LTS: Không biết từ khi nào, nhưng ngày nay, dường như bất cứ khi nào, ở đâu, khi một hành động nhân văn được nói tới thì lập tức nghi ngờ xuất hiện.
Những điều đó như cứ như thế sẽ “góp phần” làm mất dần những hành động đẹp vốn đã ngày càng ít ỏi.
Cô giáo Phan Tuyết lên tiếng bày tỏ quan điểm của mình về lối sống mà con người mất niềm tin và luôn sống trong nghi ngờ, đối phó lẫn nhau.
Tòa soạn xin trân trọng gửi tới độc giả bài viết này.
Chiếc xe buýt dừng lại, người phụ nữ bụng to vượt mặt nặng nề bước lên. Người phụ xe quay xuống nói to: “Có ai nhường dùm cho chị cái ghế ngồi đỡ đi”.
Lời đề nghị bị rơi vào khoảng không trước những tiếng cười nói đang vang lên rổn rảng. Thì bất ngờ, có cậu bé từ nãy giờ vẫn ngồi đăm chiêu, tự dưng đứng bật dậy đi đến bên chị phụ nữ nói: “Cô ngồi vào chỗ con cho khỏe".
Mới nói dứt câu, đám bạn cười vang buông những câu chọc ghẹo: “Tụi mày trông thằng Dũng ga lăng chưa kìa, nhưng nhầm địa chỉ rồi chúng mày ơi! Đó là bà bầu, thấy chưa thằng ngốc”.
Lòng tốt của cụ ông nghèo (Ảnh: baomoi.com) |
Nói rồi cả bọn cười ngặt nghẽo mặc cho Dũng đỏ mặt tía tai không nói được lời nào.
Lần khác, khi gặp vụ ngã xe trên đường, một anh thanh niên hối hả chạy lại giúp người bị nạn đi cấp cứu nhưng anh bị một số người xung quanh cản lại: “Đừng đụng vào cho rắc rối vào thân, đợi công an đến làm việc”. “Tới lúc đó người ta chết rồi thì sao?”.
Vừa nói, anh vừa xốc người bị nạn lên người và nhờ người khác chở đi. Thấy thế, có người buông tiếng chửi: “Đồ ngu, nói không nghe, thể nào cũng sáng mắt ra. Sao trên đời lại có lắm thằng ngu thế không biết”.
Một cậu bé mồ côi sống lay lắt nay đây mai đó vì không còn người thân thích để nương tựa. Gặp em, đồng cảm với hoàn cảnh éo le, cô giáo N.Tr - giáo viên một trường Tiểu học ở Phước Hội (Bình Thuận) đã cùng chồng nhận em làm con nuôi đưa về nhà ở.
Thấy cô chăm sóc cậu bé ân tình, chu đáo, một số người ác ý lời qua tiếng lại: “Không máu mủ ruột rà mà chăm sóc như con chỉ có tình ý gì đó…”.
Những lời đơm đặt đến tai gia đình chồng. Thế là trước sức ép của mọi người, cô đành gửi đứa bé cho chị gái ở Phan Rang nuôi giúp. Một lần, cô nhận được điện thoại của con: “Mẹ cho con về thăm nhà một lần vì con nhớ mẹ lắm”.
Vốn sợ thiên hạ lại bịa đặt nhiều chuyện, sợ nhà chồng phản ứng, cô đã không đồng ý cho cậu bé về thăm mà hẹn: “Hôm nào ba mẹ sẽ ra thăm con”.
Cô có ngờ đâu đó là lần cuối cùng được trò chuyện với nó. Có lẽ do đau buồn vì nghĩ mình bị bỏ rơi, tủi thân lại một lần nữa mất gia đình nên cậu bé đã treo cổ tự vẫn.
Chuyện của người phụ nữ 7 năm đón sĩ tử đến trọ miễn phí(GDVN) - Thấu hiểu nỗi khổ sĩ tử tìm phòng trọ đi thi, đã 7 năm nay bà Đào Thị Thanh Lâm (71 tuổi, ở Cổ Nhuế, Hà Nội) dọn nhà đón sĩ tử tới ở. |
Nghe tin, cô nói trong tiếng nấc: “Biết thế này, em cứ mặc kệ thiên hạ nói gì thì tùy. Em ân hận quá nhưng muộn mất rồi chị ơi!”.
Một người đàn bà liệt ngồi xe lăn nhưng hàng ngày vẫn dùng chiếc xe ấy chở đất, đá để vá những ổ voi, ổ gà trên đường cho mọi người giao thông an toàn.
Dù gia đình nghèo, bà vẫn chia xẻ bớt những phần quà mình nhận được cho những gia đình nghèo hơn mình. Dù không nhận được sự ủng hộ, đồng tình của nhiều người, bà còn bị họ đặt cho biệt danh “khùng” “thân mình chưa lo xong lại lo chuyện bao đồng” của thiên hạ…
Và còn nhiều, rất nhiều chuyện, con người ta sống tử tế bị “lên án”, bị cười chê và bị nghi ngờ. Dần dần người tử tế không dám thể hiện mình tử tế. Điều tốt không dám công khai, lâu dần sẽ bị lãng quên.
Những việc xấu lại hiện hữu khắp nơi đến độ cái xấu nhiều quá để con người mất niềm tin và luôn sống trong nghi ngờ, đối phó lẫn nhau.
Làm thế nào để sống tốt, sống tử tế được nhân rộng, được tôn vinh, được mọi người đồng tình ủng hộ? Thiết nghĩ, mỗi chúng ta cần thay đổi cách sống, cách nghĩ để luôn có niềm tin vào mọi người.