Hơn 1.000 SV liên quan vụ lừa đảo của Mr. Pips: Hào quang làm giàu nhanh chóng

05/05/2025 06:36
Minh Ngọc
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Có hơn 1.000 học sinh, sinh viên liên quan đến vụ án lừa đảo do TikToker Phó Đức Nam (Mr.Pips) và Lê Khắc Ngọ cầm đầu khiến dư luận không khỏi xôn xao.

Vào cuối năm 2024, một vụ án lớn được Công an Thành phố Hà Nội triệt phá đã khiến dư luận xôn xao. Hai đối tượng chính là Phó Đức Nam (tức TikToker Mr.Pips; 30 tuổi, trú Bà Rịa - Vũng Tàu) và Lê Khắc Ngọ (tức Mr.Hunter; 34 tuổi, trú Hà Nội) cầm đầu một đường dây lừa đảo tài chính tinh vi, với tổng số tiền thu giữ lên đến 5.300 tỷ đồng.

Một điều khiến dư luận quan tâm nữa chính là việc hơn 1000 học sinh, sinh viên có liên quan đến vụ việc. Tại cuộc tiếp xúc cử tri Thành phố Hà Nội vào ngày 17/4, Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng - Giám đốc Công an Thành phố Hà Nội cho biết phải xử lý nghiêm những người này bởi biết là lừa đảo nhưng vẫn tham gia. [1]

Hào quang ảo và cái bẫy “lướt sóng”

Mr.Pips tên thật là Phó Đức Nam, sinh năm 1994, là gương mặt không còn xa lạ với những người quan tâm về tài chính. Từ nhiều năm trước, Mr.Pips xuất hiện tràn ngập trên mạng xã hội, gắn liền với những đoạn clip hào nhoáng, lái xe sang, ở khách sạn 5 sao, dùng đồ hiệu đắt đỏ. Đối tượng tự xây dựng hình ảnh một “chuyên gia tài chính trẻ”, người từng “lên đời” nhờ đầu tư Forex và giờ muốn truyền cảm hứng giúp người khác thay đổi cuộc đời.

chứng khoán (1).png
Phó Đức Nam (biệt danh Mr.Pips) và chiêu trò dụ dỗ người mới qua những hình ảnh hào nhoáng. Ảnh chụp màn hình.

Những người trẻ, đặc biệt là sinh viên dễ dàng bị hút vào hình ảnh ấy. Chỉ cần vài lần truy cập mạng xã hội, họ đã thấy những lời hứa “kiếm vài triệu mỗi ngày từ lệnh đánh Forex”, hay “thu nhập thụ động 100 triệu đồng/tháng nhờ theo tín hiệu Mr.Pips”.

Theo tìm hiểu, từ các kênh này, người xem được dẫn dắt vào các nhóm kín trên Zalo, Telegram, nơi Mr.Pips và đội ngũ của mình hướng dẫn mở tài khoản tại các sàn chứng khoán quốc tế.

Trên danh nghĩa, đây là những sàn giao dịch tài chính toàn cầu. Nhưng thực chất, đó là các sàn ảo được thiết lập và điều khiển hoàn toàn bởi nhóm lừa đảo, nơi mọi kết quả lệnh mua/bán đều có thể bị can thiệp.

Người chơi thường được cho thắng nhỏ vài lệnh đầu để tạo cảm giác an tâm. Nhưng khi đã nạp nhiều tiền hơn, hệ thống sẽ “bẻ lệnh” khiến họ thua sạch. Khi bắt đầu thua lỗ, thay vì rút ra, nhiều người bị dụ chuyển sang làm “IB” (Introducing Broker - môi giới trung gian), để kiếm lại tiền hoa hồng bằng cách lôi kéo người khác tham gia.

chứng khoán (3).png
Sinh viên nếu không tỉnh táo rất dễ bị lôi kéo vào đường dây lừa đảo qua mạng. Ảnh minh họa: Minh Ngọc

Có nhiều lý do khiến những người trẻ, đặc biệt là sinh viên, trở thành “con mồi” hoàn hảo cho các mô hình tài chính trá hình như Mr.Pips.

Trước hết là tâm lý muốn làm giàu nhanh. Trong bối cảnh mạng xã hội liên tục tung hô hình ảnh của những "triệu phú trẻ" ở tuổi đôi mươi, nhiều sinh viên cũng nuôi giấc mộng thành công sớm mà không phải đi theo con đường học hành gian nan.

Thứ hai là sự thiếu hụt kiến thức tài chính cơ bản. Khái niệm như “Forex”, “đòn bẩy tài chính”, “margin”, “sàn OTC”... rất ít người thực sự hiểu. Điều này khiến họ dễ bị dẫn dắt bởi những cụm từ nghe có vẻ chuyên nghiệp, nhưng thực chất chỉ là lớp vỏ bọc của lừa đảo.

Cuối cùng là sức mạnh của hình ảnh trên mạng xã hội. Hào quang giả tạo của những “chuyên gia trẻ” như Mr.Pips tạo cảm giác gần gũi, dễ tiếp cận, thậm chí truyền cảm hứng. Không ít sinh viên cũng muốn có được hào quang, được nhiều người tung hô như vậy.

Tràn lan nhóm kín về đầu tư

Sự việc này chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Hiện nay, trên Facebook và các nền tảng mạng xã hội khác, tràn lan các nhóm kín chuyên về “chứng khoán lướt sóng”, “đầu tư Forex ăn chênh lệch”, hay “trading tín hiệu theo chuyên gia”.

chứng khoán (2).png
Nhiều hội nhóm chia sẻ thông tin về đầu tư trên mạng xã hội thu hút lượng lớn người tham gia. Ảnh chụp màn hình

Bên cạnh đó, có nhiều diễn đàn chuyên chia sẻ kinh nghiệm cho người mới "học làm giàu" trên Facebook, có tới gần 1 triệu tài khoản tham gia cho thấy mức độ quan tâm kênh đầu tư tài chính rất lớn. Không phủ nhận có những diễn đàn uy tín, chia sẻ kinh nghiệm thật nhưng cũng có không ít nơi "trá hình" nếu người trẻ không tỉnh táo sẽ rất dễ rơi vào "bẫy".

Những nhóm này thường thu hút hàng nghìn thành viên, chủ yếu là người trẻ, sinh viên hoặc người mới đi làm, những người chưa có nhiều kinh nghiệm tài chính nhưng lại khao khát tìm kiếm cơ hội làm giàu nhanh.

Một hình thức mới đang nở rộ là các cá nhân nhận “kéo 1:1”, tức hướng dẫn từng người đầu tư giao dịch tài chính trực tiếp. Chỉ cần nhắn tin, người mới sẽ được một “chuyên gia” tiếp cận, hứa hẹn hướng dẫn vào lệnh đúng thời điểm, chắc chắn ăn lãi. Thậm chí, nhiều tài khoản lập ra để mời chào người chơi đưa tiền, đề nghị chuyển tiền cho để "kéo chứng khoán" hộ, có lãi sẽ gửi lại.

chứng khoán (4).png
Mạng xã hội xuất hiện các hình thức "kéo 1:1". Ảnh chụp màn hình

Điều đáng lo ngại là nhiều người trẻ, đặc biệt là sinh viên tin tưởng vào những lời cam kết này và chuyển khoản hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu đồng cho người lạ qua mạng ảo, không hợp đồng, không cam kết pháp lý.

Hệ quả thường thấy là sau vài ngày “có lãi nhẹ”, tiền sẽ bốc hơi, người nhận tiền để "chơi chứng khoán hộ", "kéo tiền về hộ" sẽ biến mất hoặc chặn liên lạc. Một số trường hợp người chơi bị kéo vào các “sàn ảo” do chính các cá nhân này tạo ra, rồi âm thầm bị thao túng lệnh, dẫn đến mất trắng.

Đây là một hình thức lừa đảo trá hình, lợi dụng sự thiếu hiểu biết tài chính và lòng tin mù quáng vào “chuyên gia mạng”. Việc này không chỉ gây thiệt hại tài sản nghiêm trọng mà còn khiến người chơi có thể bị vướng vào các hoạt động phạm pháp nếu tiếp tay lan truyền mô hình trên. Chính vì thế, các bạn sinh viên cần tỉnh táo và cảnh giác trước những chiêu trò học làm giàu nhanh trên mạng xã hội.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://tuoitre.vn/1-000-hoc-sinh-sinh-vien-roi-vao-vong-lao-ly-vi-lien-quan-vu-pho-duc-nam-mr-pips-lua-dao-2025041718365857.htm

Minh Ngọc