Ít hơn đúng 1 lớp, lãnh đạo trường hạng II thiệt thòi trong nhận phụ cấp chức vụ

22/05/2023 06:46
Ngọc Mai
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Trường chênh nhau 1 lớp thì xếp hạng khác nhau dẫn đến phụ cấp chức vụ đối với hiệu trưởng, hiệu phó khác nhau. 

Phân hạng trường phổ thông và mầm non được quy định tại Thông tư số 33/2005/TT-BGD&ĐT ngày 08/12/2005 về Hướng dẫn tạm thời thực hiện chế độ phụ cấp chức vụ lãnh đạo trong các cơ sở giáo dục công lập.

Tuy nhiên, ở từng cấp, chỉ cần các trường chênh nhau 1 lớp thì xếp hạng trường đã khác nhau dẫn đến phụ cấp chức vụ đối với hiệu trưởng, phó hiệu trưởng khác nhau.

Ví dụ, ở miền núi, một trường trung học phổ thông có 19 lớp thì được xếp vào trường hạng I còn trường có 18 lớp thì được xếp vào trường hạng II. Lúc này, phụ cấp chức vụ đối với hiệu trưởng, hiệu phó ở 2 hạng trường khác nhau dù trường hạng I chỉ quản lý nhiều hơn trường hạng II 1 lớp.

Buổi sinh hoạt của học sinh Trường Trung học phổ thông Yên Dũng số 2 (tỉnh Bắc Giang). Ảnh: fanpage nhà trường.

Buổi sinh hoạt của học sinh Trường Trung học phổ thông Yên Dũng số 2 (tỉnh Bắc Giang). Ảnh: fanpage nhà trường.

Bàn về vấn đề này, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Lưu Trung Kiên – Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Cẩm Nhân (tỉnh Yên Bái) cho biết, tính chất công việc, văn bản, sổ sách của hiệu trưởng, phó hiệu trưởng trường trung học phổ thông hoàn toàn giống nhau nhưng hệ số phụ cấp chức vụ được quy định theo phân hạng trường nên có mức khác nhau.

Đối chiếu theo Thông tư 33/2005/TT-BGD&ĐT thì cấp trung học phổ thông chia thành 3 hạng trường, trong đó, trường hạng I và II có số lượng phó hiệu trưởng đều là 2 (có thời điểm trước đây trường hạng I là 3 phó hiệu trưởng); rất ít trường xếp vào hạng III (dưới 10 lớp, theo quy định đối với miền núi, vùng sâu, hải đảo).

Cũng theo thầy Kiên, quy định phụ cấp chức vụ của hiệu trưởng, phó hiệu trưởng trường trung học phổ thông hiện nay chỉ phù hợp, công bằng khi trường hạng I và hạng II chênh nhau 5 lớp.

Thêm nữa, cần xem xét lại phụ cấp chức vụ hiệu trưởng và phó hiệu trưởng đối với những trường trung học phổ thông giao thoa giữa 18 lớp và 19 lớp (đối với miền núi, vùng sâu, hải đảo); 27 lớp và 28 lớp (đối với trung du, đồng bằng, thành phố). Vì các trường này chỉ chênh nhau 1 lớp mà xếp hạng trường đã khác nhau dẫn đến phụ cấp chức vụ của hiệu trưởng, phó hiệu trưởng khác nhau.

“Theo Thông tư số 33/2005/TT-BGD&ĐT, Trường Trung học phổ thông Cẩm Nhân nằm ở miền núi, có 18 lớp nên xếp vào hạng II. Trường hiện có 2 phó hiệu trưởng, phụ cấp chức vụ phó hiệu trưởng là 0,45. Trường chỉ cần thêm 1 lớp nữa thì sẽ xếp vào trường hạng I và phụ cấp chức vụ của phó hiệu trưởng khi đó sẽ là 0,55.

So với những đơn vị trường trung học phổ thông có 19, 20 lớp, thì hiệu trưởng, phó hiệu trưởng của trường tôi cảm thấy rất chạnh lòng vì chỉ hơn 1, 2 lớp mà phụ cấp chức vụ của hiệu trưởng, phó hiệu trưởng đã cao hơn”, thầy Kiên chia sẻ.

Giữ chức vụ Phó Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Trần Quốc Tuấn (tỉnh Thái Nguyên), thầy Bùi Phú Huân chia sẻ đang hưởng mức phụ cấp chức vụ là 0,45.

Căn cứ theo quy định phân hạng trường, Trường Trung học phổ thông Trần Quốc Tuấn hiện có 18 lớp, ở miền núi nên được xếp vào trường hạng II.

Theo thầy Huân, với hạng trường chênh nhau 1-2 lớp, công việc, văn bản cần xử lý của hiệu trưởng, hiệu phó giữa các trường trung học phổ thông gần tương đương nhau, chỉ có công tác kiểm tra, quản lý học sinh ở trường hạng I nhiều hơn một chút, nhưng không đáng kể.

"Ngành giáo dục nên xây dựng chung mức phụ cấp chức vụ cho hiệu trưởng, phó hiệu trưởng căn cứ vào vị trí việc làm thay vì xếp theo phân hạng trường như hiện nay. Nếu phụ cấp chức vụ hiệu trưởng, phó hiệu trưởng theo vị trí việc làm thì sẽ tạo động lực để lãnh đạo trường làm tốt hơn nữa trách nhiệm quản lý”, thầy Huân chia sẻ.

Còn thầy Nguyễn Văn Trung – Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Yên Dũng số 2 (tỉnh Bắc Giang) cho biết, trường xếp vào hạng I vì có 36 lớp. Hiện trường có 1 hiệu trưởng và 2 phó hiệu trưởng.

Thầy Dũng đánh giá, một trường trung học phổ thông có 36 lớp là tương đối nhiều. Tuy nhiên, công việc của hiệu trưởng, phó hiệu trưởng trường trung học phổ thông giữa các hạng trường là như nhau thì phụ cấp chức vụ nên bằng nhau chứ không nên phân theo hạng trường.

Cũng theo quy định hiện hành, chỉ có tổ trưởng chuyên môn cấp trung học phổ thông hưởng phụ cấp chức vụ là 0,25, còn tổ trưởng chuyên môn cấp trung học cơ sở, tiểu học và mầm non nhận phụ cấp chức vụ là 0,20. Tổ phó chuyên môn ở tất cả các cấp học đều là 0,15.

Chia sẻ với phóng viên, một giáo viên đang làm tổ trưởng chuyên môn của trường trung học cơ sở ở Hà Nội chia sẻ, tổ trưởng, tổ phó được ví như lãnh đạo thu nhỏ, công việc chuyên môn nhiều, bộn bề vì đồng thời phải tham gia giảng dạy.

Theo tìm hiểu, trường của giáo viên này có 1 tổ tự nhiên, 1 tổ xã hội và 1 tổ năng khiếu. Hiệu trưởng, phó hiệu trưởng triển khai nhiệm vụ xuống tổ trưởng/tổ phó. Sau đó, tổ trưởng/tổ phó giao nhiệm vụ, định hướng triển khai cho giáo viên và báo cáo lại cho lãnh đạo về hiệu quả công việc.

“Chuyên môn trong giáo dục đào tạo là nhiệm vụ quan trọng nhất. Để làm tốt thì tổ trưởng, tổ phó chuyên môn phải phối hợp, thực hiện vai trò đôn đốc, hướng dẫn triển khai, tập hợp và kiểm tra giáo viên.

Phụ cấp chức vụ như một món quà động viên tinh thần cho tổ trưởng, tổ phó chuyên môn. Tuy nhiên, tổ trưởng, tổ phó làm những việc không tên, mất nhiều thời gian, công sức, nhưng phụ cấp chức vụ không đáng bao nhiêu.

Hiện chỉ có tổ trưởng trường trung học phổ thông có mức phụ cấp chức vụ cao nhất là 0,25. Song điều đáng nói là cùng thực hiện chức năng, vai trò và trách nhiệm như nhau, vì sao tổ trưởng chuyên môn trường trung học phổ thông lại hưởng phụ cấp chức vụ nhiều hơn tổ trưởng chuyên môn ở các cấp học thấp hơn”, vị này băn khoăn.

Mức phụ cấp chức vụ của hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, tổ trưởng, tổ phó chuyên môn từ ngày 1/7/2023, độc giả tham khảo TẠI ĐÂY

Ngọc Mai