ĐBQH: Cần xử lý nghiêm trung tâm, giáo viên dạy thêm học sinh chính khóa

23/04/2025 09:44
Mạnh Đoàn
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Theo Đại biểu Quốc hội, cần xử lý nghiêm trung tâm tổ chức cho giáo viên dạy thêm học sinh chính khóa, và nhà trường cũng phải xử lý giáo viên vi phạm.

Thông tư 29/2024 của Bộ Giáo dục và Đào tạo chính thức có hiệu lực từ ngày 14/2/2025. Trong Thông tư quy định, giáo viên trường công lập không được tham gia quản lí, điều hành việc dạy thêm ngoài nhà trường nhưng có thể tham gia dạy thêm ngoài nhà trường.

Giáo viên dạy thêm ngoài nhà trường không được dạy học sinh chính khóa có thu tiền. Đồng thời, giáo viên phải báo cáo hiệu trưởng về hoạt động dạy thêm ngoài nhà trường về môn học, địa điểm, hình thức, thời gian dạy thêm.

Tuy nhiên thực tế thời gian vừa qua, có một số giáo viên trường công lập vẫn đang tìm cách "lách" Thông tư 29. Theo đó, giáo viên sẽ ký hợp đồng giảng dạy với trung tâm bồi dưỡng văn hóa để dạy thêm học sinh của mình tại trung tâm.

Trung tâm sẽ đứng ra thu tiền của học sinh và chiết khấu khoảng 20% (phần còn lại là thu nhập của giáo viên). Đồng thời, trung tâm bố trí thời khóa biểu nhưng thực tế giáo viên vẫn dạy học sinh chính khóa, trung tâm còn ký hai loại hợp đồng là thỉnh giảng và trợ giảng để đối phó với cơ quan chức năng.

Những vấn đề phát sinh trong dạy thêm ngoài nhà trường nêu trên, khiến dư luận đặt ra câu hỏi về trách nhiệm quản lý của nhà trường, cơ quan quản lý nhà nước. Bên cạnh đó là những giải pháp để ngăn chặn triệt để vấn nạn dạy thêm ngoài nhà trường cho học sinh chính khóa.

Liên quan đến vấn đề nêu trên, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Đại biểu Quốc hội Dương Minh Ánh (Đại biểu Quốc hội khóa XV - Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội) cho hay, bà có nghiên cứu về Thông tư 29 và thấy rằng việc dạy thêm, học thêm là nhu cầu chính đáng của cả người học và người dạy.

Người học có nhu cầu thì đăng ký để được học thêm, còn người dạy có nhu cầu thì vẫn được tham gia dạy thêm ở tại nhà trường hoặc các trung tâm.

Tuy nhiên, việc dạy thêm, học thêm phải đi kèm các điều kiện và nguyên tắc đó là: Phải do nhu cầu thực của học sinh và phụ huynh trên cơ sở tự nguyện, không được ép buộc người học phải học thêm;

Giáo viên không được thu tiền học thêm đối với học sinh, được nhà trường phân công giảng dạy chính khoá ở cả trong và ngoài nhà trường. Đồng thời, giáo viên phải báo cáo với Hiệu trưởng hoặc người đứng đầu nhà trường về việc tham gia dạy thêm ngoài nhà trường về môn học, địa điểm, hình thức thời gian dạy thêm.

duong_minh_anh_0.jpg
Đại biểu Quốc hội Dương Minh Ánh (Ảnh: quochoi.vn)

"Khi tôi đi tiếp xúc cử tri, đa số cử tri đánh giá cao Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư này. Đồng thời, họ cho rằng nội dung Thông tư vừa đảm bảo việc quản lý việc dạy thêm, học thêm được chặt chẽ, minh bạch, rõ ràng vừa có tính nhân văn. Tuy nhiên, vẫn không tránh khỏi có những ý kiến khác nhau khi triển khai trong thực tế", Đại biểu Quốc hội Dương Minh Ánh chia sẻ.

Thông tin thêm về những ý kiến khác nhau khi triển khai Thông tư 29, nữ Đại biểu Quốc hội cho rằng, ở góc độ các nhà trường: Hiệu trưởng chỉ quản lý giáo viên của mình tham gia dạy thêm ở bên ngoài nhà trường, dựa trên cơ sở báo cáo của giáo viên. Trong đó, hiệu trưởng yêu cầu giáo viên phải cam kết không dạy thêm đối với học sinh chính khoá của mình.

Trên thực tế cho thấy, hầu hết các nhà trường không đủ khả năng và nguồn lực để kiểm soát được giáo viên của mình có dạy thêm học sinh chính khoá và thu tiền ở bên ngoài nhà trường hay không.

Về phía các cơ quan chức năng ở địa phương, dự kiến tới đây sẽ chuyển chức năng "thanh tra chuyên ngành" giao lại cho cơ quan thanh tra của các tỉnh, thành thực hiện (Phòng Giáo dục và Đào tạo thuộc các quận, huyện theo mô hình chính quyền địa phương 2 cấp tới đây cũng sẽ không còn).

"Với nguồn lực hạn chế nhưng phải đảm đương khối lượng công việc lớn của Thanh tra thành phố, tôi chưa hình dung ra mô hình hậu kiểm nói chung trong đó có hậu kiểm về giáo dục sau này ở các địa phương sẽ triển khai ra sao, khi mà tình trạng lách luật để dạy thêm, học thêm không đúng quy định khó kiểm soát được.

Điều này sẽ ảnh hưởng xấu đến hình ảnh của nhà giáo, gây bức xúc trong xã hội. Đây là điều mà không ai mong muốn", Đại biểu Quốc hội Dương Minh Ánh nhận định.

Cần xử lý nghiêm trung tâm tổ chức cho giáo viên dạy thêm học sinh chính khóa

Theo Đại biểu Quốc hội Dương Minh Ánh, để ngăn chặn tình trạng lách luật trong việc dạy thêm, học thêm, Nhà nước cần quan tâm đến những vấn đề sau.

Cụ thể, chú trọng công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật tại các nhà trường và các khu dân cư. Quan tâm đến các chính sách về lương, phụ cấp nghề, phụ cấp thâm niên, các nguồn kinh phí khác ngoài lương để nâng cao đời sống của đội ngũ nhà giáo.

Ngoài các cơ quan chức năng và các cơ sở giáo dục cần khuyến khích sự tham gia của toàn xã hội trong việc giám sát, phát hiện sớm các biểu hiện tiêu cực trong giáo dục và phản ánh tới các cơ quan chức năng thông qua đường dây nóng.

"Xử lý nghiêm đối với các trung tâm không thực hiện đúng quy định. Các nhà trường chịu trách nhiệm về đánh giá cán bộ, viên chức và có hình thức xử lý đối với nhà giáo vi phạm quy định của nhà nước về dạy thêm, học thêm", Đại biểu Quốc hội kiến nghị.

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp, khóa XV) cho hay, nhu cầu về dạy thêm học thêm là có. Tuy nhiên, Thông tư 29 của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã quy định rất rõ về việc giáo viên được dạy thêm ngoài nhà trường không được dạy học sinh chính khóa.

"Việc giáo viên tìm cách lách luật để dạy học sinh chính khóa tại trung tâm cho thấy, giáo viên đang vi phạm quy định Thông tư 29. Bên cạnh đó, là trách nhiệm của nhà trường, các cơ quan quản lý, chính quyền địa phương khi để xảy ra tình trạng trên", Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa nhận định.

Giáo viên dạy thêm học sinh chính khóa có nhiều hệ lụy không tốt

Luật sư Hoàng Tùng (Văn phòng luật sư Trung Hòa – Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) cho hay, Thông tư 29 của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã khẳng định rõ ràng nguyên tắc về dạy thêm ngoài nhà trường, giáo viên không được dạy học sinh chính khóa - đây là sự nỗ lực trong việc siết lại kỷ cương, đạo đức nghề nghiệp, đồng thời giảm áp lực và chi phí không cần thiết cho phụ huynh.

Luật sư Hoàng Tùng cho rằng, hệ lụy của việc giáo viên dạy thêm học sinh chính khóa là giáo viên có thể sẽ lợi dụng vị trí của bản thân để tạo áp lực học thêm cho học sinh. Giả dụ, giáo viên có thể "giữ bài" hoặc không giảng dạy nhiệt tình trên lớp để lôi kéo học sinh đi học thêm. Điều này sẽ khiến phụ huynh và học sinh bức xúc, lo lắng vì không đi học thêm của giáo viên trên lớp sẽ không được ưu ái. Quan trọng hơn là phụ huynh có thể mất niềm tin vào chất lượng giáo dục ở trường.

luat-su-hoang-tung.jpeg
Luật sư Hoàng Tùng (Văn phòng luật sư Trung Hòa – Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội).

Trong thực tế thời gian vừa qua, một số giáo viên và trung tâm đã tìm cách “lách luật” bằng nhiều hình thức như, ký hợp đồng thỉnh giảng hợp pháp nhưng dùng để giảng dạy trái phép học sinh chính khóa; tráo đổi thông tin lớp học, học sinh để đối phó với kiểm tra; không báo cáo hiệu trưởng, hoặc hợp thức hóa bằng sự thỏa thuận ngầm. Những hiện tượng này, dù mang vỏ bọc đúng quy định nhưng về bản chất là gian dối, sai quy định.

Luật sư Hoàng Tùng nhận định, để xảy ra tình trạng trên, chắc chắn có trách nhiệm của nhà trường.

Cụ thể, theo Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT, giáo viên dạy thêm ngoài nhà trường sẽ phải báo cáo hiệu trưởng về những thông tin liên quan.

"Nếu nhà trường biết giáo viên dạy học sinh chính khóa mà không xử lý, hoặc thậm chí bao che, thì có dấu hiệu vi phạm nguyên tắc quản lý đội ngũ, và thiếu trách nhiệm trong việc giám sát giáo viên.

Hiệu trưởng nếu không nắm bắt hoặc cố tình làm ngơ trước việc giáo viên không báo cáo, hoặc có dấu hiệu bao che, sẽ phải chịu trách nhiệm liên đới.

Trách nhiệm này có thể bị xem xét về mặt hành chính hoặc kỷ luật trong ngành, tùy mức độ liên đới và hậu quả xảy ra", Luật sư Hoàng Tùng nhận định.

Theo Luật sư Hoàng Tùng, đối với giáo viên dạy học sinh chính khóa tại trung tâm, đây là hành vi vi phạm đạo đức nghề nghiệp, thiếu minh bạch, và "lách luật" có chủ đích.

Còn đối với trung tâm bồi dưỡng văn hóa, họ cố ý hợp thức hóa việc dạy thêm học sinh chính khóa bằng hợp đồng thỉnh giảng, trợ giảng hoặc tráo đổi thời khóa biểu, là hành vi gian dối, tiếp tay cho sai phạm, vi phạm mục tiêu giáo dục.

Theo Luật sư Hoàng Tùng, với chiêu trò "lách luật" của trung tâm cho giáo viên dạy thêm học sinh chính khóa, chúng ta cần tăng cường hậu kiểm. Đó là, trung tâm sau khi được cấp phép cần được kiểm tra định kỳ, đột xuất, cả về chất lượng và đối tượng học sinh.

Quy định rõ trách nhiệm của trung tâm trong việc báo cáo, công khai danh sách học sinh (tên, trường, lớp, môn học), danh sách giáo viên và công khai thời khóa biểu.

Cần có sự liên kết chặt chẽ giữa Sở Giáo dục và Đào tạo với các trường học. Mỗi giáo viên tham gia dạy thêm ngoài nhà trường phải có xác nhận của hiệu trưởng.

"Cần có chế tài nghiêm khắc hơn đối với trung tâm cố tình tiếp tay cho hành vi vi phạm (rút giấy phép, xử phạt hành chính)", Luật sư Hoàng Tùng nhấn mạnh.

Nên ứng dụng công nghệ giám sát giáo viên dạy thêm

Luật sư Hoàng Tùng cho rằng, hiện tượng trung tâm tổ chức cho giáo viên dạy thêm học sinh chính khóa không phải cá biệt. Do đó, cần một số giải pháp mang tính định hướng chiến lược.

Đó là, về mặt chính sách và pháp luật: Bổ sung chế tài xử phạt cụ thể đối với hành vi dạy thêm học sinh chính khóa trá hình, không chỉ xử lý giáo viên mà còn xử lý trung tâm.

Yêu cầu minh bạch thông tin giáo viên dạy tại trung tâm (phải công khai, báo cáo cơ quan quản lý).

Về công tác thanh tra kiểm tra: Cần đồng bộ hóa dữ liệu giáo viên - học sinh - trung tâm thông qua nền tảng số, tránh tình trạng "một giáo viên - dạy nhiều nơi". Ứng dụng công nghệ để giám sát lớp học tại trung tâm qua nhật ký học tập.

Ứng dụng công nghệ để giám sát việc học thêm, ví dụ: hệ thống đăng ký trực tuyến, khai báo danh sách học sinh và giáo viên dạy thêm.

Tăng cường kiểm tra đột xuất vào khung giờ cao điểm, kết hợp với các hình thức kiểm tra ẩn danh.

Bên cạnh những đề xuất nêu trên, Luật sư Hoàng Tùng còn cho rằng, cần tăng cường truyền thông để chấm dứt vấn nạn giáo viên dạy thêm cho học sinh chính khóa.

Cụ thể, cần nâng cao nhận thức phụ huynh và học sinh về quyền từ chối học thêm nếu cảm thấy bị ép buộc. Xây dựng cơ chế phản ánh của phụ huynh, học sinh qua cổng thông tin điện tử hoặc đường dây nóng, có cơ chế bảo mật danh tính.

"Tuyên truyền đạo đức nghề nghiệp cho giáo viên, xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, không thương mại hóa.

Thay đổi tư duy dạy thêm học thêm, tạo ra môi trường học đường đủ chất lượng, tránh tình trạng “học chính chưa đủ, phải học thêm”, Luật sư Hoàng Tùng cho hay.

Mạnh Đoàn