Rừng Sác được ví là nơi “rừng sâu nước độc” bởi bạt ngàn là rừng và xen lẫn, bao quanh là hàng chục con sông lớn, nhỏ, trong đó con sông Lòng Tàu có một vị trí chiến lược. Đây là tuyến đường để các tàu lớn nhỏ của địch từ biển Đông vận chuyện hàng hóa, vũ khí đạn dược về nội thành và là vành đai bảo vệ cửa ngõ Đông Nam Sài Gòn. Còn với ta lại càng quan trọng hơn bội lần vì muốn thắng giặc phải cắt được nguồn tiếp tế.
Ăn rau chà là, chia từng lon nước
Nhận thấy tầm quan trọng của địa thế rừng Sác, sau khi thị sát, tướng Mỹ West Molen - Trưởng Chỉ huy quân đội Mỹ đã xác định đây là vị trí huyết mạch rồi cho nâng cấp hệ thống phòng thủ, biệt khu lên thành Đặc khu quân sự rừng Sác và yêu cầu các đơn vị địch phải bằng mọi giá bảo vệ vị trí này.
Ngày 15/4/1966, Đặc khu Quân sự rừng Sác (Đoàn 10) ra đời với sứ mệnh đánh chìm tàu địch ngăn nguồn viện trợ vào nội thành Sài Gòn, đánh phá các kho tàng bến bãi quan trọng. Nhiệm vụ vô cùng vẻ vang nhưng cũng lắm gian nan cực khổ. Đoàn quân nằm giữa khu rừng toàn là đước, sú, vẹt với mênh mông con nước lên xuống theo thủy triều. Các chiến sĩ vừa chiến đấu, vừa thay nhau đốn cây để kết lại thành sạp lấy chỗ ăn, ngủ. Nước quanh mình, nhưng chiến sĩ của ta vẫn khát vì nước bị nhiễm mặn không thể uống được.
Người Chính ủy Đoàn 10 năm xưa, nguyên Thiếu tướng Trần Thành Lập nhớ lại: “Muốn có nước uống phải đi lấy ở những chiếc giếng giáp với vùng ấp chiến lược của địch, nhiều anh em đi lấy nước đã mãi mãi nằm lại dưới đường tên mũi đạn của giặc. Trong cái khó ló cái khôn, anh em nấu nước theo kiểu chưng cất như nấu rượu. Dùng nước sông cho vào nồi đun bốc hơi, bên trên có chảo ngưng và có máng dẫn nước ngưng đó đến một dụng cụ chứa khác. Số nước ít ỏi đó được chia cho anh em theo kiểu đong đếm “ăn cho đều chia cho sọi”, trung bình mỗi ngày một người được 4 lon sữa bò nước”.
Cách chưng cất kỳ diệu biến nước mặn thành nước ngọt của các chiến sĩ rừng Sác |
Để có số nước ít ỏi đó, anh em phải rất cẩn trọng trong việc đun nấu, nếu phát hiện có khói, máy bay địch lâp tức oanh tạc, pháo từ xa của địch cũng phun tới như mưa. Anh em phải chọn thứ củi thật khô, dễ cháy, ít khói và đun theo dạng bếp Hoàng Cầm. Chưa hết, anh em còn phải bố trí người trèo lên cao để xem có khói hay không. “Phải hết sức chú ý từng tí một, nếu không, nấu được một giọt nước vô tình thành một giọt máu” - vị tướng già nhấn mạnh.
Ngoài cách “chưng” nước đó, các chiến sĩ đặc công nơi đây còn nghĩ ra cách chẻ cây ra thành từng thanh rồi ghép lại giống như hình chiếc thùng và lót tấm nilon vào bên trong để hứng nước mỗi khi trời mưa. Nhưng độc đáo nhất vẫn là cách lấy nước theo kiểu người ta lấy mủ cao su.
Không chỉ thiếu nước, anh em còn đói vì có những khoảng thời gian kéo dài 2-3 năm, do địch vây gắt gao, anh em không nhận được nguồn tiếp tế. Gạo hết, anh em phải tìm hái ngọn chà là, rau kềm, đọt ráng, mò cua bắt ốc để cầm hơi. Dần dần mới liên lạc được với cơ sở và nhờ tiếp tế gạo. Vị tướng già ngậm ngùi: “Mỗi lần có thuyền ghe của dân ra khơi đánh bắt là kèm theo vài ba ký gạo, nhưng cũng bị địch kiểm soát dữ lắm. Mỗi khi bị phát hiện, bà con phải giả vờ số gạo đó dùng để nấu ăn trong ngày. Số gạo ít ỏi đó anh em chỉ dùng để nấu cháo cho người bị thương nặng, còn lại đều phải ăn rau, ăn củ rừng, ốc cua”.
Anh em nghĩ cách đóng thuyền 2 đáy và vào vai những người đi buôn. Những chiếc thuyền 2 đáy đi về miền Tây để vừa mua trái cây chồng ở phía trên, còn đáy dưới thì chất mấy bì gạo về tiếp viện.
"Trảm tướng"
Vất vả khó khăn không ngăn được các chiến sĩ đặc công rừng Sác kiên cường bám trụ với khẩu hiệu: “Rừng Sác là nhà, sông Lòng Tàu là quyết chiến điểm, bến cảng kho tàng là trận địa, có lệnh là đi, hoàn cảnh nào cũng đánh và đã đánh là thắng”.
Năm 1967, địch bắt đầu rải chất độc hóa học để diệt trụi rừng Sác với mục đích không còn chỗ cho Việt cộng ẩn nấp. Nhưng bom đạn của chúng không thể diệt nổi những tấm lòng sắt đá của con dân đất Việt. Những chiếc hầm chữ A nửa chìm nửa nổi, dù nước ngập bì bõm, nhưng vẫn là nơi che bom che đạn, là nơi cứu chữa các anh em thương binh. Đào hầm sâu xuống và rộng hơn, đóng 2 đầu 2 cọc, cột chiếc võng vào đó, bên ngoài chiếc võng phải dùng nilon bịt lại để không bị ngấm nước. Thiếu thốn trăm bề, thuốc men không có, nhiều lúc phải hái lá rừng làm thuốc, xé chăn màn làm băng ca, nấu nước sông lọc lấy muối, rồi dùng muối đó nấu nước để rửa vết thương cho anh em thương binh.
Chính uỷ Đoàn 10 năm xưa - Thiếu tướng Trần Thành Lập |
Với hàng trăm trận đánh lớn nhỏ, có những trận vô cùng ác liệt, ta tiêu diệt hàng trăm tên địch. Tuy nhiên cũng có những trận giằng có quyết liệt và bên nào cũng tổn thất nặng nề. Thiếu tướng Lập vẫn nhớ như in trận đánh của đặc công rừng Sác năm 1969: “Khi địch phát hiện lực lượng của ta tại sông ông Kèo, chúng đã mở một trận càn lớn. Để mở màn cho trận càn, hôm trước, chúng cho máy bay B52 ném bom rải thảm và cấp tập pháo. Đúng 6h sáng ngày 24/4/1969, địch huy động 12 chiếc tàu đổ quân từ sông Lòng Tàu vào sông Đồng Tranh và sông ông Kèo. Đầu 2 con sông này chúng bố trí 1 tàu chỉ huy do tướng David - Lữ trưởng Lữ 199 Lục chiến Mỹ chỉ huy.
Về phía ta đã mai phục sẵn, chờ cho 11 chiếc đi đầu lọt vào trận địa, chiếc thứ 12 vừa tới nơi, pháo ta xối xả dội xuống khóa đuôi và bắn chìm luôn 12 chiếc. Cùng lúc đó, một máy bay trực thăng chở tướng Mỹ định đáp xuống boong tàu chỉ huy ở phía ngoài đã bị ta bí mật tiến tới nã một quả B41 làm tan xác chiếc máy bay.
Chiến sĩ ta hô hò vì trận chiến thắng giòn giã. Trận chiến này ta đã tiêu diệt 1 viên tướng và trên 200 tên địch, bắn cháy 12 chiếc tàu và một máy bay địch”.
Xong trận đó, anh em đã sáng tác 2 câu thơ để miêu tả trận chiến:
“Xác tàu giặc ngăn dòng sông chảy
Máu quân thù nhuộm đỏ lòng sông”.
Rất nhiều trận đánh của đặc công rừng Sác cũng ác liệt không kém như trận pháo kích vào cái gọi là lễ quốc khánh của Việt Nam Cộng hòa ngày 1/11/1966 làm rung chuyển chính quyền Mỹ, Ngụy. Hay trận quyết tử đánh vào kho bom thành Tuy Hạ đêm 11/11/1972 và đêm 13/12/1972 đã thiêu hủy hàng trăm dãy nhà kho với hàng trăm ngàn tấn bom đạn; Trận đánh vào kho xăng Nhà Bè lúc 0h35’ ngày 3/12/1973 đốt cháy 200 triệu lít xăng dầu… Vượt qua những khó khăn gian khổ, Đoàn 10 anh hùng đã làm nên trang sử vẻ vang cho dân tộc.
Kỳ II: Đương đầu với cá sấu
(Theo VOV)