Cách đây 46 năm, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 mà đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã giành thắng lợi hoàn toàn.
46 năm đã trôi qua, kể từ ngày đất nước thống nhất, Bắc Nam thu về một mối. Thế nhưng, những ký ức hào hùng của thời khắc lịch sử 30/4/1975 vẫn còn vẹn nguyên, khắc cốt ghi tâm mỗi khi chúng ta hồi tưởng lại.
Ngày 30/4/1975 đã đi vào lịch sử như một mốc son chói lọi đưa đất nước ta bước vào một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.
Chiến thắng ngày 30/4/1975 là thành quả vĩ đại trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội do Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo. Đó là trang sử hào hùng, chói lọi trên con đường dựng nước và giữ nước hàng nghìn năm lịch sử của dân tộc.
Đoàn xe tăng lao qua cổng chính, tiến vào sân Dinh Độc Lập sáng 30/4/1975. (Ảnh tư liệu) |
Hòa chung không khí hào hùng của đất nước, trong niềm vui xen lẫn bùi ngùi, xúc động khi hồi tưởng lại những ký ức không bao giờ quên, ông Lê Như Tiến - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội (Đại biểu Quốc hội khóa XII, XIII) - từng là người lính tại Mặt trận đường 9 - Nam Lào, chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam: “Cứ mỗi năm đến dịp ngày 30/4, tất cả người dân đất Việt ai ai cũng bồi hồi nhớ lại ngày 30/4 năm 1975. Đó là ngày đất nước hoàn thành giấc mơ độc lập, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, giang sơn thu về một mối.
Là những người lính trong chiến tranh, chúng tôi thấy rất vinh dự và tự hào vì bản thân đã đóng góp một phần nhỏ bé tuổi trẻ của mình vào trong công cuộc kháng chiến giành lấy độc lập dân tộc.
Cảm giác vừa vui mừng đồng thời xen lẫn xúc động khi nhớ lại những ngày tháng cả đất nước, nhân dân chiến đấu, đồng lòng quyết giành lại độc lập cho đất nước, giải phóng dân tộc, thống nhất bờ cõi, giang sơn.
Đó không chỉ là niềm vui, niềm hạnh phúc của những người lính cầm súng ra trận. Mà đó là niềm mong mỏi, đợi chờ của toàn thể nhân dân Việt Nam, những người con đất Việt lúc bấy giờ. Đó là niềm hạnh phúc khi chúng ta nhìn thấy được ánh sáng của hòa bình, của độc lập, của tự do”.
Đại thắng mùa Xuân năm 1975 đã chứng minh trí tuệ và tài thao lược của Đảng ta trong lãnh đạo và chỉ đạo chiến tranh cách mạng. Đó cũng là một minh chứng cụ thể và hoàn hảo nhất về tinh thần quật cường của toàn thể nhân dân Việt Nam trong đấu tranh chống giặc ngoại xâm.
Đứng ở cương vị một người lính đã từng cầm súng chiến đấu, góp sức lực, tuổi trẻ của mình tạo nên bản hùng ca chiến thắng, ông Lê Như Tiến vẫn luôn trăn trở: “Thanh xuân, tuổi trẻ của những người lính chúng tôi lúc đó là gắn liền với những sự kiện đánh dấu mốc lịch sử. Đó là trách nhiệm, nghĩa vụ và cũng là may mắn đối với những người con đất Việt khi cống hiến được sức lực, trí tuệ để cùng nhân dân giành lại độc lập, tự do cho đất nước.
Trong thời kỳ đất nước còn chiến tranh, người lính trong chiến tranh rất anh hùng, rất dũng cảm không quản hi sinh gian khổ để góp phần cùng toàn dân ta làm nên trang sử hào hùng, vẻ vang.
Thế nhưng, trong thời bình hiện nay, không phải cựu chiến binh nào cũng phát huy được truyền thống của anh bộ đội cụ Hồ năm xưa. Chúng ta chứng kiến có những cán bộ, cựu chiến binh từng chiến đấu anh dũng, làm nên chiến thắng lịch sử nhưng trong thời nay lại có những biểu hiện lệch lạc, không đóng góp nhiều cho đất nước trong xây dựng và bảo vệ tổ quốc ngày nay.
Thậm chí có những cựu chiến binh có biểu hiện thoái hóa, biến chất. Đó chính là điều rất buồn khiến nhiều người cảm thấy day dứt”.
Ông Lê Như Tiến - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội (Đại biểu Quốc hội khóa XII, XIII). Ảnh: Cao Kim Anh. |
Theo ông Lê Như Tiến, thời kỳ nào cũng vậy, đã là người lính thì phải cống hiến sức lực, trí tuệ cho đất nước. Trong chiến tranh, loạn lạc, người lính anh dũng, kiên cường chiến đấu giành chiến thắng thì trong thời bình, người lính phải làm sao để có đóng góp thiết thực đưa đất nước phát triển, sánh vai cường quốc năm châu.
Những người cựu chiến binh chính là những người đã kinh qua những thời khắc vàng son của lịch sử, được tôi luyện, được rèn giũa bởi khó khăn, chiến tranh.
Chính vì thế, trong thời bình với những kinh nghiệm quý báu đã có được, họ là tấm gương, đầu tàu trong sự phát triển đất nước.
“Tôi nhận thấy những cựu chiến binh phần lớn họ đều trăn trở, đều có những đóng góp rất mạnh mẽ cho đất nước. Tuy nhiên cũng còn tồn tại số ít cựu chiến binh chưa xứng danh anh bộ đội cụ Hồ năm xưa. Đôi khi còn có những đòi hỏi ngược lại chủ trương, chính sách của Đảng, nhà nước, làm mờ đi hình ảnh mà chiến tích năm xưa của chính họ.
Những vẻ vang năm xưa cũng phải được thể hiện trong thời kỳ hòa bình, phát triển được thể hiện là những đóng góp thiết thực bằng lời nói, việc làm xây dựng đất nước, quê hương, cộng đồng mình có những bước tiến mới”, ông Tiến nhấn mạnh.
Trong niềm vui hân hoan đón mừng kỷ niệm 46 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, cũng là thời điểm gần đến ngày toàn dân bầu cử Hội đồng Nhân dân các cấp, những gửi gắm về tương lai của đất nước được ông Lê Như Tiến nhắc tới với nhiều mong mỏi, kỳ vọng:
“Ngay sau dịp 30/4 - 1/5, ngày 23/5/2021 là ngày toàn dân đi bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XV và Đại biểu Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, tôi kỳ vọng rằng tất cả các cử tri sáng suốt, lựa chọn những đại biểu xứng đáng, ưu tú, đủ tâm, đủ tầm, đủ đức, đủ tài gánh vác công việc của đất nước từ trung ương đến địa phương”.
Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất của nhà nước, hội đồng nhân dân các cấp là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, là cơ quan đại diện của nhân dân thì phải làm sao gắn bó mật thiết với nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân và mọi công việc, việc làm phải vì nước, vì dân. Đó mới là xứng danh anh bộ đội cụ Hồ thời nay.
“Tôi hy vọng rằng, các cử tri hăng hái đi bầu cử, nghiên cứu sâu sát tiểu sử, nhân thân của ứng cử viên thì sẽ bầu ra được những đại biểu ưu tú, gánh vác công việc của đất nước. Đó không chỉ là trách nhiệm của ứng cử viên mà còn là trách nhiệm của nhân dân, cử tri trước cuộc bầu cử trọng đại này”, ông Tiến bày tỏ.