Thông tin về vụ điều tra Chu Vĩnh Khang vẫn đang thu hút sự chú ý đặc biệt từ dư luận trong và ngoài Trung Quốc với nhiều tình tiết bí ẩn. |
Tạp chí Minh Kính số 55 xuất bản tại Hồng Kông cho biết, các tập đoàn quyền lực cấp cao Trung Quốc đã chuẩn bị sẵn từ trước để gây áp lực liên tục lên Tập Cận Bình, Vương Kỳ Sơn và Lý Khắc Cường trong vụ việc xử lý Chu Vĩnh Khang, Quách Bá Hùng trong hội nghị Bắc Đới Hà năm nay vừa kết thúc.
Trần Tiểu Bình, giám đốc xuất bản tạp chí Minh Kính cho biết, nguồn tin thân cận của tạp chí này cho biết các "nguyên lão chính trị" hàng đầu Trung Quốc đã yêu cầu Tập Cận Bình truy cứu các thành viên gia đình, thư ký và thuộc hạ của Chu Vĩnh Khang, nhưng chỉ xử lý Khang trong nội bộ đảng, không đưa ra tòa xét xử công khai.
Cũng theo Trần Tiểu Bình, nội dung nghị sự của hội nghị Bắc Đới Hà 2014 khá nhiều, tóm lại gồm 2 vấn đề chính là chống tham nhũng và định hướng chính sách. Chống tham nhũng tập trung vào 3 nhân vật: Chu Vĩnh Khang, Lệnh Kế Hoạch và Quách Bá Hùng; Chính sách và sự vụ kinh tế theo quan điểm quản lý nhà nước bằng luật pháp dự kiến đưa ra thảo luận tại hội nghị trung ương 4 vào tháng 10 tới.
Thực tế, việc quyết định điều tra Chu Vĩnh Khang đã được thống nhất từ hội nghị Bắc Đới Hà năm 2013, nhưng năm nay Chu Vĩnh Khang vẫn là tiêu điểm của hội nghị thượng đỉnh này cho thấy việc đánh đổ 1 cựu ủy viên Thường vụ Bộ chính trị không phải chuyện dễ dàng. Vấn đề đặt ra hiện nay là xử lý Chu Vĩnh Khang tiếp theo thế nào, có đưa ra tòa truy tố hay không, xác định khung hình phạt ra sao?
Nguồn tin của tạp chí Minh Kính cho biết, bất chấp áp lực từ phe nguyên lão, Tập Cận Bình, Vương Kỳ Sơn và Lý Khắc Cường kiên quyết bảo lưu quan điểm trừng phạt Chu Vĩnh Khang nên trong hội nghị Bắc Đới Hà năm nay, tranh cãi giữa các nguyên lão và ủy viên Bộ chính trị đương nhiệm thuộc phe này với phe Tập Cận Bình là không thể tránh khỏi, thậm chí rất kịch liệt.
Ngay từ đầu, phe Giang Trạch Dân đã thấy rõ sự bất lợi và đứng ngồi không yên trong vụ điều tra Chu Vĩnh Khang. Mặt khác Tập Cận Bình không chỉ điều tra Chu Vĩnh Khang về việc tham nhũng mà quan trọng hơn là còn có âm mưu chính trị. Phe Giang Trạch Dân đã gây áp lực lên các thành viên Bộ chính trị khóa 18 để chỉ trích Tập Cận Bình và Vương Kỳ Sơn, yêu cầu gác lại việc xử lý Chu Vĩnh Khang trong cuộc họp đầu năm nay. Chính vì trở lực này nên việc điều tra Chu Vĩnh Khang phải 8 tháng sau mới được công bố.
Thông báo "lập án điều tra Chu Vĩnh Khang về những hành vi vi phạm kỷ luật nghiêm trọng" không đơn giản là trò chơi từ ngữ mà có nội hàm chính trị bên trong. Theo Dương Tiểu Quân, giáo sư luật học viện Hành chính quốc gia Trung Quốc, thông báo này nổi lên 2 điểm: Thứ nhất Chu Vĩnh Khang chưa chắc đã bị khai trừ đảng trên thực tế; Thứ hai, 2 chữ "điều tra" cho thấy vụ Chu Vĩnh Khang vẫn đang trong giai đoạn xử lý nội bộ, chưa giao cho cơ quan tư pháp.
Điều này làm cho diễn biến tiếp theo của vụ Chu Vĩnh Khang sẽ có nhiều biến số với các phương án khác nhau. Có thể thấy rõ điều này qua cách thức Bắc Kinh xử lý các tay chân thân tín của Chu Vĩnh Khang: Lý Hoa Lâm bị điều tra "vi phạm kỷ luật đảng", trong khi Ký Văn Lâm, Dư Cương, Đàm Hồng, Lý Sùng Hỷ đều bị điều tra "vi phạm kỷ luật đảng, vi phạm pháp luật".
Sái Chí Cường, giáo sư trường Đảng trung ương cho rằng: "vi phạm kỷ luật" chủ yếu là vi phạm kỷ luật đảng, trong khi "vi phạm kỷ luật, vi phạm pháp luật" là ngoài kỷ luật đảng, còn pháp luật nhà nước. Như vậy Chu Vĩnh Khang bị điều tra "vi phạm kỷ luật nghiêm trọng" có khả năng ông chưa bị chuyển giao cho cơ quan tư pháp.
Về trường hợp của Lệnh Kế Hoạch, Trần Tiểu Bình cho biết ngay từ cuối năm 2013 Minh Kính đã có hơn 10 loạt bài về các hoạt động của bản thân và gia đình Lệnh Kế Hoạch cũng như quy mô tập đoàn lợi ích và mưu đồ chính trị của quan chức này.
Nguồn thạo tin Trung Nam Hải nói với Minh Kính, bất luận xét về tham nhũng hay dã tâm chính trị, kết bè kéo cánh trong đảng thì Lệnh Kế Hoạch không kém gì Chu Vĩnh Khang. Tuy nhiên, nội bộ giới lãnh đạo Trung Quốc đương nhiệm và nghỉ hưu đạt được đồng thuận xử lý Lệnh Kế Hoạch dễ dàng hơn là Chu Vĩnh Khang. Hồ Cẩm Đào thậm chí đã phủ nhận Lệnh Kế Hoạch là "người của mình".