Bộ lịch đá của người Maya (Nguồn: AFP) |
Hàng triệu du khách sẽ tới vùng này trong ngày thứ Sáu 21/12 để ăn mừng với pháo hoa, các buổi nhạc hội và những màn trình diễn khác được tổ chức ở gần 40 di chỉ khảo cổ ở Mexico và Trung Mỹ, nơi nền văn minh này được khai sinh và phát triển rực rỡ. Đây đơn giản là dịp ăn mừng bắt đầu một chu kỳ mới, chứ không phải “Ngày Tận thế” như nhiều người vẫn tin.
“Lịch Maya không chỉ là vấn đề đếm giây, phút và giờ,” nhà nhân chủng học người Guatemala, Alvaro Pop, một thành viên của Diễn đàn các vấn đề dân tộc thiểu số tại Liên Hợp Quốc, nói với AFP.
Lịch cũng cho thấy “sự di chuyển của các tinh tú và ảnh hưởng của nó tới cuộc đời con người,” Pop giải thích. Các chuyên gia nói nền văn minh cổ đại này đã có thể xác định ảnh hưởng của các tinh tú trên trời với thủy triều, sự sinh sôi nảy nở và cả sự trưởng thành của các loài thực vật.
Nhưng sự đóng góp của nền văn minh cổ đại này, đạt tới đỉnh cao trong giai đoạn từ năm 250 tới năm 900, còn vượt xa hơn thế, bao gồm cả kiến trúc, kỹ thuật dệt và ẩm thực. Người Maya là những người đầu tiên trồng ngô, khoảng 3.000 năm trước và cho tới giờ đây vẫn là loại lương thực chính của người dân trong vùng. Họ cũng là những người đầu tiên trồng cây cocoa cũng như loại kẹo là nguồn gốc của kẹo cao su ngày nay.''
Hoa văn của người Maya tại bảo tàng văn minh Maya tại Tegucigalpa, Mexico (Nguồn: AFP) |
Người Maya và những người đi trước, chủ yếu ở Guatemala, cũng nổi tiếng với các loại vải sợi dệt cực đẹp “cho thấy cuộc sống bùng nổ và đẹp nhất của con người trên thế giới,” Pop nói. Nền văn minh này cũng được cho là nền văn minh duy nhất có phát triển chữ viết tại châu Mỹ thời Tiền Columbus.
Tổng cộng người Maya sử dụng 36 ngôn ngữ trong lịch sử của họ ở nhiều vùng khác nhau, nhiều loại có cấu trúc ngữ pháp phức tạp và hiện vẫn được các sắc dân ở đây sử dụng. Sách thiêng của người Maya, Popol Vuh, là bằng chứng rõ ràng cho thấy di sản ngôn ngữ của họ. Cuốn sách thần thoại giải thích sự hình thành thế giới.
Theo nhà nhân chủng học người Costa Rica, Ana Cecilia Arias, các kiến trúc sư Maya đã xây nên các kim tự tháp và đóng góp lớn vào việc thiết kế các đền thờ trong vùng. Ngày nay vẫn còn lại nhiều di tích các trung tâm tôn giáo cổ xưa như Chichen Itza ở bán đảo Yucatan tại Mexico, Tikal ở Guatemala, Copan ở Honduras và Tazumal ở El Salvador.
Tượng thần của người Maya ở Tegucigalpa (Nguồn: AFP) |