Các thầy bùa nắm giữ chìa khóa để vén mở tấm màn bí mật của bùa chú đang ngày một ít đi. Trải qua thời gian, những câu bùa chú bí ẩn cũng đang dần biến mất...
{iarelatednews articleid='4993,566'}
Truyền nhân của thầy bùa phải là người tốt
Các thầy bùa luôn cất giữ rất cẩn thận bí mật về những câu bùa chú của mình. Tuy nhiên, họ cũng tìm cách chuẩn bị cho mình một người học nghề nhằm tiếp tục lưu giữ bùa chú - một nét văn hóa truyền thống của các thế hệ đi trước. Việc chuẩn bị này là rất quan trọng bởi việc truyền nghề diễn ra trong thời gian khá dài và người kế tục phải hội tụ đầy đủ những điều kiện vô cùng khắt khe. Nếu không ưng ý về truyền nhân của mình, các thầy bùa sẵn sàng đem theo bí mật về gặp tổ tiên chứ nhất định không truyền lại một cách khiên cưỡng.
Đối với bùa chú của người Tày, thầy “mằn” sẽ lựa chọn và theo dõi quá trình phát triển của truyền nhân ngay từ khi người đó còn nhỏ. Trong quá trình phát triển tự nhiên, nếu người được chọn bộc lộ các yếu tố: Tính khí ôn hòa, thông minh, trung thực, nhanh nhẹn, đạo đức tốt thì thầy “mằn” sẽ xem xét quyết định truyền nghề cho người đó.
Việc chọn người truyền “mằn” phải diễn ra trong thời gian dài và kĩ lưỡng như vậy là bởi theo quan niệm của người Tày ở vùng cao, “mằn” có đa tác dụng nên nó sẽ tốt nếu thầy “mằn” có tư cách tốt. Ngược lại, nếu thầy “mằn” không tốt, “mằn” có thể biến thành cái gây hại, như vậy là có lỗi với các bậc tiền nhân. Thông thường, thầy “mằn” chỉ truyền nghề lại cho con cháu trong gia đình chứ ít khi truyền cho người ngoài. Việc truyền nghề cũng diễn ra bí mật và phải đảm bảo chỉ hai người biết chuyện. Trong quá trình dạy dỗ đệ tử, thầy “mằn” cũng đặt ra những thử thách để rèn luyện khả năng của học trò.
Đặc biệt, trong một năm, việc truyền “mằn” chỉ diễn ra trong một ngày duy nhất là đêm ba mươi Tết, thời khắc trước giao thừa. Thầy “mằn” Đinh Văn Duyên lý giải việc này: “Từ xa xưa, việc truyền “mằn” luôn phải đảm bảo diễn ra trong bí mật. Theo phong tục truyền thống thì thời điểm trước giao thừa tất cả mọi người phải có mặt tại nhà để đón năm mới nên việc truyền “mằn” có thể diễn ra mà không sợ người khác đến học trộm. Thời khắc giao thừa với dân tộc Tày cũng là thời khắc rất linh thiêng và khi đó có tổ tiên quay về chứng giám”. Trong thời gian này, thầy “mằn” sẽ lần lượt truyền lại cho học trò những câu bùa chú tiếng Tày, cách thức thực hiện “mằn” cùng với việc cần phải tránh.
Thầy 'mằn' Đinh Văn Duyên |
Đáng chú ý, mỗi năm, thầy “mằn” chỉ truyền dạy cho học trò cách làm một loại bùa chú và thầy cũng chỉ hướng dẫn duy nhất một lần. Cứ như vậy, để học hết bùa của thầy thì thời gian có thể lên tới hàng chục năm.
Những yếu tố lựa chọn khắt khe, thời gian học lâu dài, thầy “mằn” không truyền cho người ngoài và truyền nhân phải biết tiếng dân Tày là nguyên nhân chính khiến việc chọn lựa truyền nhân làm “mằn” ngày càng khó khăn. Các thầy “mằn” khi không tìm được người kế tục thường giữ kín bí mật của mình và sống ẩn dật, lãnh đạm trong vùng núi sâu khiến những bí ẩn bùa chú theo đó cũng lẩn khuất nơi sơn dã.
Hai mặt của bùa chú
Thầy “mằn” Duyên kể rằng: “Bùa chú được chia thành nhiều loại và khác nhau theo từng dân tộc. Có những bùa chú sinh ra vì mục đích xấu nhưng cũng có những bùa chú được tạo ra vì mục đích tốt. Tuy nhiên, loại bùa chú tốt đó cũng có thể gây họa. Do đó, các thầy bùa cao tay thường ít khi sử dụng hết kho bùa chú của mình. Nếu quyết định truyền bùa cho thế hệ sau, họ cũng lựa chọn chỉ truyền một số loại nhất định”. Vì lý do đó nên một số loại bùa chú đã bị thất truyền và chỉ còn xuất hiện trong những câu chuyện mang màu sắc tâm linh huyền bí.
Các cụ già tại các bản trên núi cao vẫn thường kể cho con cháu nghe những câu chuyện về lời nguyền của thầy bùa. Trong đó, đáng sợ vào bậc nhất phải kể tới loại “chài” của người Thái vì quả “chài” khi được ném đến đâu thì người bị yểm bùa sẽ phải chết ở đó. Ném trên rừng, chết ở rừng. Ném xuống nước, chết bởi nước. Ném vào lửa, ắt sẽ bị lửa thiêu.
Tương truyền, cách duy nhất để giải được tai vạ là tìm bằng được quả “chài” và mang đến nhờ thầy bùa hóa giải. Cũng có chuyện kể rằng, nếu thầy “chài” ghét ai và yểm bùa thì người đó coi như mất hồn và sẽ về làm thân trâu ngựa cho nhà thầy. Dù những câu chuyện đó là 100% hư cấu dưới ánh đèn khoa học nhưng kỳ lạ một nỗi là ít ai dám coi thường sức mạnh của những lời bùa bí ẩn.
Thầy “mằn” Đinh Văn Duyên nói về các loại bùa chú mà ông ta có thể làm ra: “Những loại bùa như “mằn” của người Tày thì đơn giản hơn, tác hại của nó cũng nhỏ hơn nhưng không phải là không nguy hiểm, đặc biệt là: “mằn” say, “mằn” yêu, “mằn” ghét... Tỉ dụ như “mằn” say. Đây là loại bùa chú mà thầy “mằn” sẽ thổi bùa vào một chén rượu nhỏ. Một người bình thường dù không biết uống rượu thì với một chén nhỏ chắc chắn chưa thể say.
Thế nhưng, những ai uống phải chén rượu được thầy “mằn” thổi bùa thì tửu lượng có cao đến mấy cũng phải nằm say mê mệt hai, ba ngày. Hay như “mằn” yêu hay ghét. “Mằn” yêu có thể khiến những người chưa từng gặp gỡ hoặc yêu thương nhau nhưng sẽ phải sống chung với nhau dưới một mái nhà. Những đôi uyên ương, những gia đình hạnh phúc khi bị yểm “mằn” ghét có thể sẽ tan rã, chia ly. Cũng vì uy lực của hai loại “mằn” tình cảm này nên thầy “mằn” thường tìm hiểu rất kỹ nguyên nhân của người đến xin “mằn” rồi mới quyết định làm hay không...”.
Có tìm hiểu thì mới thấy rằng tạm bỏ qua thực hư tác dụng thần kỳ của bùa chú thì ít nhất bùa chú cũng có tác dụng làm yên gió bão trong lòng người. Ngoài ra, cứ nhìn vào những yêu cầu khắt khe khi các thầy “mằn” làm bùa và việc họ tuyển lựa truyền nhân thì mới thấy rằng mục đích cơ bản của bùa chú là giúp đỡ con người và mang đầy tính thiện. Tuy vậy, với việc các thầy bùa đang dần biến mất, có lẽ chỉ một vài năm nữa, họ sẽ là những con người của quá khứ và chỉ được nhắc đến trong những câu chuyện huyền bí kèm theo những câu hỏi về một thế giới bí ẩn mang tên “bùa chú” mà thôi...
Chí Dũng (PLVN)