Nguy cơ rủi ro khi mua tàu thủy cũ
Tuyên bố bỏ ra số tiền hàng nghìn tỉ đồng với kể hoạch mua 100 tàu thủy, hai máy bay trực thăng và hai ụ nổi ra ngư trường Hoàng Sa cùng ngư dân khai thác đánh bắt thủy hải sản của ông Phạm Ngọc Lâm - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Đức Khải (Công ty Đức Khải) đang thu hút sự quan tâm lớn của dư luận.
Sự quan tâm này xuất phát từ độ “chịu chơi” của ông chủ Công ty Đức Khải. Đồng thời họ cũng muốn xem một doanh nghiệp bất động sản bỗng rẽ sang ngang, đầu tư khai thác thủy hải sản sẽ làm được gì?.
Ông Trần Cao Mưu, Tổng thư ký Hiệp hội nghề cá Việt Nam (ảnh: H. Lực) |
Trong kế hoạch mua sắm khủng của mình, ông Phạm Ngọc Lâm cho biết, hiện tại 45 con tàu thủy có công suất 500 đến 1.500 mã lực đã được Công ty Đức Khải mua tại Hàn Quốc, dự kiến chuyển về Việt Nam trong tháng 8/2014. 55 con tàu tiếp theo sẽ được doanh nghiệp này tìm mua tại Úc và Nhật Bản.
Lý giải việc mua lại tàu thủy cũ, ông Lâm cho hay, vì mua tàu cũ có thể sử dụng được ngay trong khi nếu mua tàu mới sẽ phải chờ đợi thời gian đóng mới.
Tuy nhiên nhìn góc độ chuyên môn, theo ông Trần Cao Mưu - Tổng thư ký Hội nghề Cá Việt Nam (nguyên Giám đốc Sở Thủy sản Nghệ An), việc Công ty Đức Khải mua lại tàu thủy cũ sẽ tiềm ẩn nguy cơ, đi cùng với đó giá trị con tàu ở cả khía cạnh sử dụng hay trao đổi mua bán đều thấp.
Ông Mưu phân tích, công nghệ đóng tàu các nước liên tục được đổi mới đặc biệt tại các nước có ngành công nghiệp đóng tàu phát triển. Lượng tàu cũ đã qua sử dụng liên tục được đào thải được chứa tại các cảng biển cũ, các bãi tập kết.
(GDVN) - Nhiều người trong ngành nhận định, việc Chủ tịch HĐQT CTCP Đức Khải đầu tư hàng nghìn tỷ đồng với kế hoạch ra Hoàng Sa đánh cá sẽ gặp không ít khó khăn.
“Nó giống như bãi chứa ô tô, xe máy cũ trên đất liền, những tàu này dù có công suất lớn nhưng công nghệ cũ, ảnh hưởng đến môi trường nên bị loại bỏ. Tuy bị loại bỏ tại nước sở tại nhưng vẫn được các nước kém phát triển hơn mua về sử dụng do đó tiềm ẩn nguy cơ rủi ro cao”, ông Mưu cho biết.
Nguy cơ thứ nhất chính là việc tiêu tốn năng lượng cũng như bảo trì sửa chữa bảo dưỡng. Đã là công nghệ cũ, kể các các nước sản xuất thường sẽ không sản xuất các thiết bị để thay thế, vì vậy khi nhập tàu thủy cũ phải chấp nhận nhập kèm thiết bị thay thế kể cả với giá cao.
Thứ hai tàu cũ nếu là tàu đang sử dụng tốt, giá sẽ không rẻ hơn tàu đóng mới là bao. Ngược lại, nếu là tàu thải loại vẫn sử dụng được nhưng bỏ không từ lâu, chất lượng tàu sẽ xuống cấp, tuổi thọ sử dụng khi mua về sẽ rất ngắn, nguy cơ mất an toàn cao.
Thứ ba vấn đề môi trường, một trong những nguyên nhân khiến tàu thủy dù công suất cao vẫn bị loại bỏ vì yếu tố tác động đến môi trường nước, môi trường không khí…
Vì sao đại gia Sài Gòn không mua tàu "made in Việt Nam"?
Người đứng đầu Công ty Đức Khải cho rằng, việc mua tàu cũ sẽ có ngay, không cần chờ thời gian đóng mới? Tuy nhiên nếu chỉ vì yếu tố phải chờ đợi thì với số lượng chỉ là 100 con tàu, Đức Khải hoàn toàn có thể lựa chọn “mua góp” những con tàu mới được đóng sẵn tại các doanh nghiệp đóng tàu trong nước.
Một điều được dư luận đặt ra tại sao Đức Khải không mua tàu đóng của doanh nghiệp trong nước như vậy sẽ cùng lúc làm được hai việc: Giúp doanh nghiệp đóng tàu tiêu thụ sản phẩm, đúng tiêu chí “người Việt dùng hàng Việt”, thể hiện tấm lòng yêu nước chân thành sâu sắc của một doanh nhân? Thay vào đó lại mua tàu cũ tại các nước tiềm ẩn nhiều nguy cơ?
Đánh giá giá trị của một tàu thủy cũ đã qua sử dụng Tổng thư ký Hội nghề Cá Trần Cao Mưu cho rằng, sẽ rất khó để biết chính xác giá của con tàu cũ đó là bao nhiêu. “Tàu công nghệ cũ, nếu xin khéo họ còn cho vì mình giúp dọn bãi rác cho họ”, ông Mưu khẳng định.
Tóm lại theo ông Mưu. giá trị con tàu đóng mới và tàu đã qua sử dụng rất khác nhau. Vì vậy lựa chọn phù hợp nhất là đóng mới.