Kịch bản lặp lại
Trả lời câu hỏi của báo chí liên quan đến việc có thông tin gần đây cơ quan của Bộ Tài chính đã thanh tra Honda Việt Nam và phát hiện các sai phạm liên quan đến chuyển giá, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn khẳng định: “Vừa qua, chúng tôi đã tiến hành kiểm tra, thanh tra các doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm pháp luật, trong đó có Honda. Cơ quan thuế đã truy thu, phạt Honda 182 tỷ đồng nhưng có khoản doanh nghiệp không chấp hành”.
Theo Thứ trưởng Đổ Hoàng Anh, hiện Bộ Tài chính đang tiến hành giải quyết khiếu nạn lần 2 của Honda Việt Nam nhưng do doanh nghiệp chưa chấp hành nên Bộ sẽ tiến hành biện pháp xử lý nghiêm với doanh nghiệp này.
Hiện chưa rõ hành vi vi phạm của Honda Việt Nam, tuy nhiên việc Bộ Tài chính quyết định phạt 182 tỷ đồng khiến dư luận dấy lên nghi ngờ doanh nghiệp này chuyển giá bởi những sai phạm của Honda Việt Nam trong vấn đề thuế không phải xảy ra lần đầu tiên.
Ảnh minh họa |
Năm 2011, cơ quan hải quan phát hiện bộ linh kiện nhập khẩu của Honda Việt Nam có một số linh kiện không bảo đảm mức độ rời rạc của Quyết định số 05/2005/QĐ- BKHCN (không đáp ứng điều kiện để được phân loại và tính thuế theo linh kiên).
Cụ thể, Honda Việt Nam có hai bộ phận chi tiết có độ rời rạc không phù hợp với Quyết định 05. Thứ nhất là ghế, gồm ghế ở dưới và phần tựa lưng, nếu theo Quyết định 05, hai cái này phải rời rạc nhưng lại lót vào nhau; thứ hai là vành và bánh, đáng lẽ phải tháo ra để phù hợp như theo quy định, thì Honda Việt Nam lại lắp vào.
Với cách xác định của hải quan, Cơ quan hải quan đã ra dự thảo văn bản ấn định số thuế truy thu Honda Việt Nam hơn 3.340 tỷ đồng (tương đương 160 triệu đôla Mỹ) cho các lô hàng nhập khẩu từ 5 năm trở lại đây (theo mức thuế suất của ô tô nhập khẩu nguyên chiếc chứ không được hưởng ưu đãi nhập khẩu linh kiện rời rạc).
Sau khi Cục Hải quan Hà Nội đề nghị mức truy thu tiền thuế trên, Tổng giám đốc Honda Việt Nam đã có công văn gửi Phó Thủ tướng cho rằng kết luận đó không đúng.
Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu Bộ Tài chính báo cáo vấn đề. Sau đó vấn đề truy thu tiền thuế của Honda Việt Nam không được nhắc đến.
Trong khi đó, Cục Hải quan Hà Nội khẳng định số thuế kể trên là do Honda Việt Nam tự tính và có bảng kê gửi đoàn kiểm tra dưới dạng thư điện tử. Còn hải quan chưa có bất cứ quyết định truy thu nào. Đồng thời phía Honda Việt Nam cũng chưa nộp khoản thuế nào thêm.
Thời điểm đó, Honda Việt Nam không phải trường hợp duy nhất vướng thuế nhập khẩu linh kiện, tuy nhiên đơn vị này được chú ý nhiều hơn cả vì nguy cơ bị truy thu thuế nhiều nhất.
“Nếu phạt tôi bỏ đầu tư”
Điều đáng nói sau vụ việc Cục Hải quan Hà Nội đề nghị truy thu 3.340 tỷ đồng đó chính là cách hành xử của Honda Việt Nam. Trước kết luận của Cục Hải quan Hà Nội, Công ty Honda Việt Nam cho rằng kết luận trên không đúng.
Honda Việt Nam cho rằng, sự việc xuất phát từ cách hiểu luật hiện nay khác so với trước đây? Theo cách lý giải của Honda Việt Nam rõ ràng sai phạm của doanh nghiệp do bản thân doanh nghiệp không hiểu luật pháp Việt Nam.
Dư luận càng bất ngờ hơn bởi trong công văn gửi Chính phủ, Honda Việt Nam cho rằng nếu Cục Hải quan Hà Nội quyết định truy thu 3.340 tỷ đồng thì doanh nghiệp này sẽ xem xét lại vấn đề đầu tư tại Việt Nam. Nói cách khác, đây như một cách đặt điều kiện với cơ quan quản lý trong nước theo kiểu: “Nếu phạt tôi bỏ đầu tư”.
Câu chuyện Honda Việt Nam bị Bộ Tài chính truy thu 182 tỷ đồng mới đây. trong đó một số khoản doanh nghiệp này chưa chấp hành khiến dư luận đặt ra vấn đề: Liệu Honda Việt Nam có soạn lại vở cũ “dọa bỏ đầu tư” và cơ quan quản lý sẽ xử lý thế nào để truy thu số tiền trên?
Được biết Honda đầu tư vào Việt Nam từ năm 1998. Honda Việt Nam là công ty liên doanh với 3 đối tác góp vốn là Honda Motor (Nhật, góp 42%), Asian Honda Motor (Thái Lan, góp 28%) và Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (góp 30% vốn). Doanh nghiệp hiện có 2 nhà máy lắp ráp xe máy tại Vĩnh Phúc, với gần 5.000 lao động và công suất khoảng 1,5 triệu xe mỗi năm.
Kể từ năm 2005, Honda Việt Nam đầu tư thêm nhà máy sản xuất ôtô với vốn đầu tư khoảng 60 triệu USD. Cơ sở này hiện sử dụng hơn 400 lao động và xuất xưởng khoảng 10.000 xe mỗi năm. Năm tài chính 2014 (kết thúc vào tháng 5 năm ngoái), Honda công bố đạt doanh thu 55.000 tỷ đồng, đóng góp hơn 1% GDP Việt Nam, song không đưa ra con số lợi nhuận.
Honda Việt Nam là cái tên tiếp theo trong danh sách các doanh nghiệp FDI bị cơ quan thuế xử lý thời gian gần đây. Trước đó, Công ty Metro Việt Nam cũng bị phát hiện nhiều vi phạm liên quan đến né thuế, chuyển giá và bị truy thu vào ngân sách khoảng 507 tỷ đồng.