cầm chơi điện tử, xem phim. Việc truy cập vào các trang mạng để học trực tuyến xem ra khá ít.
Nhiều phụ huynh cũng đi làm cá suốt ngày, giáo viên muốn liên lạc cũng chẳng dễ dàng gì.
Có thầy cô vì nóng ruột muốn tập trung vài nhóm học sinh kèm phụ đạo miễn phí cũng không dám vì như thế là vi phạm việc phòng chống dịch bệnh cho các em.
Thế là những đứa trẻ ngày đi chơi, đêm về lại ôm điện thoại, máy tính với bao trò chơi hấp dẫn khác.
Phụ huynh cần giữ mối liên hệ thường xuyên với giáo viên
Dù thương học sinh, giáo viên cũng không thể đến từng nhà mấy chục em để giảng bài, để hướng dẫn các em học trong mùa dịch cúm.
Mà có đến nhà cũng chắc gì gặp được khi cha mẹ học sinh đi vắng, nhiều em lại đi chơi? Trong khi gọi điện thoại lại không liên lạc được vì nhiều phụ huynh bận việc.
Để giúp các em không quên bài sau một kỳ nghỉ dài thì nhất định phụ huynh phải giữ mối liên lạc với giáo viên.
Về phần thầy cô giáo, đã có những giáo viên chủ động lập group trên trang mạng Zalo, Facebook để kết nối với phụ huynh chuyển bài tập giúp học sinh ôn luyện trong thời gian nghỉ học. Nhờ đó, nhiều học sinh cũng đã biết cách ôn tập một cách hiệu quả.