Tờ Liên Hợp buổi sáng xuất bản tại Singapore ngày 9/10 bình luận, kỳ họp Lưỡng Hội Trung Quốc năm 2016 đã khai mạc được một tuần, nhưng bầu không khí nghị trường ở cả Hội nghị Hiệp thương chính trị nhân dân toàn quốc lẫn Quốc hội Trung Quốc đều "nghiêm túc" một cách đáng ngạc nhiên.
Ông Tập Cận Bình phát biểu trước kỳ họp Quốc hội Trung Quốc năm nay, ảnh: Tạp chí Cầu Thị. |
Hơn 5000 đại biểu dự họp Lưỡng Hội đều tỏ ra "nghiêm trang và lặng lẽ", trên nghị trường vắng bặt những "pháo thủ" khiến giới truyền thông trong và ngoài Trung Quốc hào hứng chờ đợi như những kỳ họp trước.
"Pháo thủ" là từ giới báo chí Trung Quốc sử dụng để miêu tả các đại biểu Chính hiệp trung ương hoặc Quốc hội dám công khai phát biểu bất ngờ, động đến những vấn đề nhạy cảm và nêu lên kiến giải độc lập của bản thân mình. Chính các "pháo thủ" góp phần làm cho các kỳ họp Quốc hội và Chính hiệp trung ương trở nên đầy màu sắc, thay vì nhàm chán và mệt mỏi.
Liên Hợp buổi sáng so sánh, kỳ họp Lưỡng Hội 2008 trên nghị trường "pháo này chưa dừng, pháo khác đã nổ" khiến cho hoạt động chính trị một năm mới có một lần trở nên sôi nổi, hấp dẫn.
Nhắc đến kỳ họp này, người ta nhớ đến nữ "pháo thủ" Trương Nhân nêu quan điểm, giới thu nhập cao Trung Quốc phải đóng thuế quá cao, còn hợp đồng lao động dài hạn thường được xem như "bát cơm vĩnh cửu" làm giảm chất lượng lao động.
Ông Lý Kim Hoa, cựu Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch nhà nước thì chỉ trích cơ quan cũ có hàng trăm phòng ban, có phòng ban con, cháu, chắt, chút, chít, cứ dăm ba người lại thành lập một phòng ban để thu phí.
Lưỡng Hội 2010, "pháo thủ" Cát Kiếm Hùng - Giáo sư Đại học Phúc Đán thì phê phán chế độ kê khai tài sản cán bộ đảng viên "chỉ là mớ giấy lộn". Ông Hùng còn phê phán thẳng mặt Bộ trưởng Giáo dục Trung Quốc thời điểm đó là chẳng biết làm gì để giải quyết nạn hủ bại học thuật.
Cựu Chủ nhiệm Ủy ban Sinh đẻ có kế hoạch Trương Duy Khánh than phiền trước đại hội, gánh nặng tiếp đón các lãnh đạo ngày càng cao, nói thẳng nói thật ngày càng khó...Những phát biểu như vậy đã tạo ra những tràng pháo tay rộn rã nghị trường và làm hưng phấn cánh truyền thông báo chí.
Ông Nhậm Chí Cường, một đại gia bất động sản gây chú ý dư luận vì phát biểu chỉ trích quan điểm của ông Tập Cận Bình. Ảnh: Sina. |
Năm 2013 ông Tập Cận Bình lên nắm quyền và dẫn theo một dàn lãnh đạo mới tham dự Lưỡng Hội, người ta chỉ còn thấy bà Trương Nhân phát biểu nhưng cũng mềm mại kiểu Thái Cực Quyền. Tân Hoa Xã khi đó có xã luận nói rằng, Lưỡng Hội càng có nhiều "pháo thủ", càng nhiều lời "trung ngôn nghịch nhĩ" thì càng tốt.
Kỳ họp Lưỡng Hội năm 2014, lại xuất hiện "pháo thủ" ngoài dự kiến, là trường hợp ông Mạnh Học Nông, cựu Thị trưởng Bắc Kinh, cựu Tỉnh trưởng Sơn Tây bị ép từ chức sớm đã "nổ" giữa nghị trường.
Trước hàng ngàn đại biểu, ông Nông bức xúc về "vấn nạn Tiến sĩ" trong bộ máy nhà nước. "Có nhiều người học Tiến sĩ chỉ cầu hư danh và thực lợi. Tôi đề nghị Ban Tổ chức Trung ương tổ chức kỳ sát hạch trình độ tất cả các tiến sĩ trong bộ máy nhà nước. Vì tất cả các tham quan phát hiện được đều là Tiến sĩ. Tôi cho rằng đó chỉ là những Tiến sĩ điếu đóm bưng bê, không có tí trình độ học thuật nào".
Sang đến kỳ họp Lưỡng Hội năm nay, cả Chính hiệp trung ương lẫn Quốc hội ai nấy đều ngồi im như tượng. Cựu "pháo thủ" như ông Cát Kiếm Hùng im lặng, không thấy bóng dáng một "tân pháo thủ" nào xuất hiện.
Dư luận giới truyền thông đưa tin về 2 kỳ họp bàn tán xôn xao, nhiều khả năng vụ nhà tỉ phú bất động sản Nhậm Chí Cường bị "khóa miệng" ngay trước Lưỡng Hội đã mang lại hiệu ứng im lặng tập thể trong kỳ họp quan trọng năm nay.
Xung quanh vụ việc này, hơn 5000 đại biểu dự Lưỡng Hội chỉ có duy nhất Giáo sư Tưởng Hồng từ Đại học Tài chính Thượng Hải dám lên tiếng, ông phản đối việc khóa các tài khoản mạng xã hội và "xử lý vô cùng thô bạo" trước phát biểu bình thường của ông Nhiệm Chí Cường. Các đại biểu khác cứ gặp báo chí là tránh.