Huyền bí rừng tràm Trà Sư

30/11/2011 10:27
Theo VOV
Rừng là nơi trú ngụ của 70 loài chim thuộc 13 bộ và 31 họ. Có 2 loài chim được ghi vào sách Đỏ Việt Nam, đó là cò lạo Ấn Độ và cổ rắn (điên điển).
Rừng là nơi trú ngụ của 70 loài chim thuộc 13 bộ và 31 họ. Có 2 loài chim được ghi vào sách Đỏ Việt Nam, đó là cò lạo Ấn Độ và cổ rắn (điên điển).

Rừng tràm Trà Sư thuộc vùng núi Thất Sơn, tỉnh An Giang là khu rừng ngập nước nội địa thứ sáu của đồng bằng sông Cửu Long.

Theo Ban quản lý rừng tràm Trà Sư, với diện tích 845ha vùng lõi và trên 600ha vùng đệm, rừng là nơi trú ngụ của 70 loài chim thuộc 13 bộ và 31 họ, nhiều nhất là bộ sẻ với 26 loài. Trong đó có hai loài chim quý hiếm đã được ghi vào sách Đỏ Việt Nam, đó là cò lạo Ấn Độ và cổ rắn (điên điển).
Đây cũng là nơi dừng chân quan trọng của nhiều loài chim, kể cả những loài kiếm ăn trên cây bụi và trảng cỏ như cu ngói, sáo đá, đuôi hung.

Trà Sư còn có 11 loài thú thuộc bốn bộ, 6 họ. Các bộ có số loài nhiều nhất là dơi (15 loài), gặm nhấm (4 loài), trong đó có loài dơi chó tai ngắn quý hiếm, cũng đã được ghi vào sách Đỏ Việt Nam.

Riêng bò sát, ếch nhái cũng có tới 25 loài, hai bộ, 10 họ, trong đó có cả rắn hổ mang, cạp nong. Ngoài ra, rừng còn có 10 loài cá xuất hiện quanh năm và 13 loài chỉ xuất hiện vào mùa lũ; hai loài cá có giá trị khoa học và đang đứng trước nguy cơ bị tuyệt chủng, đó là cá còm và cá trê trắng.

Không chỉ phong phú về động vật, Trà Sư còn là nơi tụ họp của hàng trăm loài thực vật và hàng chục loài thủy sinh. So với những vùng đất ngập nước khác thuộc đồng bằng sông Cửu Long, tỷ lệ số loài thực vật trong tổng số diện tích rừng Trà Sư thuộc lại cao, xếp thứ hai sau khu bảo tồn thiên nhiên Xẻo Quýt (Đồng Tháp).

Rừng tràm, hương tràm nơi đây không chỉ hấp dẫn những bầy ong rừng, mà còn làm say lòng bao du khách - những người thích khám phá và yêu thiên nhiên.

Nơi đây cũng đã được đánh giá là khu rừng có tầm quan trọng đặc biệt trong công tác bảo tồn thiên nhiên, thu hút nhiều nhà khoa học đến nghiên cứu mỗi năm.
Theo VOV